Một số cổ phiếu dầu khí đáng quan tâm là PVD, PVS, PVC.

Một số cổ phiếu dầu khí đáng quan tâm là PVD, PVS, PVC.

Cổ phiếu dầu khí kỳ vọng vào siêu dự án

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu dự kiến ổn định và dự án Lô B - Ô Môn được thúc đẩy đã mang lại kỳ vọng tích cực đối với cổ phiếu ngành dầu khí.

Giá dầu năm 2023 sẽ không “giật cục”

Giá dầu thế giới trong năm 2022 có biến động lớn, sau khi chạm ngưỡng 130 USD/thùng giai đoạn nửa đầu năm đã rơi xuống dưới 80 USD/thùng vào nửa cuối năm. Giá dầu biến động mạnh đã tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp dầu khí.

Sang năm 2023, diễn biến giá dầu đang chịu dư âm của những câu chuyện cũ như cuộc chiến Nga - Ukraine và gần đây là triển vọng phục hồi kinh tế hậu Covid-19 (Trung Quốc tái mở cửa).

Diễn biến giá dầu Brent thế giới từ đầu năm 2021 đến nay. Nguồn: www.ifcmarkets.com. Đơn vị: USD/thùng.

Diễn biến giá dầu Brent thế giới từ đầu năm 2021 đến nay. Nguồn: www.ifcmarkets.com. Đơn vị: USD/thùng.

Nhiều tổ chức đưa ra dự báo, giá dầu năm 2023 sẽ dao động phổ biến trong vùng 80 - 90 USD/thùng, khó có những biến động trồi sụt mạnh như năm 2022.

Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian vừa qua chủ yếu được hỗ trợ bởi yếu tố giá dầu dự báo sẽ neo ở mức cao trong năm 2023.

Hiện tại, giá dầu được nhận định đã bước vào xu hướng giảm trong ngắn và trung hạn, có thể ảnh hưởng tiêu cực lên nhóm doanh nghiệp sản xuất dầu khí. Tuy nhiên, nhu cầu dầu khí gia tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực ở châu Âu và sự mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể dẫn tới nhu cầu khai thác dầu tăng lên, đặc biệt là việc triển khai các dự án mới sẽ hỗ trợ tích cực cho nhóm dịch vụ dầu khí trong năm 2023. Do đó, bà Hiền có đánh giá lạc quan đối với nhóm dịch vụ dầu khí, nhất là nhóm thăm dò và khai thác.

Với nhóm thượng nguồn ngành dầu khí như Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật Dầu khí (PVS), hoặc các doanh nghiệp có giá dịch vụ dàn khoan ký mới hay hoặc gia hạn, cùng hiệu suất được cải thiện và có tiềm năng từ các dự án mới trong thời gian tới sẽ có nguồn công việc lớn.

Thực tế, nhóm thượng nguồn dầu khí ghi nhận chuyển động tích cực từ quý IV/2022, thể hiện ở kết quả kinh doanh.

Năm 2022, PVS đạt doanh thu 16.413 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 834 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 11% so với năm 2021. Tính riêng quý IV, PVS đạt 325,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 85,8% so với cùng kỳ. Theo PVS, kết quả này là nhờ mảng dịch vụ tàu, dịch vụ dầu khí, dịch vụ cơ khí và đóng mới, cộng với lợi nhuận từ công ty thành viên.

Tương tự, sau 3 quý đầu năm 2022 thua lỗ, PVD đã có lãi trở lại trong quý IV nhờ giá cho thuê và hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng sở hữu tăng so với cùng kỳ, bên cạnh đó là sự đóng góp doanh thu của giàn khoan PV DRILLING 6 đang thực hiện chiến dịch khoan tại Brunei.

Lãnh đạo PVD tự tin, tình hình hoạt động của Công ty sẽ tích cực hơn trong năm 2023, dự kiến giá cho thuê giàn khoan bình quân tăng 23% và tỷ suất hoạt động của các giàn khoan cải thiện so với năm 2022. Hơn nữa, trong quý I/2023, PVD đã chốt và thực hiện các hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan các giàn PV Drilling I, II, VI cho năm 2023.

