Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/12

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/12

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 21/12 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu BSR

CTCK Dầu khí (PSI)

Biên lợi nhuận Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) bắt đầu hồi phục trong quý III/2020 cùng chiều với biến động giá dầu. Lợi nhuận trước thuế quý III/2002 đạt gần 160 tỷ đồng trong khi quý 2 lỗ 1,910 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh thu quý III của BSR ghi nhận 9.098 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái là 23,012 tỷ đồng do BSR bảo dưỡng tổng thể trong tháng 8 và tháng 9, hầu như hoạt động kinh doanh bị dừng lại.

Lượng dầu thô nhập khẩu tăng gấp 3 lần năm ngoái do được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế nhập khẩu dầu xuống 0%. Chúng tôi dự kiến đến cuối năm tổng lượng dầu thô nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn, qua đó tiết kiêm chi phí giá vốn khoảng 170 tỷ đồng so với năm ngoái.

Chúng tôi cho rằng sản lượng sản xuất và tiêu thụ dầu trong quý IV sẽ phục hồi.PSI giữ nguyên giả định giá dầu Brent trung bình năm 2020 đạt 45 USD/thùng, sản lượng tiêu thụ của BSR trong năm 2020 ước tính đạt khoảng 5.8 triệu tấn, theo đó chúng tôi điều chính dự phóng doanh thu cho năm 2020 đạt 57,6 tỷ đồng (giảm 44% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế vẫn có lỗ lũy kế 3,6 tỷ đồng.

Trong năm 2021, với kịch bản giá dầu trung bình đạt 50 - 55 USD/thùng nhờ nhu cầu dầu thô hồi phục, chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ đạt 6.9 triệu tấn, doanh thu đạt 94.289 tỷ (tăng trưởng 12% so với năm 2019), lợi nhuận sau thuế đạt 2.675 tỷ đồng.

Chúng tôi nâng giá mục tiêu 12 tháng của BSR từ 8.200 trong báo cáo trước lên 10.800 tương ứng mức P/E forward 2021 xác định bằng P/E trung bình + 0.5 Std = 9.70 do (1) Triển vọng giá dầu hồi phục tích cực trong thời gian tới, (2) Hoàn thành bảo dưỡng tổng thể lần 4 đúng kế hoạch giúp doanh nghiệp vận hành ổn định

Cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu MBB tiệm cận vùng giá 29.0 - 30.0

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội đang nằm trong xu hướng tăng giá trung hạn mạnh mẽ. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD ủng hộ nhịp tăng giá trong khi chỉ báo RSI báo hiệu một nhịp tích lũy ngắn hạn từ 1-2 phiên. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, phản ánh xu hướng tăng giá trung hạn.

Như vậy, nhà đầu có thể mở vị thế cổ phiếu quanh ngưỡng giá 23.0 và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận vùng giá 29.0-30.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 21.5.

Giá mục tiêu của MCM là 61.500 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Hiệu quả hoạt động của CTCP Giống Bò sữa Mộc Châu (MCM) cải thiện rõ rệt sau khi Vinamilk (VNM) tham gia quản trị. Tận dụng hệ thống phân phối của VNM và nâng cao khả năng kiểm soát chi phí, MCM vẫn duy trì doanh thu và lợi nhuận tốt trong thời điểm dịch bệnh.

Cụ thể doanh thu thuần 9 tháng năm 2020 đạt 2.142 tỷ đồng (tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt gần 209 tỷ đồng (tăng trưởng 67%). Như vậy sau 9 tháng MCM đã hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu thuần và vượt 33% kế hoạch lợi nhuận năm.

MCM có khả năng nâng cao năng suất sữa của đàn bò trong giai đoạn 2021-2022. Năng suất sữa của đàn bò MCM hiện nay chỉ đang ở từ mức 22 lít/con/ngày, thấp hơn hai doanh nghiệp đầu ngành là VNM và TH Truemilk. Năng suất thấp, theo MCM, sự thiếu chọn lọc trong chăn nuôi là nguyên nhân chính dẫn tới năng lực cho sữa không đồng đều trong đàn bò.

Với điều kiện thời tiết ở Mộc Châu, bò chỉ sử dụng 50% lượng thức ăn cho hoạt động cơ thể, còn lại sử dụng để nuôi thai và cho sữa - con số này ở bò nuôi ở vùng nhiệt đới thường là 75% nên dư địa để nâng năng suất với đàn bò của MCM còn lớn.

Tiềm năng tăng trưởng lớn. Với sự đồng hành của VNM, MCM đã đưa ra kế hoạch đầu tư và tái cấu trúc 1.600 tỷ nhằm mở rộng và nâng cấp hệ thống trang trại và nhà máy, tận dụng hiệu quả lợi thế chuỗi cung ứng khép kín.

Tới năm 2024, số lượng bò của MCM dự kiến lên tới 40.000-50.000 con bò, gấp đôi với số lượng hiện tại. BVSC cho rằng dư địa tăng trưởng của MCM còn rất lớn và dự báo công ty sẽ đạt mức CAGR 11% về lợi nhuận trong 5 năm tới.

BVSC định giá MCM với mức giá mục tiêu là 61.500 đồng/CP (đã điều chỉnh theo kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược, cổ đông hiện hữu, và ESOP, định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền). Mức giá 61.500 đồng/CP cao hơn 105% so với giá niêm yết dự kiến niêm yết ngày 18/12. Tại mức giá mục tiêu trên, mức P/E dự phóng 2021 là 20,17x, tương đương với EPS 2021 là 3.050.

Tin bài liên quan