Vietcombank dự kiến lợi nhuận tỷ USD năm nay. Ảnh: Dũng Minh

Vietcombank dự kiến lợi nhuận tỷ USD năm nay. Ảnh: Dũng Minh

Cổ phiếu ngân hàng dẫn sóng 2021

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Cổ phiếu ngành ngân hàng đang dẫn sóng thị trường chứng khoán nhờ kỳ vọng có sức bật mới khi kinh tế phục hồi đà tăng trưởng năm 2021.

Tín dụng 2021 sẽ tăng 10-15%

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được Quốc hội đặt ra ở mức 6%. Để thực hiện mục tiêu này, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, tín dụng ngân hàng tăng khoảng 10-15% là phù hợp.

Con số này là khả thi vì nửa cuối năm nay đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng phục hồi khá ấn tượng sau hơn nửa đầu năm chững lại vì tác động bởi đại dịch. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 17/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 8.790 nghìn tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,28%.

Theo SSI Research, trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng 2020 lần thứ hai cho một số ngân hàng thương mại, trong đó mức cao nhất lên tới 30%.

Trước đó, trong quý III/2020, Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với nhiều ngân hàng, trong đó mức cao nhất là 23% dành cho Techcombank, TPBank và VIB.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đến hết tháng 11 là 10% và mới đây Ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước nới room lên 14%.

“Dự kiến cả năm Vietcombank sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 13 - 14%”, ông Thành nói.

Sacombank cũng là ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước tăng room tín dụng lên mức 13%. Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, tín dụng đang khởi sắc nhờ đà hồi phục kinh tế cùng với xu hướng đi xuống của mặt bằng lãi suất (cả huy động, cho vay) và điều này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2021.

Mặc dù thị trường và bản thân các ngân hàng đang khá “hồ hởi” khi dòng vốn đang được kích hoạt với tốc độ cao hơn trước, nhưng trong một góc nhìn thận trọng, TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư tại Dragon Capital cho rằng, sang năm 2021, nền kinh tế chưa thể lấy ngay lại được những gì đã diễn ra như trước dịch vì hơn 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

“Có thể, với những doanh nghiệp lớn sẽ được hưởng lợi từ chính sách tín dụng lãi suất thấp hiện nay, song cầu vốn của doanh nghiệp chưa tăng cao như trước đại dịch. Vả lại, trong bối cảnh thị trường còn có khó khăn nhất định hiện nay, chúng ta cũng không nên kỳ vọng tín dụng tăng trưởng nhanh vì sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp chưa tăng cao. Nếu ồ ạt đẩy tín dụng mà không kiểm soát tốt chất lượng khoản vay thì rủi ro nợ xấu sẽ gia tăng như trước”, TS. Anh Tuấn nhấn mạnh.

Lợi nhuận ngân hàng tăng 17%?

Theo các báo cáo mới nhất của các ngân hàng, một số đã hoàn thành sớm kế hoạch năm 2020 về chỉ tiêu lợi nhuận, sớm nhất có lẽ là Sacombank hoàn thành kế hoạch chỉ sau 10 tháng đầu năm. Điều này cũng được coi là lý do khiến cổ phiếu ngân hàng dậy sóng.

Tuy vậy, vẫn có một “án treo” lơ lửng với các ngân hàng là nợ xấu. Trong khi đó, Thông tư 01/2020/TT-NHNN về giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp sẽ giúp các ngân hàng chưa phải cấu trúc các khoản vay, thậm chí trích lập các khoản nợ xấu.

Mặc dù tín dụng đang dần khởi sắc những tháng cuối năm, song theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, thách thức phía trước của ngành ngân hàng vẫn rất lớn. Ước tính, nợ xấu gộp đến cuối năm 2020 sẽ trên 3% và năm 2021 sẽ cao hơn. Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021 tăng trưởng ra sao sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố hiện hữu như: Tốc độ tăng trưởng tín dụng, nợ xấu, trích lập dự phòng, thu nhập ngoài, công nghệ số, nguồn vốn... Tuy vậy, các nhà phân tích tài chính cũng đã đưa ra lý do để lạc quan hơn đối với tương lai ngành ngân hàng năm 2021. Vắc-xin Covid-19 cũng sắp được đưa vào sản xuất. Năm 2020, Việt Nam dù ở nhóm nước ít ỏi có GDP tăng trưởng dương, cho dù mức tăng tương đối thấp. Hoạt động của ngành ngân hàng năm 2020 cũng đạt được kết quả tích cực.

