Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Làm gì để giảm thiểu thiệt hại?

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Làm gì để giảm thiểu thiệt hại?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã giảm mạnh trong 2 tháng qua và xu hướng ngắn hạn vẫn được đánh giá là tiêu cực, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư để giảm thiểu thiệt hại trong thời điểm này.

Tuần qua, TTCK trong nước chịu ảnh hưởng khá lớn từ những yếu tố bên ngoài như quyết định chính sách lãi suất của Fed hay ECB, các quỹ ETF cơ cấu danh mục và thị trường phái sinh áp dụng các tính giá thanh toán mới... khiến chỉ số có lúc mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm. Trong tuần giao dịch mới, liệu thị trường có tiếp tục bị chi phối bởi những yếu tố trên, theo các ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Rõ ràng thị trường chứng khoán trong nước hiện chịu ảnh hưởng khá nhiều từ những diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu (đặc biệt Mỹ) những ngày gần đây, chính vì thế VN-Index cũng đã ghi nhận tuần giảm điểm khá mạnh.

Trong khi đó, việc thị trường phái sinh có cách tính giá thanh toán mới lại khiến thị trường cơ sở ổn định hơn, ít bị tác động mạnh vào cuối ngày thanh toán như trước và tôi nhận thấy đây là điểm thay đổi tích cực.

Trong tuần tới đây, nhà đầu tư vẫn cần quan sát kỹ những diễn biến từ thị trường thế giới bởi đây đang là giai đoạn có nhiều biến động mạnh mang yếu tố tiêu cực về xu hướng trước áp lực lạm phát và nguy cơ suy thoái toàn cầu.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, các yếu tố trên sẽ ít ảnh hưởng dần đến diễn biến của thị trường, nhưng vấn đề lạm phát vẫn có thể sẽ được quan tâm nhiều vì điều này nó sẽ ảnh hưởng đến quyết định tăng lãi suất của Fed. Điểm tích cực là xu hướng của giá dầu và giá khí đã xác nhận giảm cho thấy lạm phát tháng 6 có thể sẽ hạ nhiệt.

Ông Đào Tuấn Trung – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chứng khoán VietinBank (CTS)

Trong tuần qua, các nhà đầu tư đúng là chịu nhiều thông tin tiêu cực như đề cập ở trên, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khá tương đồng với thị trường chứng khoán thế giới, do lo ngại Fed có thể tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn, đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, dẫn đến những tiêu cực có thể xảy ra với nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Trong tuần mới, chúng tôi đánh giá thị trường sẽ dần dần ổn định trở lại do các thông tin tiêu cực đã phản ánh hết vào diễn biến của thị trường trong tuần vừa rồi, tuy nhiên sự e dè của nhà đầu tư với thị trường vẫn còn, cũng như tâm lý chờ đợi kết quả kinh doanh quý 2 sẽ được công bố trong thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Lạm phát tại Mỹ và các nước châu Âu tháng 5/2022 tiếp tục ghi nhận mức cao nhất trong vòng 30 năm qua khi Mỹ 8,6% yoy, EU khoảng 8,1% yoy. Điều này đã đẩy nhanh quá trình thắt chặt tiền tệ của Fed và các ngân hàng trung ương khiến thị trường chứng khoán thế giới chịu tác động tiêu cực do các nhà đầu tư gia tăng áp lực bán lên các tài sản có rủi ro cao như cổ phiếu.

Chung đà giảm với thị trường thế giới, thị trường chứng khoán trong nước cũng gián tiếp chịu ảnh hưởng, tuy nhiên tôi cho rằng đây là những ảnh hưởng tâm lý của thị trường trong ngắn hạn.

Thời gian sắp tới, thị trường có thể có những tín hiệu phục hồi khi được hỗ trợ bởi các thông tin như triển vọng tích cực từ kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp.

Trái với động thái mua ròng của khối ngoại, nhà đầu tư trong nước lại quyết định cắt lỗ trong tuần qua với nhiều phiên ghi nhận hàng trăm cổ phiếu ở mức giá sàn. Ngoài trừ những phiên tái cơ cấu của quỹ ETF thì dòng tiền đang có phần e dè. Phải chăng sự sợ hãi đang lấn át?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Việc khối ngoại quay lại mua ròng trong thời gian qua phần nào là yếu tố hỗ trợ thị trường tuy nhiên sự tham gia của khối ngoại chỉ chiếm tỷ trọng thấp và ít tác động đến bối cảnh chung. Chính vì tâm lý có phần hoảng loạn, nhiều cổ phiếu đã giảm tới trên 50% chỉ trong thời gian ngắn đã dẫn đến việc nhà đầu tư quyết định cắt lỗ.

