Nhiều cổ phiếu có triển vọng tăng giá khi doanh nghiệp dự kiến hoạt động khả quan hơn trong năm 2023

Nhiều cổ phiếu có triển vọng tăng giá khi doanh nghiệp dự kiến hoạt động khả quan hơn trong năm 2023

Đón đầu cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp tiếp tục củng cố nội lực, nỗ lực vượt qua khó khăn để triển khai các kế hoạch đầu tư, đón đầu cơ hội trong thời gian tới. 

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII)

Năm 2023 sẽ đánh dấu giai đoạn CII hoàn thành đầu tư các dự án BOT trọng điểm như dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1A, dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án mở rộng Quốc lộ 60... Các dự án sẽ bước vào giai đoạn vận hành, thu hồi vốn đầu tư. Ước tính, nguồn thu phí từ các dự án BOT giao thông và cấp nước sạch là 2.350 tỷ đồng/năm và tăng trưởng đều đặn hàng năm khi nhu cầu giao thông đi lại và sử dụng nước sạch ngày càng tăng.

Nhiều nhà đầu tư coi CII là cổ phiếu bất động sản, nhưng bất động sản là lĩnh vực đầu tư cơ hội, “đánh nhanh, rút nhanh” của CII. Hiện tại, Công ty đã hoàn thành các dự án bất động sản thu tiền bàn giao sản phẩm và không có dự án đầu tư dang dở, không có hàng tồn kho.

Với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng hiện tại, chủ yếu là đầu tư theo hình thức BOT, CII có nguồn thu ổn định để thanh toán các khoản nợ vay dài hạn, thanh toán trái phiếu dài hạn và chi trả cổ tức đều đặn cho cổ đông, vì vốn đầu tư được đảm bảo thu hồi thông qua thu phí hàng năm với lợi nhuận định mức cùng lãi suất vay vốn cho dự án được thả nổi theo giá thị trường.

Trong giai đoạn lãi suất cao hiện nay, Công ty không có áp lực huy động giải ngân cho dự án mới, nhưng chúng tôi đang nghiên cứu một số dự án mới để triển khai ngay khi chu kỳ lãi suất cao kết thúc.

Ông Lê Xuân Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH)

Khi TNH mới thành lập, một ngày đón 200 bệnh nhân là nhiều, giờ đây mỗi ngày chúng tôi đón cả nghìn người tới khám chữa bệnh. Ước tính, năm 2022 có trên 400.000 lượt bệnh nhân tới khám chữa bệnh, trên 40.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú tại hai bệnh viện của TNH tại Thái Nguyên. Các hoạt động khác đều đạt chỉ tiêu đầu tư.

Hội đồng quản trị TNH xác định, đã thành lập bệnh viện thì phải tính dài hơi. Chúng tôi có chiến lược phát triển riêng, đặc biệt là về nguồn nhân lực. Nhiều bệnh viện tư nhân chủ yếu sử dụng đội ngũ bác sĩ làm việc bán thời gian, họ không phải là người của bệnh viện nên thiếu gắn bó. Ít bệnh viện dám nhận người về đào tạo như TNH. Chúng tôi đào tạo các bác sĩ nội trú trong 3 năm, mỗi tháng được nhận 9 triệu đồng, học phí được Công ty đài thọ. Bác sĩ mới ra trường được cử đến các bệnh viện lớn để đào tạo, thậm chí ra nước ngoài.

Ngoài ra, khi đưa cổ phiếu lên niêm yết, chúng tôi có chính sách phát hành cổ phiếu cho người lao động để họ gắn bó, có trách nhiệm với Công ty, với bệnh viện.

Bệnh viện tư nhân phải chịu áp lực cân bằng giữa lợi nhuận và y đức. Với chúng tôi, y đức luôn được đặt lên hàng đầu. Hàng năm, chúng tôi miễn phí trên 10 tỷ đồng tiền khám chữa bệnh cho bệnh nhân không có khả năng chi trả.

Việc đưa cổ phiếu lên niêm yết giúp TNH thuận lợi trong việc huy động nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, hiện cổ đông ngoại nắm 44% vốn của Công ty.

TNH mới đây khởi công xây dựng Bệnh viện Phụ sản - Mắt - Tai mũi họng tại Bắc Giang, quy mô 300 giường bệnh. Chúng tôi chuẩn bị khởi công xây dựng một bệnh viện tương đương tại Lạng Sơn. Hiện nhiều địa phương như Đà Nẵng, Phú Quốc mời TNH về đầu tư xây dựng bệnh viện để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Năm 2023, kinh tế trong nước dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng ngành y ít bị ảnh hưởng, vì người dân ngày càng quan tâm tới chăm sóc sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG

Năm 2022, chúng tôi đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, nếu một thị trường biến động thì vẫn có thị trường khác để làm, đảm bảo cho 16.000 công nhân có việc làm. Lãnh đạo Công ty nỗ lực tìm khách hàng chiến lược, khách hàng lớn để ổn định đơn hàng, đảm bảo lương, thưởng cho người lao động.