Đến nay, nhiều ngân hàng đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm 2020 (dù chỉ tiêu này đã có điều chỉnh do ảnh hưởng bởi đại dịch) như: ACB, VIB, Sacombank, LienVietPostBank, MSB lần lượt đạt 8.723 tỷ đồng (ACB); 4.570 tỷ đồng (VIB); 2.573 tỷ đồng (Sacombank) và 1.741 tỷ đồng trước thuế (LPB); 2.302 tỷ đồng (MSB)... Đó là chưa kể đến những nhà băng lớn như Vietcombank dự kiến đạt lợi nhuận tỷ USD năm nay và năm tới. BIDV, VietinBank, Techcombak, VPBank... cũng dự báo đạt trên chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2020 khi kết quả 9 tháng đều đạt mức cao.

Vì vậy, SSI Research nhận định triển vọng chung của ngành ngân hàng năm 2021 sẽ tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ hai của dịch Covid-19. Nhóm chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán này cũng điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận trước thuế cho các ngân hàng nghiên cứu cho năm 2020 và 2021 lần lượt đạt 110.700 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ và 129.300 tỷ đồng, tăng 17%.

Cụ thể, ước tính lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối giảm 6% trong năm 2020 và sau đó phục hồi 22% trong năm 2021. Trong khi đó, ước tính lãi trước thuế của các ngân hàng cổ phần sẽ tăng 9% trong năm 2020 và tăng 14% trong năm 2021, đồng thời đánh giá khả quan với ngành ngân hàng trong năm 2021. Chính các yếu này tác động tích cực lên giá cổ phiếu “vua” và hứa hẹn có mức cổ tức “khủng”.

Thế nhưng, nợ xấu vẫn được đánh giá sẽ kéo theo dự phòng rủi ro tăng trong năm tới. Phân tích số liệu 9 tháng đầu năm nay của các ngân hàng niêm yết cho thấy, nợ xấu đã tăng khoảng 30%, dự kiến cả năm nay, nợ xấu nội bảng toàn hệ thống sẽ ở mức 3%. Và năm 2021, nợ xấu có thể sẽ còn tăng do độ trễ tác động của nền kinh tế tới lĩnh vực ngân hàng, lên khoảng 3,5-4%. Nhà băng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉnh sửa Thông tư 01 để nợ xấu không tăng cao trước mắt. Tuy vậy, nợ xấu “chưa được che dấu” bởi Thông tư 01 sẽ sớm bộc lộ, vì thời hạn tái cơ cấu không nên quá dài.

SSI Research cũng đề cập việc trích lập dự phòng sẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến ước tính lợi nhuận và rủi ro tín dụng sẽ vẫn tồn tại trong năm 2021 trở đi. Rủi ro lợi nhuận với các ngân hàng bao gồm tỷ lệ nợ xấu mới hình thành cao hơn, nền kinh tế phục hồi chậm hơn ước tính và dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại. Để tránh gặp rủi ro trong vấn đề kiểm soát nợ xấu có thể xảy ra trong tương lai, các ngân hàng cần chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu tiềm ẩn, những khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại để phòng xa. Nếu sau thời điểm Thông tư 01 hết hiệu lực mà khách hàng vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng mạnh, những ngân hàng chưa chuẩn bị nguồn dự phòng sẽ xoay sở không kịp.

Trong khi đó, TS. Lê Anh Tuấn đánh giá, nợ xấu của ngành ngân hàng không quá lo ngại. Vì để bảo đảm rủi ro trong hoạt động, các ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro, với tỷ lệ bao nợ xấu cao.

Đơn cử tại Vietcombank, về chất lượng tín dụng, hiện tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng là dưới 1% - thấp nhất toàn ngành. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt đến 260%, tức là có 100 đồng nợ xấu thì Ngân hàng trích lập 260 đồng dự phòng - mức cao nhất hệ thống.

Tuy nhiên, do năm nay tác động của dịch Covid-19 lên hoạt động tín dụng buộc các ngân hàng phải tăng trích dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận bị thu hẹp. Vì vậy, khả năng lợi nhuận của một số ngân hàng cổ phần ở tốp dưới trong quý IV/2020 sẽ không quá cao so với các ngân hàng lớn do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao.

Tin bài liên quan