Trong bối cảnh xu thế ngắn hạn vẫn đang ở trạng thái tiêu cực và nhiều rủi ro thì việc thận trọng và đảm bảo quản trị rủi ro (giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống mức thấp) cũng là điều hợp lý cần nên thực hiện.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Thực tế, các nhà đầu tư đã và đang thoát khỏi nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng và bất động sản do ba nhóm này không có quá nhiều yếu tố hỗ trợ hiện tại, đặc biệt diễn biến TTCK vẫn đang trong giai đoạn giảm ngắn hạn.

Tuy nhiên, dòng tiền lại có khuynh hướng dịch chuyển vào các nhóm cổ phiếu tăng trưởng theo nền kinh tế như nước khí đốt, điện, bán lẻ, hóa chất, sản xuất thực phẩm, dầu khí và hàng cá nhân. Do đó, các nhà đầu tư chưa hoàn toàn sợ hãi và vẫn đang tìm cơ hội ngắn hạn trên TTCK.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chứng khoán VietinBank (CTS)

Do tâm lý yếu, kèm với việc thiếu kinh nghiệm nên các nhà đầu tư liên tục cắt lỗ trong những tuần vừa qua, bên cạnh đó rất nhiều mã kể cả một số mã bluechip đã giảm 2-3 lần so với vùng đỉnh, vượt qua sức chịu đựng của nhà đầu tư cá nhân.

Chúng tôi đánh giá, tâm lý sợ hãi đang bao trùm lên cả thị trường, do rất nhiều nhà đầu tư kỳ vọng chứng khoán là một kênh sinh lợi tốt, kênh này đã mang về lợi nhuận cho họ lợi nhuận nhiều gấp 2-3 lần trong năm 2021.

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư “bắt buộc” phải cắt lỗ thu hồi vốn, nhằm mục đích quay trở lại phục vụ cho việc kinh doanh, sản xuất khi nền kinh tế đang phục hồi, mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco

Theo tôi quan sát, hành động bán ròng của nhà đầu tư cá nhân trong nước tuần qua chủ yếu mang tính chốt lời ngắn hạn và cơ cấu lại danh mục. Số liệu từ Fiintrade cho thấy rằng trong cả 4 tuần trước đó nhóm nhà đầu tư này đều thực hiện mua ròng, đặc biệt trong tuần VN-Index tạo đáy (từ 16-20/5), nhóm nhà đầu tư đã mua ròng nhiều nhất với giá trị giao dịch gần 2.000 tỷ đồng. Vì vậy, áp lực chốt lời trong tuần qua là điều hoàn toàn bình thường.

Thêm vào đó, việc chỉ số giữ vững mốc hỗ trợ quan trọng 1.200 điểm cũng đang là liều thuốc giúp tâm lý của các nhà đầu tư ổn định và cho thấy thị trường vẫn chưa hề rơi vào trạng thái sợ hãi.

Việc các ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng, thị trường bất động sản hạ nhiệt cũng khiến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán không còn dồi dào như trước. Ông bà có góc nhìn như thế nào về mối liên hệ giữa dòng vốn trên thị trường bất động sản với thị trường chứng khoán hiện nay?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Có thể nói thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có điểm chung là mang tính đầu cơ cao và có xu thế khá tương đồng (chỉ lệch độ trễ), thời gian trước khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp đã khiến nhiều ngành nghề gặp khó khăn, đã khiến dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy mạnh sang 2 kênh này để tìm kiếm lợi nhuận và khiến cho cả 2 thị trường này trải qua 2 năm tăng trưởng rất nóng.

Ngược lại, giờ đây khi dịch bệnh đã được kiểm soát, nền kinh tế đã từng bước quay trở lại quỹ đạo vốn có thì việc dòng tiền rút dần ra khỏi các kênh này là điều có thể dễ dàng nhận thấy được.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng chính vì dòng vốn tín dụng không chảy vào bất động sản nên ảnh hưởng trực tiếp lên hai nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, và đây là hai nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng đến TTCK lớn nhất vì giá trị vốn hóa lớn.

