Cổ phiếu dầu khí leo theo giá dầu

Cổ phiếu dầu khí leo theo giá dầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã trở thành trợ lực lớn nhất khiến giá dầu neo ở mức cao trong tuần qua. Điều này cũng giúp nhóm cổ phiếu dầu khí đi ngược thị trường khi kết thúc tuần có nhiều mã bứt phá tích cực. 

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 5,95 điểm, tương đương 0,4%, xuống 1.498,89 điểm. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE hơn 797 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 24,5% so với tuần giao dịch trước.

HNX-Index tăng 4,55 điểm, tương đương 1,05%, lên 440,16 điểm. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HNX đạt trung bình gần 118 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 74%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí có tuần bứt phá ngay cả những phiên thị trường sụt giảm mạnh vì lo ngại tác động tiêu cực của chiến tranh. Nhìn tổng thể, cả ngành đã tăng 10,09% với nhiều mã tăng kịch trần.

Cổ phiếu dầu khí sôi sục

Mã chứng khoán

Niêm yết

Giá đóng cửa ngày 18/2 (VNĐ)

Giá đóng cửa ngày 25/2 (VNĐ)

Chênh lệch (%)

PTV

UPCoM

8.400

12.600

50,00

PMB

HNX

15.400

22.300

44,81

PCE

HNX

24.100

33.400

38,59

PSE

HNX

17.900

24.300

35,75

PVC

HNX

15.200

20.000

31,58

PSW

HNX

18.000

23.500

30,56

ASP

HOSE

12.800

15.200

18,75

OIL

UPCoM

18.000

19.900

10,56

PLX

HOSE

59.800

62.400

4,35

BSR

UPCoM

26.400

27.500

4,17

Mã PTV của CTCP Thương mại Dầu khí có cú bật tăng ngoạn mục và tỏ ra miễn nhiễm với tất cả thông tin tiêu cực từ thị trường. Sau khi trải qua tuần giao dịch ảm đạm trước đó, PTV đã tăng 50% kể từ mức 8.400 đồng/CP lên 12.600 đồng/CP. Thanh khoản cũng được cải thiện rõ rệt lên bình quân hơn 205.000 đơn vị/phiên, cách biệt xa số lượng 22.194 đơn vị/phiên của tuần trước.

Tiếp sau là đà tăng của loạt cổ phiếu PMB của Dầu khí Miền Bắc, PCE của Dầu khí Miền Trung, PSE của Dầu khí Đông Nam Bộ và PSW của Dầu khí Tây Nam Bộ. Nhóm cổ phiếu này cùng sở hữu những phiên giao dịch tăng hết biên độ và đóng cửa tuần với mức tăng trên 30%, thoát khỏi giai đoạn lình xình kéo dài trước đó.

Cổ phiếu ASP của Tập đoàn Dầu khí An Pha có phiên giao dịch đầu tuần chỉ tăng nhẹ 0,78%, nhưng 3 phiên sau cổ phiếu nhanh chóng bật lên sắc tím với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1 triệu đơn vị/phiên. Dù trong phiên cuối tuần, ASP giảm 3,80% theo giá dầu đi xuống, nhưng nhìn chung trong cả tuần, mã này vẫn tăng 18,75%.

Trong tuần trước, mã OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam đã giảm điểm và “giậm chân” tại 18.000 đồng/CP vào hai phiên cuối tuần. Đến tuần qua, OIL đã lấy lại nhịp tăng 10,56%. Dù không sở hữu những phiên tăng tím, nhưng OIL vẫn giữ được nhịp tăng đều đặn trong 4 phiên đầu tuần và điều chỉnh giảm 1,97% vào phiên cuối tuần.

PLX của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam - Petrolimex Việt Nam cũng rục rịch tăng trở lại với diễn biến tương tự cổ phiếu OIL. PLX có 4 phiên đầu tuần tăng nhẹ và giảm ở cuối tuần, qua đó giúp cổ phiếu tăng 4,35%. Thanh khoản nổi bật với hai phiên ngày 22/2 và 24/2 với trên 5 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Doanh nghiệp tăng trưởng theo giá dầu

2021 là năm giá dầu bùng nổ mạnh mẽ. Theo đó, giá dầu thô Brent đóng cửa ở mức 78,2 USD/thùng tại ngày 30/12/2021, tăng 52,9% so với cùng kỳ. Giá dầu thô Brent trung bình đạt 70,5 USD/ thùng, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2020.