Với Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS), hoạt động của doanh nghiệp này không phụ thuộc nhiều vào giá dầu do được áp dụng cơ chế giá riêng, đó là giá bán không thấp hơn giá miệng giếng, hiểu một cách đơn giản là doanh nghiệp được “bao lỗ”. Tuy nhiên, giá dầu năm 2022 ở mức cao hơn nhiều so với dự kiến đã góp phần giúp GAS đạt kết quả kinh doanh khả quan: doanh thu hơn 100.723 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 15.062 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và tăng 70% so với năm 2021.

Đối với Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT), giá dầu không ảnh hưởng trực tiếp, nhưng gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVT cho biết, với bản chất là đơn vị kinh doanh dịch vụ và có đến 85% đội tàu hoạt động quốc tế, doanh nghiệp buộc phải linh hoạt trong công tác quản trị, xây dựng nhiều kịch bản thích ứng với sự biến động không ngừng của thị trường, từ biến động giá dầu đến các hoạt động liên quan.

Năm 2022, PVT cán đích 1.000 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 39% so với năm 2021, nhờ các thành viên đã đầu tư thêm tàu chở dầu, hóa chất nhằm đón đầu giá cước tàu chở dầu, nhiên liệu tăng cao trên toàn cầu do chiến sự Nga - Ukraine.

Kỳ vọng dự án Lô B - Ô Môn

Một thông tin tích cực đối với ngành dầu khí là thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí cho dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II đã được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Liên danh giữa Marubeni Corporation và Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng. Đây là minh chứng cho thấy, dự án Lô B - Ô Môn đang được thúc đẩy.

Dự án Lô B - Ô Môn sẽ mang lại khối lượng công việc khổng lồ cho nhiều doanh nghiệp dầu khí, nhất là ở phân khúc thượng nguồn.

Lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành dầu khí cho rằng, lý do dự án Lô B - Ô Môn gặp nhiều khúc mắc là không đơn giản, nhưng có thể kỳ vọng vào mốc thời gian tháng 6/2023 là mốc ra quyết định đầu tư cuối cùng của dự án. Khi quyết định này được phê duyệt, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, kho nổi, hỗ trợ khai thác dầu khí, tức doanh nghiệp nằm ở phân khúc thượng nguồn sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp nhờ khối lượng công việc rất lớn. Bởi lẽ, nguồn vốn cho dự án Lô B - Ô Môn là 10 tỷ USD; trong đó, khâu khai thác chiếm hơn một nửa số vốn.

“Bất kỳ tin tức nào liên quan đến tiến độ dự án Lô B đều có thể đóng vai trò là chất xúc tác tích cực cho một số mã cổ phiếu trong ngành dầu khí. Đơn cử, GAS đóng vai trò là nhà đầu tư chính với khoảng 5,1 tỷ USD (tương đương 51% nguồn vốn đầu tư) cho dự án này sẽ được hưởng lợi khi dự án có những bước chuyển động tiếp theo. Đồng thời, GAS tăng được sản lượng nhờ các dòng khí mới bổ sung từ các dự án, cũng như tăng doanh thu từ vận chuyển khí khi đường ống dẫn dài 386 km dự kiến được đưa vào vận hành từ năm 2026. Hay PVD, PVS… đều là những cổ phiếu có diễn biến giá khả quan khi siêu dự án có thông tin tích cực”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên nói.

Về cơ hội đầu tư cổ phiếu dầu khí, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC khuyến nghị, nhà đầu tư trung hạn muốn đón làn sóng hưởng lợi của ngành dầu khí không nên đuổi theo sóng tăng nóng gần nhất, mà nên chờ mua gom trong các nhịp điều chỉnh. Nhà đầu tư có thể chờ giải ngân cổ phiếu PVD ở vùng giá 16.000 - 18.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu PVS ở vùng giá 20.000 - 23.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán Agriseco, để đầu tư vào cổ phiếu dầu khí, nhà đầu tư cần nhìn vào triển vọng cụ thể của các doanh nghiệp.

“Nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn nhóm thượng nguồn như PVD, PVS hay PVC. Lưu ý, giá các cổ phiếu dầu khí đang ở quanh vùng đỉnh cũ, do đó cho điểm mua không an toàn. Nhà đầu tư đã có vị thế giá thấp nên tiếp tục nắm giữ và theo dõi trong các phiên sắp tới”, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Agriseco nói.

Tin bài liên quan