Tuy nhiên, TTCK Việt Nam ngày càng thể hiện sự phân hóa rõ nét của dòng tiền cho nên bất chấp đà giảm của ba nhóm cổ phiếu vốn hóa trong ngành tài chính ngân hàng, dòng tiền vẫn tìm kiếm cơ hội ở những nhóm ngành theo đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chứng khoán VietinBank (CTS)

Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản có mối liên hệ chặt chẽ, là các cấu phần quan trọng của thị trường tài chính. Trong những năm gần đây, các các doanh nghiệp bất động sản có xu hướng phát hành trái phiếu để huy động nguồn vốn triển khai các dự án.

Với việc tín dụng vào lĩnh vực bất động sản bị siết chặt và sự việc tại Tân Hoàng Minh, nhiều doanh nghiệp bất động sản chịu áp lực phải tiến hành trả lại khoản vay trước hạn. Khi đó, tài sản đảm bảo cho trái phiếu (gồm bất động sản hình thành trong tương lai và cổ phiếu liên quan) đứng trước áp lực bán tăng mạnh. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên cả hai thị trường trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco

Bất động sản luôn là một tài sản lớn, chiếm giá trị cao trong nền kinh tế của các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Do đó, những tác động tiêu cực từ thị trường bất động sản có thể gây ra ảnh hưởng lên các thị trường tài chính ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 cũng được bắt nguồn từ thị trường này.

Hiện nay, với việc nắn chỉnh dòng vốn đổ vào bất động sản của các cơ quan quản lý cũng khiến các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này gặp khó khăn, đặc biệt trong khả năng thanh toán gốc/lãi trái phiếu đáo hạn.

Theo thống kê có khoảng 500.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2022-2023, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản. Điều này có thể tạo áp lực lên các doanh nghiệp và buộc các chủ doanh nghiệp phải bán một lượng cổ phiếu nhất định để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán.

Hầu hết cổ phiếu các ngành đều bị tác động điều chỉnh mạnh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, xét về cơ hội, một số ngành/doanh nghiệp được cho là được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công ở giai đoạn từ nay đến cuối năm như sắt thép, xi măng, doanh nghiệp xây dựng, bất động sản. Ông/bà đánh giá như thế nào về tiềm năng các nhóm ngành này?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Với các nhóm Sắt, Thép, Xi măng, Bất động sản, Xây lắp thì đa số các cổ phiếu thuộc những nhóm này giảm khá mạnh do việc tăng nóng thời gian trước đây, chính bởi những kỳ vòng về việc đẩy mạnh đầu tư công. Hay nói cách khác, sự kỳ vọng đó đã phản ánh vào giá trước đó chứ không hẳn ở thời điểm hiện tại.

Tôi đánh giá cao hơn các nhóm ngành như Dầu khí, Phân đạm, Hóa chất, Vận tải biển.. chính vì vậy mà các cổ phiếu thuộc các ngành này thời gian gần đây cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ hơn mặt bằng chung.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Về dài hạn, nhóm xây dựng – vật liệu xây dựng và bất động sản sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc đẩy mạnh đầu tư công vào lĩnh vực hạ tầng và nhu cầu ở thật vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn, tức là tình hình giai đoạn trong 1-3 tháng tới, tôi đánh giá triển vọng của nhóm này ở mức tiêu cực do nhóm này đang bị tác động bởi (1) giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, (2) dòng vốn tín dụng và trái phiếu bị hạn chế chảy vào kênh bất động sản.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chứng khoán VietinBank (CTS)

Tôi không đánh giá cao triển vọng nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu phục vụ các dự án đầu tư công như sắt thép, xi măng dù doanh thu sẽ tăng mạnh trong năm 2022.

Nguyên nhân do biên lợi nhuận dự kiến sụt giảm mạnh so với cùng kỳ khi giá than – nguyên liệu đầu vào quan trọng – đã ghi nhận mức tăng rất mạnh từ cuối năm 2021 và đang neo tại vùng đỉnh lịch sử. Trong khi đó, giá bán của các doanh nghiệp nhóm này chỉ tăng nhẹ, thậm chí giá thép còn đang trong xu hướng điều chỉnh.

Ngược lại, sự sụt giảm của giá nguyên vật liệu đầu vào và mức nền thấp của năm 2021 giúp các doanh nghiệp xây dựng có triển vọng sáng hơn trong nửa cuối năm 2022. Đối với các doanh nghiệp bất động sản sẽ diễn ra sự phân hóa mạnh, với cơ hội xuất hiện tại các doanh nghiệp có dự án đảm bảo thủ tục pháp lý, giá bán phù hợp với nhu cầu thị trường và nền tảng tài chính mạnh.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco

Nhóm cổ phiếu ngành xây dựng và hạ tầng có thể được hưởng lợi khi chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói đầu tư công cũng như cố gắng triển khai và hoàn thành các dự án đầu tư công trong giai đoạn 2022- 2023.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đã đạt gần 150 bằng khoảng 30% kế hoạch năm. Trong đó, tính riêng trong tháng 5 con số này khoảng 40 nghìn tỷ, tăng hơn 10% so với năm ngoái. Vì vậy, tôi cho rằng thời gian tới chính phủ sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực vào lĩnh vực này, giúp tạo động lực phát triển cho nền kinh tế với mục tiêu tăng trưởng 6-6.5% GDP cho năm nay.

