Cơ hội trong khủng hoảng

(ĐTCK) Nếu cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu đang đặt các quốc gia phát triển vào việc tìm kiếm một mô hình khác phù hợp hơn thì đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, đây lại là cơ hội rất hiếm để khỏa lấp khiếm khuyết tồn tại từ lâu. Đó là cách nhìn nhận của PGS. TSKH Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị Thế giới. Theo ông, mặc dù phải đối mặt với tác động của khủng hoảng toàn cầu, nhưng đây chính là cơ hội "có một không hai" để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước. Ông đã dành cho Báo Đầu tư Chứng khoán cuộc trò chuyện đầu Xuân khá thú vị.

Là người có điều kiện theo dõi, nghiên cứu kinh tế thế giới, ông nhận thấy có điều gì đặc biệt từ cuộc khủng hoảng lần này so với đại khủng kinh tế 1929 - 1933 hay cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, sự đổ vỡ của hàng loạt công ty dot.com tại Mỹ những năm đầu thế kỷ 21?

Cuộc khủng hoảng trong năm vừa qua nổ ra tại Mỹ - một đầu tàu kinh tế của thế giới, nên trong một thời gian ngắn đã lan ra các trung tâm kinh tế lớn khác. Một đặc điểm rất đáng chú ý là cuộc khủng hoảng bắt đầu từ lĩnh vực bất động sản, sau đó lan sang tài chính và đã ảnh hưởng đến khu vực công nghiệp và dịch vụ. Đến bây giờ lại bắt đầu tác động quay trở lại tài chính tạo thành một vòng xoáy hết sức phức tạp, khó phán đoán. Do khủng hoảng gắn với bất động sản nên nó rất nghiêm trọng và kéo dài vì ngành này liên quan đến ít nhất 50 lĩnh vực kinh tế khác.

Có thể nói, cuộc khủng lần này mạnh về cường độ (hạ gục cả những định chế tài chính lớn đã từng vượt qua khủng hoảng những năm 30 của thế kỷ trước như Leman Brother), rộng về quy mô (lan ra hầu hết các châu lục), kéo dài về thời gian hồi phục.

Diễn biến của cuộc khủng hoảng dường như bất ngờ ngay cả với giới học thuật, nghiên cứu, thưa ông?

Khi bắt đầu lâm vào khủng hoảng, các thông tin công bố đã bị sai lệch. Các công ty, tập đoàn lớn gặp khó khăn không muốn công bố tình hình thực của mình vì sợ cổ phiếu, trái phiếu mất giá. Các chính phủ cũng không muốn công bố thông tin thực vì e ngại ảnh hưởng đến tâm lý người dân, gây hoang mang lo lắng, nguy hiểm đến nền kinh tế. Do đó, cứ 3 tháng một lần, các tổ chức quốc tế lại công bố chỉ số mới từ đó đưa ra dự báo mới, lần sau luôn xấu hơn lần trước do thông tin được cập nhật đầy đủ hơn.

Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng này?

Theo tôi, có hai nguyên nhân. Thứ nhất, thể chế của nước Mỹ và các nước phương Tây, đặc biệt là thể chế tài chính có nhiều bất hợp lý. Mặc dù đã được hoàn thiện thông qua các lần cải cách, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển mạnh chưa từng có, các thể chế này vẫn chưa đủ năng động để linh hoạt thích ứng.  Thứ hai là những bất cập trong cơ cấu kinh tế. Nước Mỹ và các nước phương Tây phát triển dựa vào kinh tế công nghiệp là chính. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngành công nghiệp truyền thống đã được chuyển sang các nước đang phát triển với ưu thế cạnh tranh lớn hơn (chi phí sản xuất thấp). Như vậy, các nước này chỉ còn hướng vào công nghệ cao và dịch vụ. Thập niên 90 của thế kỷ 20, nước Mỹ tập trung vào phát triển công nghệ cao, nhưng doanh số của ngành này cũng chỉ chiếm 10% GDP, đã đẩy nước này vào bong bóng tài chính công nghệ cao.

Phát triển công nghiệp truyền thống không được do mất sức cạnh tranh, phát triển công nghệ cao có giới hạn, nguồn vốn lớn đã di chuyển từ ngành ít có hiệu quả sang lĩnh vực bong bóng. Một lượng tiền khổng lồ được đẩy vào thị trường bất động sản. Vốn nhiều, cho vay dễ dãi đã đẩy giá bất động sản lên cao và cuối cùng là khủng hoảng.

Với những dữ liệu đang có, ông nhận định thế nào về khả năng hồi phục của kinh tế thế giới?

Như trên tôi đã nói, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này là do thể chế và kết cấu kinh tế không hợp lý của các nước phát triển. Do liên quan đến thể chế và kết cấu nên thời gian hồi phục không thể nhanh được. Nếu chỉ là những vấn đề kỹ thuật (phát triển quá nóng các sản phẩm phái sinh như chứng khoán hóa, khủng hoảng thừa trong lĩnh vực công nghiệp, bong bóng tài chính ngành công nghệ cao…) thì thời gian khắc phục rất nhanh. Do liên quan đến thể chế nên đòi hỏi phải tìm ra mô hình phù hợp, liên quan đến kết cấu kinh tế nên cũng phải có thời gian để thay đổi. Và một nguyên nhân nữa là do khủng hoảng bắt đầu từ bất động sản nên khả năng hồi phục cũng sẽ kéo dài hơn.

