Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/1

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/1

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 6/1 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu GEG, giá mục tiêu 23.000 đồng/CP

CTCK Phú Hưng (PHS)

Trong 9 tháng kết thúc ngày 30/09/2022, doanh thu thuần của CTCP Điện Gia Lai (mã GEG) đạt 1.597 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ năm trước), hoàn thành gần 74% dự báo của chúng tôi cho năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 349 tỷ đồng (tăng trưởng 65%). Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ vào việc vận hành 3 nhà máy điện gió mới kể từ cuối năm 2021 và thoái vốn khỏi NRE mang lại khoản thu nhập tài chính 165 tỷ đồng.

Chúng tôi kỳ vọng doanh thu thuần năm 2023 có thể đạt 2.686 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 426 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng lần lượt là 27,1% và giảm 8,65% so với kế hoạch năm 2022. Kể từ quý I/2022, biên lợi nhuận gộp đã giảm sút do chi phí khấu hao tăng lên sau khi hoàn thành các nhà máy điện mới vào cuối năm 2021.

Ngoài ra, biên lợi nhuận ròng cũng bị hao mòn do chi phí lãi vay tăng đột biến (tăng 72%), là kết quả của việc tăng đáng kể các khoản vay (tăng 20%) để tài trợ cho các dự án điện đang triển khai.

Chúng tôi cho rằng tác động sẽ kéo dài đến năm 2023F, khi đó biên lợi nhuận gộp và biên suất lợi nhuận ròng sẽ giảm xuống lần lượt là 53% và 16% trong năm này.

Điểm nhấn đầu tư: (1) Sản lượng và doanh thu sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023, nhờ nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 sắp đi vào hoạt động, dự kiến sẽ có giá bán thấp hơn khoảng 15% so với FIT trước đây và mang lại doanh thu tăng thêm 520 tỷ đồng trong năm 2023.

(2) Công ty đang đẩy nhanh phát triển dự án điện gió mới VPL2 có tổng công suất 30MW vào năm 2023, cùng với Tân Phú Đông 1, cả hai sẽ tăng gấp đôi công suất điện gió lắp đặt hiện tại sau khi hoàn thành và sẽ đóng góp hơn 670 tỷ đồng vào tổng Doanh thu thuần vào năm 2024 theo dự phóng của chúng tôi.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 23.000 đồng/CP. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 48%. Định giá của chúng tôi đã bao gồm 2 nhà máy điện gió sắp tới với tổng công suất 130 MW nhưng chưa tính đến dự án điện mặt trời Đức Huệ 2 với công suất 49 MWp do sự không chắc chắn liên quan đến chính sách khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời, do giá đề xuất của EVN cho các dự án điện mặt trời chuyển tiếp thấp hơn nhiều so với giá FIT trước đây (1.188 đồng/kWh đối với ĐMT mặt đất và 1.570 đồng/kWh đối với ĐMT nổi).

Rủi ro: (1) Rủi ro về khả năng thanh toán phát sinh do đòn bẩy tài chính lớn; (2) Sự thay đổi bất lợi trong chính sách điều hành của chính phủ; (3) Rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVD

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) và điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 35% lên 20.800 đồng/cổ phiếu do chúng tôi nâng dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2027 thêm 21%. P/B dự phóng năm 2023 của PVD tương ứng với giá mục tiêu của chúng tôi là 0,8 lần.

Dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2027 của chúng tôi cao hơn là do chúng tôi giả định giá thuê ngày trung bình tăng khoảng 5%.

Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của PVD sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023 với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi dự phóng tăng 4 lần từ mức cơ sở thấp trong năm 2022 do 1) giá thuê ngày trung bình của giàn tự nâng (JU) tăng 20% và 2) đội giàn khoan vận hành với công suất đạt 93% so với 86% trong năm 2022.

Khuyến nghị mua cổ phiếu STB, giá mục tiêu 29.500 đồng/CP

CTCK SSI (SSI)

Chúng tôi nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín lên mua, với giá mục tiêu 1 năm mới là 29.500 đồng/cổ phiếu (tương ứng với tiềm năng tăng giá là 25%).

Điều này nhằm phản ánh sự cải thiện về chất lượng tài sản nhờ việc trích lập dự phòng đầy đủ đối với các khoản nợ xấu (đưa NIM tăng gấp đôi trong quý III/2022 lên 4,43%), cũng như việc giải quyết nợ xấu và tài sản có vấn đề một cách tích cực.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể 37 điểm cơ bản xuống 0,9% trong quý 3 năm 2022, đây là mức thấp nhất trong những năm gần đây.

Chưa kể, một trong những điểm khác biệt chính giữa STB và các ngân hàng thương mại khác là STB không có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp kể tại thời điểm quý III/2022 và dư nợ cho vay chủ đầu tư bất động sản ở mức khá thấp (chỉ 2,1% tổng dư nợ cho vay).

Tin bài liên quan