Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 21/6 của các công ty chứng khoán.

Mức định giá của cổ phiếu GMC đang thấp hơn nhiều so với 1 năm trước

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC – sàn HOSE) đặt kế hoạch doanh thu 620 tỷ đồng (giảm 42% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng (tăng 9%) trong năm 2022.

Công ty đặt kế hoạch doanh thu thận trọng vì phải chọn lọc các đơn hàng xuất khẩu có biên lợi nhuận đủ tốt và từ chối nhận những đơn hàng có biên lợi nhuận thấp trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển đang leo thang.

Công ty dự kiến năm nay sẽ tiết kiệm được các chi phí phòng chống Covid (xét nghiệm, “3 tại chỗ”, etc.) và cải thiện năng suất lao động, do đó GMC vẫn đưa ra kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng dù cho doanh thu kế hoạch sụt giảm đáng kể.

Công ty sẽ trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 50% (5.000 đồng/CP), trong đó đợt 1 với tỷ lệ 20% sẽ trả vào ngày 24/06 và đợt 2 với tỷ lệ 30% dự kiến chi trả vào trong quý III/2022. Với tỷ lệ cổ tức 50% bằng tiền mặt, tỷ suất cổ tức theo thị giá ngày 18/06 ở mức khá hấp dẫn là 22.2%.

Trong quý I/2022, Công ty ghi nhận doanh thu 139 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái (hoàn thành 22% kế hoạch cả năm) và lợi nhuận sau thuế âm 8 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo, kết quả kinh doanh quý II/2022 sẽ lạc quan hơn và lợi nhuận dự kiến sẽ dương trong nửa đầu năm 2022.

Theo ban lãnh đạo, những thách thức trong năm 2022 là: (1) chi phí lao động tăng do chính sách mới của Chính phủ về mức lương tối thiểu (có hiệu lực từ tháng 7), (2) chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển tiếp tục leo thang, (3) chi phí lãi vay tăng do NHNN có thể tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, (4) lạm phát cao tại Mỹ và EU có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu hàng may mặc của người tiêu dùng, dẫn đến đơn hàng sụt giảm, (5) yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng nước ngoài về đáp ứng các tiêu chuẩn ESG.

Dựa vào kế hoạch kinh doanh 2022, GMC đang giao dịch ở mức PE 12MF là 12.36x và PB là 1.04x, thấp hơn nhiều so với mức trung vị 1 năm lần lượt là 20.43x và 1.32x.

Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu FPT

CTCK Vietcombank (VCBS)

Bùng nổ trong lĩnh vực chuyển đổi số nhờ: (1) Nhu cầu số hóa hệ thống văn bản, tự động hóa quy trình làm việc trên nền tảng số sau đại dịch; (2) Các thị trường chuyển đổi số mục tiêu của FPT về cơ bản đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh giãn cách; (3) Nhu cầu lớn đối với dịch vụ cloud để tối ưu hóa chi phí.

Mảng viễn thông quay trở lại mức tăng trưởng hai chữ số: Doanh thu mảng viễn thông của CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) có thể quay trở lại mức tăng trưởng trung bình trên 13%/ năm trong giai đoạn 3-5 năm tới nhờ (1) Hỗ trợ từ yếu tố nhân khẩu học; (2) Xu hướng nâng cấp gói dịch vụ Internet; (3) Triển vọng tăng trưởng cao của mảng truyền hình và dịch vụ cho doanh nghiệp.

Nền tảng vững chắc từ hoạt động kinh doanh giáo dục: Doanh thu lĩnh vực giáo dục của FPT dự kiến có thể duy trì mức tăng trưởng trên 30% trong vài năm tới, qua đó đóng góp đáng kể đến tăng trưởng của doanh nghiệp và là nguồn cung cấp nhân sự quan trọng trong môi trường cạnh tranh nhân sự trong ngành ở mức cao.

Đánh giá: Trong năm 2022, FPT kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong kết quả kinh doanh, vượt trên đáng kể mặt bằng tăng trưởng mà công ty đã xác lập trong vài năm gần đây nhờ sự bùng nổ của lĩnh vực công nghệ và dịch vụ viễn thông quay trở lại mức tăng trưởng hai chữ số.

VCBS dự phóng doanh thu năm 2022 của FPT đạt 46.399 tỷ đồng (tăng 30,1% so với năm trước), lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 5.707 tỷ đồng (tăng trưởng 31,6%), tương ứng với EPS là 5.717 đồng/ cổ phiếu. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu FPT với mức định giá hợp lý là 103.890 đồng/CP.

Tin bài liên quan