Không chỉ riêng tôi, mà nhiều chuyên gia đều có chung dự báo rằng, tình hình năm 2009 sẽ xấu hơn năm 2008 vì đến nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào khả quan. Giá nhà đất tại Mỹ vẫn xuống chưa có điểm dừng, các ngân hàng, hệ thống tín dụng vẫn bị đe dọa tính thanh khoản, niềm tin người dân suy giảm. Trong khi người tiêu dùng hạn chế mua sắm thì các nhà sản xuất hạn chế sản xuất và các tổ chức tín dụng hạn chế cho vay (vì sợ rủi ro).

Năm 2009, dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2%, trong đó các nước phát triển có tốc độ âm thì các quốc gia đang phát triển đạt khoảng 3%. Để vượt qua cuộc khủng hoảng này cũng phải mất từ 4 đến 5 năm là nhanh nhất.

Như ông vừa nói thì không có điểm sáng nào của kinh tế thế giới trong năm 2009?

Cũng không hẳn là như vậy. Nhiều người coi cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang chứng kiến là tại họa, nhưng theo tôi, đây là sự phá hoại sáng tạo, vì nếu không có khủng hoảng thì không có tái tạo. Thể chế cũ đã dẫn đến sự trì trệ, tốc độ tăng trưởng GDP giảm dần, nếu cứ giữ thì không có tăng trưởng. Vì thế, cuộc khủng hoảng lần này đã gây sức ép buộc các nước phát triển phải thay đổi thể chế cũ bằng cái mới ưu việt hơn.

Ông có mường tượng ra thể chế mới mà các nước sẽ hướng tới?

Tôi cũng chưa hình dung ra, nhưng chắc chắn một điều rằng, nó sẽ tốt hơn cái cũ. Nó sẽ đảm bảo điều tiết toàn cầu tốt hơn, nhất là trong lĩnh vực tài chính. Tôi cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng này sẽ tạo ra điều kiện mới, chuyển từ văn minh công nghiệp sang kinh tế tri thức, vì nền văn minh công nghiệp đã đến giới hạn của nó khi các nguồn tài nguyên phục vụ (dầu mỏ, sắt thép…) đang dần bị cạn kiệt, môi trường bị phá hủy nghiêm trọng, năng suất tăng chậm. Còn công nghệ thông tin thì chỉ có một đặc điểm là thu thập và xử lý thông tin, chứ không có khả năng sáng tạo.

Cuộc khủng hoảng khiến các nền kinh tế phát triển hàng đầu phải tìm một hướng đi mới cho phù hợp. Với một nước đang phát triển như Việt Nam thì vấn đề đặt ra là gì, thưa ông?

Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu đang tạo ra những lợi thế to lớn. Các mặt hàng chủ lực là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành kinh tế như: dầu mỏ, xi măng, sắt thép… đã mất giá rất nhiều. Thứ hai, cuộc khủng hoảng khiến hàng triệu người là những chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao tại các công ty đa quốc gia, các tập đoàn lớn bị mất việc làm. Thứ ba, nhiều nền kinh tế lớn đã hạ lãi suất ở mức thấp kỷ lục, tạo cơ hội vay vốn với giá rẻ. Đó là 3 yếu tố quan trọng nhất đồng thời xuất hiện mà nếu tranh thủ tốt Việt Nam sẽ rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tôi cho rằng, đây cũng là cơ hội để chúng ta cải cách các thể chế như: hoàn thiện về pháp luật phù hợp thông lệ quốc tế, cải cách mạnh hơn các thủ tục hành chính, bộ máy điều hành theo hướng linh hoạt…

Vấn đề ông vừa đề cập liên quan đến các giải pháp kích cầu Chính phủ vừa đưa ra. Theo ông, nguồn tài chính kích thích kinh tế nên hướng vào đâu?

Kích thích kinh tế là rất tốt, nhưng không đúng chỗ thì hết sức nguy hiểm. Chẳng hạn, một ngành đang dư thừa nhưng lại được hỗ trợ kích thích sản xuất thì lại dư thừa nhiều hơn. Theo tôi, chúng ta nên tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, cầu cảng, sân bay, bến bãi) - một nút thắt rất bức bối, làm hạn chế khả thu hút đầu tư cũng như tiềm năng phát triển của Việt Nam từ trước tới nay. Đầu tư vào đây đòi hỏi nguồn lực rất lớn và trên cái “xương sống" ấy sẽ kéo theo các ngành khác, các doanh nghiệp phụ trợ, giải quyết lượng lớn công ăn việc làm. Chúng ta sẽ tranh thủ được nguồn nguyên liệu, chuyên gia và vốn giá rẻ như tôi đã nói ở trên để phát triển đất nước.