Cổ phiếu dầu khí có tương quan âm với thị trường chứng khoán lần đầu tiên kể từ năm 2001

Cổ phiếu dầu khí có tương quan âm với thị trường chứng khoán lần đầu tiên kể từ năm 2001

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu dầu khí đang thách thức thị trường chứng khoán theo cách mà các nhà đầu tư chưa từng thấy trong hai thập kỷ.

Chỉ số S&P năng lượng và chỉ số S&P 500 lần đầu tiên tương quan âm kể từ năm 2001, được thúc đẩy bởi sự kết hợp của giá dầu tăng và tình trạng bán tháo của các cổ phiếu công nghệ.

Chỉ số S&P năng lượng đã tăng 39% trong năm nay, trong khi chỉ số S&P 500 đã giảm 6% và chỉ số S&P công nghệ thông tin giảm 10%. Các nhà phân tích cho rằng, sự phân kỳ này đã có lịch sử trước các cuộc suy thoái.

Tương quan giữa chỉ số Năng lượng S&P 500 và chỉ số S&P 500

Tương quan giữa chỉ số Năng lượng S&P 500 và chỉ số S&P 500

Nhà sáng lập Commodity Context, Rory Johnston cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Với giá dầu tăng cao như hiện tại, điều đó sẽ tích cực cho các cổ phiếu năng lượng và tiêu cực cho phần còn lại của nền kinh tế nói chung”. Ông cho biết, lần cuối cùng mối tương quan giữa cổ phiếu dầu khí và thị trường rộng lớn khác nhau đến mức này là thời điểm bong bóng Dotcom vỡ.

Tương quan giữa nhóm cổ phiếu năng lượng và thị trường rộng lớn hơn đã giảm kể từ đầu năm, nhưng ông Johnston cho biết, “hiện tượng này đã trở nên quá đà” kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang vào cuối tháng 2 và khiến giá dầu lên trên 100 USD/thùng trong khi đưa ra rủi ro địa chính trị mới vào thị trường chứng khoán.

Hiện tượng này cũng gây rủi ro, đặc biệt nếu giá năng lượng cao hơn thúc đẩy lạm phát và sau đó là suy thoái.

Nhà phân tích James Hodgins của Stifel Nicolaus cho biết: “Mối tương quan đó sẽ bình thường trở lại, rất có thể là theo chiều hướng xấu. Để giá năng lượng giảm đáng kể, chúng ta có thể nói về một tình huống suy thoái, trong đó chỉ số S&P 500 cũng có thể sẽ giảm đáng kể và do đó mối tương quan giữa năng lượng và thị trường chứng khoán sẽ đi vào vùng dương trở lại”.

Giá dầu Brent đã tăng trên 123 USD/thùng sau khi tăng hơn 5% vào thứ Tư (23/3) khi kho dự trữ của Mỹ giảm và một đường ống xuất khẩu dầu lớn ở Biển Đen đã tạm dừng hoạt động vận tải do thời tiết xấu.

Nhà Trắng và Liên minh châu Âu đang gần đạt được một thỏa thuận nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của khu vực vào năng lượng của Nga, mặc dù động lực đó có thể tập trung chủ yếu vào các dòng khí đốt tự nhiên.

Dầu đã tăng hơn 50% trong năm nay và chạm mức cao nhất kể từ năm 2008 vào đầu tháng này khi xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến thị trường hàng hóa toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Trong khi Mỹ và Anh đã chuyển sang hạn chế dòng chảy dầu thô của Nga, các thành viên EU vẫn còn ngần ngại hơn trong việc tuân theo do sự phụ thuộc ngày càng cao của khu vực vào dầu Nga.

Tập đoàn Trafigura dự báo trong tuần này rằng giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng, có khả năng chạm mức 150 USD/thùng.

Trong khi đó, ở châu Á, đợt bùng phát virus tồi tệ nhất của Trung Quốc kể từ khi bắt đầu đại dịch đã thúc đẩy một số nhà máy lọc dầu cắt giảm hoạt động, với các nhà phân tích xem xét lại ước tính nhu cầu khi việc phong tỏa chặt chẽ sẽ hạn chế tiêu thụ.

Will Sungchil Yun, nhà phân tích hàng hóa cấp cao của VI Investment Corp. cho biết: “Có những lo lắng xung quanh cả cung và cầu, điều này có thể khiến giá cả khá biến động. Nhưng nếu các lệnh trừng phạt mới được áp dụng đối với Nga, chúng tôi đang xem xét một bước tiến khác”.

Tin bài liên quan