Lợi nhuận trước thuế quý I/2023 của Vietcombank dự báo tăng khoảng 10%. Ảnh: Đức Thanh

Lợi nhuận trước thuế quý I/2023 của Vietcombank dự báo tăng khoảng 10%. Ảnh: Đức Thanh

Cổ phiếu ngân hàng có là “tâm điểm của các con sóng”

0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp triển vọng lợi nhuận năm 2023 không lạc quan như năm ngoái, cổ phiếu ngân hàng vẫn được coi là “tâm điểm của các con sóng”.

Hé lộ bức tranh kinh doanh quý I/2023

Dự đoán từ tuần tới, các ngân hàng sẽ rầm rộ công bố kết quả kinh doanh quý I/2023. Theo dự báo của Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), đa phần các ngân hàng niêm yết có sự tăng trưởng lợi nhuận quý I cùng triển vọng tăng trưởng dương cả năm 2023. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng chung của các ngân hàng đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí có một số ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận âm.

Giữ được tốc độ tăng trưởng trong quý I/2023 là nhóm ngân hàng TMCP nhà nước. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank tăng khoảng 10%, BIDV tăng 32-39%, VietinBank tăng 3%. Ước cả năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng này vẫn khá tốt, tuy giảm nhiều so với mức đỉnh cao năm ngoái. Theo đó, BIDV và Vietcombank có thể tăng trưởng lãi ròng cả năm ở mức 19,2-19,5%, VietinBank tăng 15%.

Nhóm ngân hàng TMCP tư nhân được dự đoán tăng trưởng lợi nhuận trước thuế phổ biến ở mức 10 - 20% trong quý I/2023. Đột phá có Sacombank, với tăng trưởng lợi nhuận có thể lên tới 70% xuất phát từ nền thấp cùng kỳ năm ngoái. Các ngân hàng dự báo có mức tăng trưởng cao có thể kể đến HDBank (nhờ tín dụng tăng mạnh), Sacombank (do so sánh với nền thấp năm ngoái). Ngoài ra, các ngân hàng MB, VIB, ACB… cũng tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Hai ngân hàng có khả năng tăng trưởng lợi nhuận âm là MSB và Techcombank.

Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm nay. Theo đó, Sacombank đặt mục tiêu cao nhất 50%; các ngân hàng còn lại đa số đưa ra con số 13-20% (VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 24.003 tỷ đồng, tăng 13%; ACB là 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2%; HDBank gần 13.200 tỷ đồng, tăng 29%…).

Như vậy, so với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân năm ngoái (34%), năm nay, các ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận rất khiêm tốn. Ngoài ra, lợi nhuận của các ngân hàng có sự phân hóa mạnh. Các ngân hàng quy mô nhỏ có mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn, trong khi các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, tệp khách hàng đa dạng, ít phụ thuộc vào trái phiếu, bất động sản… vẫn có triển vọng sáng sủa.

Cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn?

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, có 88,7% các tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương so với năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ điều tra trước). Bên cạnh đó, vẫn có 5,7% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm và 5,7% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Tín dụng chỉ tăng hơn 2% trong 3 tháng đầu năm khiến lợi nhuận ngân hàng không đạt kỳ vọng. Tuy vậy, lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ triển khai sẽ giúp cầu tín dụng tăng trở lại trong thời gian tới, từ đó kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ dần cải thiện.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán TCSC, thế giới đang chuyển xu hướng từ thắt chặt sang nới lỏng, thị trường chứng khoán đã bắt đầu tạo đáy. Trong bối cảnh này, những cổ phiếu mang tính chu kỳ lớn như ngân hàng, chứng khoán sẽ đi trước. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngân hàng nằm trong nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng cao nhất thị trường và cao hơn VN-Index. Thực tế, ngành ngân hàng vẫn đang có sự tăng trưởng ổn định và triển vọng sáng sủa hơn thời gian tới.

“Quý I/2023, do lãi suất cao, nên các cá nhân và tổ chức có thể đã hạn chế vay. Tuy nhiên, khi lãi suất giảm xuống trong quý II, người có nhu cầu chắc chắn sẽ quay lại vay. Từ quý II trở đi, tăng trưởng tín dụng có thể tốt hơn so với đầu năm”, ông Trung nhận định.

Trong báo cáo đánh giá triển vọng nhóm ngân hàng vừa công bố, Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, ngành ngân hàng trong quý II sẽ gặp phải một số khó khăn do biên lãi thuần có thể suy giảm, chất lượng tài sản xấu đi (nợ xấu tăng lên), áp lực trái phiếu đáo hạn ngày càng tăng… Song cổ phiếu ngân hàng vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn và phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank, cổ phiếu tài chính - ngân hàng vẫn là nhóm hấp dẫn nhất hiện nay, là “tâm điểm của các con sóng”, nhờ nhiều ngân hàng vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt trong năm nay.

Trong báo cáo nhận định về cổ phiếu ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán VCBS cũng đánh giá triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng ở mức phù hợp thị trường. Cụ thể, định giá P/B toàn ngành hiện thấp hơn khoảng 25% so với mức trung bình 5 năm.

Tuy nhiên, với cổ phiếu ngân hàng, giới chuyên gia cũng cảnh báo, nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu của các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt (nợ xấu thấp), ít dư nợ trái phiếu - bất động sản, tỷ trọng bán lẻ cao, có tốc độ tăng trưởng vượt trội so với trung bình ngành…

Tin bài liên quan