Niềm vui trở lại với nhà đầu tư cầm cổ phiếu chứng khoán

Niềm vui trở lại với nhà đầu tư cầm cổ phiếu chứng khoán

Cổ phiếu chứng khoán kỳ vọng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu chứng khoán đang chịu sức ép bán rất mạnh trên sàn do hệ quả từ cú lao dốc của nhóm cổ phiếu bất động sản. Tuy nhiên, với nhà đầu tư trung dài hạn đây là cơ hội gom hàng vì nhóm đặc thù này dù thị trường lên hay xuống miễn thanh khoản cao, đều được hưởng lợi. 

Bị “cổ đất” lấn át

Sau thông tin Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm (TP.HCM) - phiên đấu giá gây chú ý với mức giá trúng không tưởng 2,4 tỷ đồng/m2, nhóm cổ phiếu bất động sản đồng loạt lao dốc. Nhiều cổ phiếu nằm sàn như L18, DIG, SCR, SAM, NHA, CKG, CRE, QCG…

Đặc biệt, trong phiên 12/1/2022, nhiều cổ phiếu ngành này dư bán sàn với khối lượng lớn. Chẳng hạn, CII dư bán sàn 19,8 triệu cổ phiếu, NBB dư bán sàn 1,75 triệu cổ phiếu, KHG dư bán sàn 0,38 triệu cổ phiếu, LDG dư bán sàn 6,85 triệu cổ phiếu, CEO dư bán sàn hơn 1 triệu cổ phiếu…

Trước đó, kể từ phiên đấu giá lô đất mà Tân Hoàng Minh trúng đấu giá (10/12/2021) cho tới ngày 11/1/2022, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm ngành bất động sản đều tăng mạnh nhờ kỳ vọng quỹ đất được tái định giá theo mặt bằng mới. Thống kê với Top 5 cổ phiếu bất động sản có thanh khoản tốt nhất trong giai đoạn này cho thấy, mức tăng bình quân đạt 75,6%.

Kỳ vọng tái định giá quỹ đất lấn át cả yếu tố nội tại của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh doanh thâm hụt vốn kéo dài dẫn tới dòng tiền kinh doanh âm liên tục như Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG), Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB), Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã CII)… nhưng cổ phiếu vẫn tăng nóng.

Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu địa ốc, “phớt lờ” nhiều nhóm cổ phiếu khác, trong đó có nhóm tiềm năng như chứng khoán khiến các nhóm này lình xình đi ngang hoặc giảm. Cụ thể, từ ngày 10/12/2021 đến 11/1/2022, 7 mã cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất trong ngành chứng khoán đã giảm trung bình 6,1%.

Thực tế, thị trường chứng khoán vừa trải qua giai đoạn hưng phấn và khối công ty chứng khoán là nhóm trực tiếp hưởng lợi từ diễn biến này. Thống kê trên sàn HOSE cho thấy, trong quý IV/2021, khối lượng khớp lệnh liên tục tăng 92,9%, tổng giá trị khớp lệnh bao gồm giao dịch thoả thuận tăng 84,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu xét về giá trị giao dịch, giá trị khớp lệnh liên tục tăng 191,8% so với cùng kỳ và tổng giá trị khớp lệnh bao gồm giao dịch thoả thuận tăng 175,2% so với cùng kỳ. Luỹ kế cả năm 2021, tổng giá trị giao dịch trên HOSE tăng 239,6% so với năm 2020.

Ghi nhận từ một số nhà đầu tư, trong quý IV/2021, hiện tượng hết “room” cho vay ký quỹ (margin) tại các cổ phiếu tăng nóng liên tục diễn ra ở nhiều công ty chứng khoán do hạn mức margin của các công ty chứng khoán có giới hạn, trong khi nhiều nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính để gia tăng lợi nhuận.

Nhân viên môi giới tại một công ty chứng khoán nằm trong Top 5 thị phần trên HOSE tiết lộ: “Ở thời điểm hiện tại, ngoài việc tư vấn mã cổ phiếu cho nhà đầu tư, còn phải ngồi canh hạn mức margin của các mã cổ phiếu hút dòng tiền. Trong đó, chỉ cần cổ phiếu tăng mạnh trong 1 tới 2 tuần là ngay lập tức xuất hiện hiện tượng hết hạn mức. Việc mua bán gặp nhiều khó khăn không giống như mấy năm trước, margin các cổ phiếu thoải mái cho nhà đầu tư giao dịch”.

Chính vì hiện tượng căng margin diễn ra liên tục, các công ty chứng khoán lớn đã đồng loạt lên kế hoạch tăng vốn lần hai như SSI, VNDirect, VIX… để đáp ứng nhu cầu margin ngày một gia tăng của giới đầu tư.

Nhìn chung, với tình hình thị trường tiếp tục duy trì thanh khoản cao trong quý IV/2021, cũng như nhiều cổ phiếu tiếp tục duy trì mặt bằng giá cao là cơ sở cho các công ty chứng khoán tiếp tục báo cáo lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý IV/2021.

Kỳ vọng vào một cuộc hoán đổi vị thế

Mặc dù hoạt động kinh doanh tích cực nhưng nhóm cổ phiếu chứng khoán có xu hướng đi xuống từ cuối tháng 11/2021 tới nay, và đặc biệt đà giảm giá đang diễn ra lại tạo ra mặt bằng giá hấp dẫn hơn cho nhóm này.

Cụ thể, thống kê chỉ số P/E 4 quý gần nhất của 14 mã chứng khoán đang niêm yết có thanh khoản lớn nhất cho thấy, với mức định giá trung bình là 14,18 lần, thấp hơn P/E của chỉ số VN-Index là 17,6 lần. Trong các chu kỳ tăng giá của nhóm chứng khoán trong quá khứ, thời điểm nhóm chứng khoán đạt đỉnh, P/E thường dao động từ 20 - 22 lần.

Nhà đầu tư đang kỳ vọng nhóm này tiếp tục đà tăng, dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất, báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 sẽ công bố vào cuối tháng 1/2022 với lợi nhuận tích cực. Điều này sẽ giúp EPS của 4 quý liên tiếp tăng cao và đẩy hệ số P/E giảm xuống, giúp nhóm này hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư. Thứ hai, trước áp lực căng margin, các công ty chứng khoán như SSI, VND, VIX… đang lên kế hoạch tăng vốn tiếp sau khi đều thực hiện chào bán cổ phiếu trong năm 2021. “Game” tăng vốn sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho nhóm chứng khoán thiết lập mặt bằng giá mới.

Hai yếu tố hỗ trợ nêu trên, cùng việc nhóm cổ phiếu bất động sản bị bán tháo mạnh, kỳ vọng dòng tiền sẽ sớm dịch chuyển để đi tìm cơ hội ở nhóm có điểm rơi lợi nhuận và định giá còn hấp dẫn như chứng khoán.

Tin bài liên quan