Với biến động điều chỉnh giảm mạnh trong 2 tháng qua, rất nhiều nhà đầu tư thiệt hại lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư mới chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức. Ông/bà có lời khuyên gì với nhà đầu tư ở thời điểm này? Đâu là chiến lược phù hợp?

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Những nhà đầu tư mới tham gia thường có tâm lý luôn nghĩ đến những viễn cảnh tốt đẹp mà ít khi nghĩ đến những tình huống rủi ro. Trong khi thị trường luôn có những biến động tiêu cực song hành cùng tích cực, bởi vậy thị trường chứng khoán chưa bao giờ là kênh dễ dàng để tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng.

Chính vì thế, những nhà đầu tư mới cần trau dồi kiến thức, kỹ năng trước khi tham gia thị trường, tránh đầu cơ bầy đàn, chạy theo tin tức, “phím hàng”... cũng như cần xây dựng hệ thống quản trị rủi ro tốt để sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của thị trường một cách chủ động.

Ở thời điểm hiện nay, tôi vẫn đánh giá xu hướng ngắn hạn là tiêu cực, do đó chỉ phù hợp với những nhà đầu tư trung và dài hạn, còn những nhà đầu tư lướt sóng nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp để đảm bảo an toàn danh mục.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Trong thời điểm thị trường giảm, điều quan trọng nhất để tránh thiệt hại đến các khoản đầu tư dài hạn thì các nhà đầu tư nên hạn chế duy trì tỷ trọng margin cao. Đồng thời, các nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ các nhóm cổ phiếu tăng trưởng theo đà tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là nhóm Nước – Khí đốt, Phần mềm, Sản xuất điện, Bán lẻ, Hóa chất, Sản xuất thực phẩm và Hàng cá nhân.

Xu hướng ngắn và trung hạn của thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm cho nên tôi cho rằng các nhà đầu tư chỉ nên nắm giữ tỷ trọng thấp, nhưng định giá thị trường cũng đang hấp dẫn trở lại cho nên các nhà đầu tư cũng có thể giải ngân thăm dò với tỷ trọng thấp, tỷ trọng cổ phiếu phù hợp giai đoạn này là 25-30% danh mục.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chứng khoán VietinBank (CTS)

Trong một xu hướng Downtrend chúng tôi khuyên nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư mới chưa có nhiều kinh nghiệm một số vấn đề như sau:

Hạn chế bị ảnh hưởng bởi tâm lý FOMO, nghĩa là tránh việc bán tháo những cổ phiếu có tính chất cơ bản tốt theo xu hướng chung của thị trường;

Hạn chế giải ngân tiền vào những cố phiếu đang có xu hướng giảm, đoán đáy một số cổ phiếu trên thị trường;

Hạn chế việc sử dụng margin, ưu tiên vào việc quản trị rủi ro danh mục hiện tại, để tránh trường hợp xấu là thị trường tiếp tục giảm điểm trong thời gian tới.

Vậy chiến lược phù hợp tại thời điểm hiện tại là gì?

Ngắn hạn: Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi biến động của thị trường, có thể xem xét chốt lời từng phần một số cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Dài hạn: Nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ cấu danh mục, bán những cổ phiếu đầu cơ, và mua lại những cổ phiếu có tính chất cơ bản tốt, để tận dụng các nhịp hồi phục trong thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco

Trong bối cảnh hiện tại, theo tôi nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục theo hướng tăng tỷ trọng tiền mặt, giảm tỷ trọng cổ phiếu để luôn có vị thế chủ động trước các diễn biến bất thường của thị trường.

Ngoài ra, với sự phân hóa rõ nét của dòng tiền trong các phiên gần đây, tôi cho rằng chiến lược phù hợp giai đoạn này sẽ là đánh nhanh rút gọn hơn là mua và nắm giữ. Đặc biệt, nhà đầu tư không nên sử dụng các công cụ đòn bẩy tài chính trong giai đoạn này.

Tin bài liên quan