Trong năm qua, TNG đầu tư rất nhiều vào tự động hóa, quản trị, phần mềm. Hệ quản trị điều hành của Công ty được thiết lập để kịp thời xử lý ngay các vấn đề thường ngày, các vấn đề phát sinh.

Về kết quả kinh doanh, tính đến hết tháng 11/2022, TNG đạt 6.444 tỷ đồng doanh thu, ước cả năm hoàn thành 125% kế hoạch. Hiệu quả sản xuất - kinh doanh đến từ việc Công ty bổ sung máy móc, thiết bị tự động, kiểm soát sản xuất theo mốc giờ đến từng người lao động, giúp năng suất lao động nâng cao.

Bên cạnh đó, số lượng đơn hàng lớn cùng với nhu cầu mua hàng, cũng như tình trạng khan hiếm container được cải thiện, hàng hóa xuất khẩu không còn bị ách tắc ở cảng. Ngoài ra, việc ứng dụng triệt để phần mềm trong công tác điều hành sản xuất, cũng như máy móc, thiết bị, các điều kiện trước khi sản xuất tốt giúp cải thiện năng suất lao động.

Sau mỗi ca làm việc, từng công nhân nhập số sản phẩm hoàn thành vào hệ thống phần mềm quản trị của Công ty. Khi số liệu báo khớp với số sản phẩm đã nộp, một ô thành tiền hiện ngay bên cạnh, công nhân biết được ngay thành quả lao động ngày hôm đó. Hiện lương bình quân của công nhân TNG đạt gần 9,5 triệu đồng/tháng, những công nhân có năng suất cao vượt trội có thể đạt trên 20 triệu đồng/tháng. Điều này góp phần thúc đẩy tăng năng suất và quản trị chặt chẽ ở TNG, yếu tố mà Ban lãnh đạo doanh nghiệp liên tục theo đuổi những năm gần đây.

Cho đến nay, sản phẩm của TNG đã có mặt ở hơn 48 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện chúng tôi đã có đủ đơn hàng cho hết quý I/2023 và đang đàm phán các đơn hàng cho quý II/2023.

Với năng lực của TNG cũng như đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững của các đối tác nước ngoài như Mỹ, châu Âu, khách hàng tiếp tục tin tưởng lựa chọn Công ty cho đơn hàng mới. Thông điệp “Chuyển đổi đón tương lai” nhắc nhở người TNG sẵn sàng tâm thế thay đổi, vượt qua chính mình để tiến lên phía trước.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần FPT

Trong giai đoạn đầu ra nước ngoài, FPT chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách hàng, khách hàng đưa gì làm nấy. Nhưng trong 5 năm trở lại đây, chúng tôi đã chuyển dịch sang làm tư vấn, thiết kế, phát triển các dự án chuyển đổi số tầm cỡ, phát triển các giải pháp Make in Việt Nam, Made by FPT may đo riêng phù hợp với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới khắp 5 châu và có thể triển khai 24/7 tại 7 quốc gia. FPT đã vượt qua nhiều đối thủ tên tuổi ở Trung Quốc, Ấn Độ.

Ví dụ, ở châu Âu, chúng tôi đã và đang cùng một hãng sản xuất truyền thống trong ngành công nghiệp ô tô tại Đức với 77 nhà máy trên toàn cầu nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp nhà máy thông minh, giúp tối ưu toàn bộ quy trình sản xuất, logistics, cũng như vận hành, từ đó giảm khí thải, phát thải, tiết kiệm năng lượng. Nhà máy đầu tiên triển khai các giải pháp này chính là nhà máy tại Việt Nam.

Một ví dụ khác, chúng tôi cùng các công ty năng lượng của châu Âu triển khai giải pháp công nghệ quản lý điện gió tối ưu hóa hoạt động, bảo trì cho các trang trại năng lượng gió.

Trong lĩnh vực xe ô tô điện, một trong những việc quan trọng là đặt các trạm sạc trên đường. FPT đang hỗ trợ phát triển các phần mềm quản lý hệ thống trạm sạc, các phần mềm nhúng chạy trên trạm sạc, giải quyết vấn đề tối ưu quản lý, tiêu thụ năng lượng điện.

Việc tích luỹ kinh nghiệm, năng lực công nghệ sau 20 năm làm việc tại nước ngoài giúp chúng tôi trưởng thành về nguồn lực, đảm nhận những dự án quan trọng nhất của quốc gia và có độ phức tạp cao, như dự án xử lý lỗi và nâng cấp hệ thống Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM, hệ thống quản lý thuế TMS, hệ thống vé tàu điện tử, hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện FPT.eHospital (hệ thống này đã phục vụ hơn 400 bệnh viện trong nước và 10 bệnh viện tại nước ngoài)…

Ngành công nghệ thông tin Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành đóng góp vào sự phát triển của đất nước, nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều này, chúng tôi có 5 đề xuất: một là, Chính phủ tạo ra những bài toán lớn cho doanh nghiệp; hai là, phát triển hệ sinh thái số Make in Vietnam cho từng ngành, lĩnh vực; ba là, tăng cường ngoại giao trong lĩnh vực công nghệ; bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; năm là, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin.

Tin bài liên quan