Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 1/6 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu ACB

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Năm 2023, BVSC kỳ vọng Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – sàn HOSE) vẫn tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng với tổng thu nhập hoạt động đạt 32.700 tỷ đồng (tăng 13,6% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số đạt 15.232 tỷ đồng (tăng trưởng 11,3%).

Kỳ vọng được đưa ra chủ yếu nhờ vào: Ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, các khoản cho vay hầu hết đều là khoản vay có TSĐB; Ngân hàng có khẩu vị rủi ro thấp, không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và tỷ trọng cho vay các công ty phát triển bất động sản ở mức thấp, nhờ đó tránh được rủi ro làn sóng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023; Lợi suất sinh lời cao và bền vững.

Do đó, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM cho ACB với mức giá mục tiêu là 32.750 đồng/CP, tương đương mức lợi suất 30%.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị trung lập dành cho MWG, PNJ, PET

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Trong bối cảnh khó khăn, chúng tôi hiểu rằng việc mở rộng thị phần là chìa khóa, không chỉ giúp bảo vệ doanh thu trong ngắn hạn mà còn củng cố lợi thế cạnh tranh lâu dài.

Với lợi thế về tài chính và khả năng thực thi, MWG hiện đang thúc đẩy chiến lược giá cạnh tranh trong nhiều năm nhằm thu hút nhóm khách hàng chưa được phục vụ, nhạy cảm về giá, thúc đẩy giành lấy thị phần từ các đối thủ.

Chúng tôi cho rằng chiến lược này sẽ cho phép MWG hưởng sự cạnh tranh nhẹ nhàng hơn và tăng trưởng mạnh mẽ so với thị trường chung trong dài hạn, với chi phí là biên lợi nhuận thấp trong vài năm tới làm chậm quá trình phục hồi.

PNJ cho rằng vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng cho thị trường trang sức thương hiệu ở Việt Nam. PNJ đang mở rộng cơ sở khách hàng bằng cách tiếp cận nhóm khách hàng chưa được phục vụ (chuyển từ khách hàng đại chúng sang khách hàng thượng lưu); trong khi cung cấp mẫu mã mới và dịch vụ tốt hơn cho nhóm khách hàng hiện có.

Ngoài gia tăng thị phần, các nhà phân phối có thể tìm kiếm động lực tăng trưởng tự thân thông qua mở rộng danh mục sản phẩm, và/hoặc các cơ hội M&A như những gì DGW và PET đã và đang thực hiện. Điều này một lần nữa có thể hỗ trợ kết quả kinh doanh trong ngắn hạn nhưng cốt yếu vẫn là động lực cho triển vọng dài hạn.

Về biên lợi nhuận, PNJ kỳ vọng việc mở rộng biên lợi nhuận sẽ được thúc đẩy nhờ việc tối ưu hóa hơn nữa, giúp giảm chi phí hoạt động. Trong khi đó, MWG đang tập trung cải thiện biên lợi nhuận của Bách hóa Xanh (chuỗi hóa hiện đại) nhờ quản lý hàng dư thừa và hủy bỏ, và chi phí hậu cần tốt hơn.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VRE

CTCK BIDV (BSC)

BSC duy trì dự báo kết quả kinh doanh năm 2023 của CTCP Vincom Retail (VRE – sàn HOSE) sẽ tiếp tục ghi nhận mức phục hồi ấn tượng với doanh thu thuần đạt 8.972 tỷ đồng (tăng 23% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 3.507 tỷ đồng (tăng trưởng 30%), EPS 2023F khoảng 1.506 đồng/CP, PE 2023F = 19.3x và P/B 2023F = 1.80x.

Quan điểm đầu tư: Mức định giá hấp dẫn khi VRE đang giao dịch tại EV/EBITDA 2023F = 10.8x – thấp hơn mức -1 lần độ lệch chuẩn và EV/EBITDA 2024F = 9.0x – thấp hơn thời điểm bùng phát dịch Covid-19 lần 1 năm 2020.

Bên cạnh đó, VRE có vị thế là nhà phát triển và vận hành TTTM hàng đầu, sức khỏe tài chính tốt tại Việt Nam, với 4 mô hình TTTM hướng đến phục vụ mọi tầng lớp khách hàng.

Ngoài ra, thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam nhiều tiềm năng trong dài hạn, được ủng hộ bởi điều kiện vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu cao và các yếu tố nhân khẩu học thuận lợi.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VRE, giá mục tiêu năm 2023 là 36.200 đồng/CP (upside 31%) dựa trên quan điểm (1) triển vọng kinh doanh duy trì tăng trưởng tốt và (2) định giá hấp dẫn.

Tin bài liên quan