Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/5

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/5

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 5/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT của CTCP FPT với các luận điểm sau: (1) Tiềm năng mảng Công nghệ Thông tin còn nhiều dư địa ; (2) Trúng thầu nhiều hợp đồng công nghệ thông tin mới tại thị trường nước ngoài (3) Mảng giáo dục tiếp tục tăng trưởng, mở rộng nhiều trường học trên cả nước.

Rủi ro trích lập dự phòng nợ xấu của PVD sẽ rất thấp trong 3 quý còn lại

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 với doanh thu đạt 52,4 triệu USD (tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo là 2,8 triệu USD so với khoản lỗ ròng 2,5 triệu USD trong quý I/2022.

Doanh thu tăng nhẹ là do giá thuê ngày giàn jack-up (JU) bình quân tăng 24% và đội giàn khoan hoạt động với 100% công suất, theo ước tính của chúng tôi. Những yếu tố này bị ảnh hưởng một phần bởi doanh thu từ mảng dịch vụ kỹ thuật giếng khoan giảm 32% và không có giàn khoan thuê trong quý I/2023 so với có một giàn khoan thuê trong quý I/2022.

Giá thuê ngày giàn JU trung bình cao hơn 24% và thu nhập tài chính cao hơn 72% (chủ yếu nhờ lãi tỷ giá) bù đắp cho chi phí tài chính cao hơn 71% (chủ yếu do lãi suất LIBOR cao hơn), dẫn đến lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo cao trong quý I/2023.

Chúng tôi lưu ý rằng PVD đã trích lập 0,6 triệu USD dự phòng nợ xấu cho KrisEnergy (trong khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp) trong quý 1/2023, tương ứng PVD đã trích lập toàn bộ số tiền dự phòng nợ xấu cho KrisEnergy. Do đó, rủi ro đối với việc trích lập dự phòng nợ xấu trong thời gian còn lại của năm là rất thấp.

Khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu BSI

CTCK DSC (DSC)

BSC (BSI) là công ty thành viên của Ngân hàng BIDV. Thương vụ đầu tư 2.700 tỷ đồng vốn từ Hana Securities vào BSI là một trong những thương vụ M&A lớn nhất trên thị trường vốn. Sau khi được rót vốn, hoạt động kinh doanh của BSC đã có những bước chuyển mình tích cực.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I/2023 đạt lần lượt 287 tỷ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái) và 97 tỷ đồng (tăng trưởng 16%). BSI là công ty chứng khoán duy nhất đạt mức lợi nhuận tăng trưởng dương. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự chuyển biến tích cực sau khi được cổ đông chiến lược Keb Hana rót vốn. Doanh thu tự doanh và cho vay tăng cộng hưởng chi phí lãi vay giảm mạnh đã đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng lợi nhuận.

P/B của BSI (tại giá đóng cửa 25/04/2023) đạt 1,17 lần, thấp hơn so với mức P/B trung bình 5 năm (1,21 lần) và bằng trung bình ngành.

DSC ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận của BSI 2023 sẽ đạt mức tăng trưởng lần lượt 27% và 187%, đạt lần lượt 1.383 tỷ và 322 tỷ.

Dự phóng chưa bao gồm giả định BSI phát hành thành công 15 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ. BVPS 2023 dự kiến đạt 25.000 đồng/CP, tương đương P/B fw là 1,14 lần. Giá mục tiêu của BSI 2023 là 33.600 đồng/CP, upside 17% so với giá đóng cửa ngày 27/04/2023 là 28.700 đồng/CP. Đồng thời, khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu BSI.

Khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu BMP

CTCK DSC (DSC)

CTCP Nhựa Bình Minh (BMP – sàn HOSE) là doanh nghiệp nhựa hàng đầu tại Việt Nam, công ty vận hành 04 nhà máy sản xuất với tổng công suất 150.000 tấn sản phẩm/ năm. Vị thế là một trong những doanh nghiệp nhựa hàng đầu Việt Nam, Nhựa Bình Minh đang duy trì năng lực cạnh tranh cao đối với các doanh nghiệp cùng ngành thông qua hệ thống đại lý mạnh mẽ và chất lượng sản phẩm cao.

Nhựa Bình Minh báo lãi sau thuế 281 tỷ đồng tại quý I/ 2023, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty, phá kỷ lục cũ vừa được ghi nhận vào quý IV/2022.

Kết quả kinh doanh ấn tượng của Nhựa Bình Minh trong quý I/2023 đến từ việc công ty đã linh hoạt tăng tỷ lệ chiết khấu nhằm chia sẻ lợi ích chi phí thấp và hỗ trợ khách hàng, từ đó thúc đẩy gia tăng doanh số bất chấp nhu cầu vật liệu xây dựng sụt giảm toàn ngành nhựa hiện nay.

BMP đang được giao dịch ở mức PE 7,5x (tại mức giá đóng cửa ngày 28/04/2023) thấp hơn đáng kể trung bình 3 năm (11,63) và trung bình ngành (10,52).

DSC ước tính doanh thu và lợi nhuận 2023 của BMP đạt lần lượt là 6.226 tỷ đồng (tăng 7,2% so với năm trước) và 741,2 tỷ đồng (tăng trưởng 6,8%), EPS 2023 là 9.055 đồng/CP, tương đương P/E forward là 8,6x lần. Giá mục tiêu của BMP 2023 là 83.300 đồng/CP, upside 5,9% so với giá đóng cửa ngày 28/04/2023 là 78.600 đồng/CP.

Thống kê báo cáo phân tích của các CTCK về mức giá mục tiêu 12 tháng tới của cổ phiếu BMP từ đầu năm 2022 tới nay, giá mục tiêu bình quân là 81.700 đồng/CP, upside 3,9% so với giá đóng cửa ngày 28/04/2023. Do đó, chúng tôi khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu BMP.

Tin bài liên quan