SSI Research cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá dầu leo thang là nhu cầu nhiên liệu phục hồi mạnh tại các nước đã hồi phục hoặc mở cửa trở lại; gián đoạn nguồn cung do báo Ida tại Mỹ và tình trạng tắc nghẽn logistics. Cuối cùng là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã ký vào đầu năm 2021.

Điều này đã giúp tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp được hưởng lợi, lợi nhuận của nhiều Công ty phục hồi mạnh mẽ.

Ông lớn xăng dầu PLX ghi nhận doanh thu năm vừa qua đạt 169.113,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.111,54 tỷ đồng, lần lượt tăng 36,5% và 148,4% so với cùng kỳ. Năm 2022, SSI ước tính lợi nhuận PLX có thể tăng 25% do sản lượng tiêu thụ xăng và nhiên liệu máy bay cũng như các phân khúc khác hồi phục. Ngoài ra, việc thoái vốn khỏi PGB cũng có thể đem lại khoản thu nhập bất thường cho PLX.

OIL là công ty bán lẻ xăng dầu, hưởng lợi từ giá dầu tăng nhờ hàng tồn kho chi phí thấp. Năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 57.848 tỷ đồng, tăng 15,6% so với kết quả năm 2020 và lãi ròng 775,5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 166,1 tỷ đồng). SSI cho rằng sản lượng tiêu thụ năm 2022 của OIL có thể hồi phục so với mức thấp năm 2021.

BSR cho biết, trong 2021, nhất là các tháng cuối năm, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và các sản phẩm chính tốt hơn so với năm trước, qua đó làm tăng hiệu quả kinh doanh của Công ty.

Kết quả, BSR ghi nhận doanh thu thuần đạt 101.079,4 tỷ đồng, tăng 74% và chuyển từ lỗ hơn 2.858,1 tỷ đồng sang có lãi 6.673,1 tỷ đồng. Năm 2022, BSR được kỳ vọng duy trì kết quả kinh doanh mạnh mẽ nhờ giá và biên dầu ở mức cao, cũng như sản lượng ổn định.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích của Yuanta Việt Nam đánh giá, nhóm ngành dầu khí sẽ hưởng lợi trực tiếp từ căng thẳng Nga - Ukraine. Giá dầu tăng sẽ thúc đẩy hoạt động khôi phục sản xuất dầu, như vậy những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, sản xuất dầu khí sẽ được hưởng lợi.

Giá dầu khí vẫn neo ở mức cao

Ngày 24/2, Nga chính thức phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine khiến giá dầu thô lập tức tăng vọt. Cả Brent và WTI đều tăng trên 8%. Brent lập đỉnh 105,79 USD/thùng, WTI cũng leo lên 100,54 USD/thùng.

Capital Economic lập tức đưa ra dự báo giá dầu có thể lên tới 140 USD/thùng trong trường hợp xấu nhất là dòng chảy năng lượng bị gián đoạn.

Tuy nhiên, giá dầu thô quay đầu giảm trong hai phiên giao dịch cuối tuần. Chốt phiên ngày 27/2, giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 98,63 USD/thùng, giảm 0,45 USD/thùng trong phiên. WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 91,94 USD/thùng, giảm 0,87 USD/thùng trong phiên.

Giá dầu bị hạn chế bởi thông tin Iran sẽ cung cấp trở lại thị trường hơn 1 triệu thùng/ngày, khi các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã đạt được những bước tiến đáng kể.

Mặc dù giá dầu “trượt” nhẹ vào cuối tuần, song tính chung cả tuần, Brent vẫn tăng khoảng 4,7% và WTI tăng xấp xỉ 0,6%. Diễn biến tăng giá được cho rằng có thể tiếp tục trong tuần tới khi Mỹ và các nước đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga.

Giới phân tích cảnh báo nếu xảy ra xung đột ở Đông Âu, nguy cơ nổ ra một cuộc khủng hoảng năng lượng là rất lớn, nhất là khi tình hình Trung Đông cũng đang đe dọa gián đoạn nguồn cung dầu trong khu vực.

Hơn nữa, cuộc xung đột có thể khiến nguồn cung khí tự nhiên ở châu Âu bị ảnh hưởng, giá khí đốt trong khu vực sẽ tăng lên những kỷ lục mới, có thể chạm ngưỡng 150, thậm chí 200 USD/thùng.

Đặc biệt, việc đưa dầu Iran trở lại thị trường được nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn, bất chấp những tín hiệu tích cực từ quá trình đàm phán khôi phục thoả thuận hạt nhân.

Trong khi đó, OPEC+ chưa có động thái “bơm” thêm dầu theo lời kêu gọi của Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn, mà vẫn tiếp tục chính sách tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 4/2022.

Tin bài liên quan