Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/7 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu GVR tại ngưỡng 26.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có một phiên tăng điểm tốt với mẫu hình nến Marubozu gần như hoàn hảo, hình thành nến xanh bao trùm cây nến trước đó. Thanh khoản của cổ phiếu cao hơn mức trung bình 20 phiên.

Đường MACD cắt đường tín hiệu đi lên, chỉ báo RSI tạo phân kỳ tăng, đồng thời đi từ vùng quá bán đi lên cắt qua 50, ủng hộ xu hướng hồi phục trở lại. Đường giá cổ phiếu nằm dưới MA(50) nhưng đã cắt qua đường MA(20) đi lên.

Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 23.2, chốt lãi tại ngưỡng 26.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 21.9.

Khuyến nghị mua cổ phiếu BVH với giá mục tiêu 68.000 đồng/CP

CTCK Agribank (AGR)

Trong ĐHCĐ 2022, Tập đoàn Bảo Việt (BVH – sàn HOSE) đặt kế hoạch 2022 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 1.530 tỷ đồng và 1.050 tỷ đồng, tăng trưởng 2,7% và 1,8% so với năm ngoái.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của BVH khả quan với việc hầu hết các công ty con đều đang bám sát kế hoạch đặt ra và hoàn thành khoảng 50% kế hoạch lợi nhuận năm 2022, theo chia sẻ từ Ban lãnh đạo Tập đoàn.

Bên cạnh đó, ĐHCĐ 2022 cũng đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30,261% mệnh giá từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến 2021. Đây là mức cổ tức cao nhất trong nhiều năm hoạt động của doanh nghiệp khi tỷ lệ chi trả cổ tức của BVH thường duy trì xung quanh 10% mệnh giá.

Cơ hội tăng trưởng lợi nhuận trong môi trường lãi suất tăng. Tính từ đầu năm, lợi suất TPCP bình quân tăng ở tất cả các kì hạn, trong đó lợi suất cho trái phiếu có kì hạn 10, 20, 30 năm tăng lần lượt 1,1%, 0,65% và 0,55% so với đầu năm. Mặt bằng lãi suất cao giúp cải thiện hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Bên cạnh đó, lãi suất kỹ thuật (lãi suất TPCP kỳ hạn từ 10 năm) tăng sẽ làm giảm giá trị trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, qua đó giúp cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp. Với lợi thế là doanh nghiệp niêm yết duy nhất cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong nhóm bảo hiểm, yếu tố này sẽ gia tăng mức độ hưởng lợi của BVH so với các doanh nghiệp còn lại trong ngành.

Theo BCTC năm 2021 của doanh nghiệp, tỷ lệ chiết khấu tăng 0,25% làm giảm tới 1 nghìn tỷ đồng trách nhiệm phải trích lập dự phòng toán học của BVH, qua đó làm tăng 800 tỷ đồng lợi nhuận và vốn chủ sở hữu.

Kì vọng từ ngành bảo hiểm còn nhiều dư địa tăng trưởng. Khi các hoạt động kinh tế bình thường trở lại, chúng tôi kỳ vọng rằng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ sẽ dần phục hồi với mức tăng trưởng từ 8-10% trong năm tới (cao hơn so với mức 4% của năm 2021).

Trong khi đó, mặc dù đã qua giai đoạn đỉnh dịch Covid, thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng được kỳ vọng sẽ duy trì được tỷ lệ tăng trưởng cao của năm 2021, từ 22-25%. Hiện nay tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam vẫn ở mức thấp (1,6%), so với mục tiêu 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 của chính phủ.

Cổ phiếu BVH hiện đang giao dịch với mức P/B là 1,8x lần. Mức định giá này thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước dịch (P/B trung bình 3 năm trước dịch của BVH là 2,5x lần), trong khi hiệu quả sinh lời của tập đoàn được kì vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong các năm tới.

Theo đó, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu BVH với giá mục tiêu là 68.000 đồng/CP (upside 22%), dựa trên dự phóng BVPS fw và P/B fw lần lượt là 31.000 đồng và 2,2 lần. Nhà đầu tư thực hiện cắt lỗ khi giá đóng cửa dưới vùng 47.000 đồng/CP.

Tin bài liên quan