Các doanh nghiệp bất động sản lớn luôn mong muốn có ngân hàng hay công ty chứng khoán “hậu thuẫn”.

Các doanh nghiệp bất động sản lớn luôn mong muốn có ngân hàng hay công ty chứng khoán “hậu thuẫn”.

Cổ phiếu ngân hàng và bóng dáng “đại gia” bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu của một số ngân hàng đang được thu gom và những đồn đoán về bên mua nhiều khả năng trở thành sự thật, vì đằng sau các thương vụ tương tự trước đó thường là “đại gia” bất động sản.

Sunshine Group đang có động thái thâu tóm Kienlongbank. Trước đó, PGBank từng được Novaland “nhắm” tới trước khi MSB có những động thái sáp nhập PGBank mạnh mẽ hơn. Không “ồn ào” nhưng đầy khốc liệt đó là câu chuyện về “dân chơi” âm thầm gom cổ phiếu Sacombank và Eximbank.

Thực tế tại Việt Nam, các doanh nghiệp bất động sản lớn luôn mong muốn có tập đoàn tài chính ở phía sau như ngân hàng hay công ty chứng khoán. Do vậy, đằng sau những cuộc gom mua cổ phiếu ngân hàng thường là “đại gia” bất động sản.

Bất động sản cần vốn lớn…

Năm 2014, một doanh nghiệp bất động sản tiền thân là đơn vị thi công xây lắp và làm nền móng khởi công xây dựng dự án bất động sản tại TP.HCM, tiếp theo đó là dự án cùng tên tại Hà Nội. Dự án vấp phải một số “lùm xùm”, bao gồm việc chủ đầu tư không có đủ nguồn lực tài chính để phát triển dự án.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán tuần qua, lãnh đạo doanh nghiệp tâm sự: “Thời điểm đó, nếu nói là tôi tay không bắt giặc chắc cũng không sai”.

Thực tế, trong một cuộc họp giữa các khách hàng là người mua nhà và chủ đầu tư, trước câu hỏi về tình hình tài chính của doanh nghiệp, vị “đại gia” trên thừa nhận: “Tài chính là vấn đề của doanh nghiệp”.

Tại Việt Nam, không hiếm đại gia bất động sản kiểu như vậy. Một lãnh đạo cao cấp của hệ thống ngân hàng cho biết: “Trên cơ sở nguồn tiền ra vào của doanh nghiệp bất động sản là biết đơn vị này có thực bao nhiêu tiền. Các doanh nghiệp bất động sản thường không có đủ tiền để phát triển dự án, chủ yếu nguồn tiền đến từ việc huy động, vay và phát hành trái phiếu. Huy động từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu hay các quỹ đầu tư rất hạn chế, khoảng 70 - 90% các dự án bất động sản tại Việt Nam phụ thuộc vào nguồn vốn vay chủ yếu là ngân hàng”.

Ví dụ lớn nhất cho trường hợp này là Tập đoàn Thiên Thanh với người sáng lập là ông Phạm Công Danh mua lại 10% vốn của TrustBank năm 2012. Phạm Công Danh năm 2016 bị tuyên phạt 10 năm tù về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và 20 năm tù về tội "Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", tổng cộng hình phạt là 30 năm tù.

Thực tế hiện nay, doanh nghiệp bất động sản vay vốn từ ngân hàng gặp khó với Thông tư 22/2019/TT-NHNN kể từ ngày 1/1/2020 khi xác định lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, kiểm soát tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản.

Cụ thể, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn giai đoạn từ ngày 1/1 - 30/9/2020 là 40%, từ 1/10/2020 - 30/9/2022 là 37%, từ ngày 1/10/2022 là 30%.

Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước không ngoài việc kiểm soát những hoạt động tín dụng có tính chất rủi ro cao và doanh nghiệp địa ốc buộc phải tìm nguồn vốn khác bổ sung.

Một thông tin đáng chú ý được ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ là tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản năm 2020 (9,97%) thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung (12,13%). Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản tiếp tục xu hướng giảm, năm 2018 là 26,76%, năm 2019 là 21,53% và năm 2020 là 9,97%.

“Quy định tại Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước là yếu tố thúc ép các đại gia bất động sản quyết liệt hơn trong việc thâu tóm ngân hàng. Các đại gia bất động sản đều rất muốn đi lên mà không phụ thuộc vào ai nên cần các công cụ tài chính và cụ thể ở đây là ngân hàng hoặc công ty chứng khoán”, lãnh đạo một công ty tư vấn nói.

… Nên muốn có ngân hàng đằng sau

Số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, nguồn tiền từ ngân hàng đổ vào bất động sản đã được hạn chế, nhưng vẫn dấy lên những nghi ngờ rằng, bất động sản liên quan chặt chẽ đến nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 năm 2020.

Nguồn tiền nhàn rỗi lớn thể hiện dưới dạng tiết kiệm tại ngân hàng khiến thanh khoản hệ thống luôn dồi dào, lãi suất huy động liên tục giảm nhưng tiền vẫn vào ngân hàng. Một phần nguồn tiền giá rẻ trong ngân hàng đã được cho các doanh nghiệp bất động sản vay.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu như quý I/2020, tín dụng bất động sản chỉ tăng 0,88% thì hết quý II/2020 tăng tới 10,21%. Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2020 của nhiều tổ chức tín dụng thuộc Top đầu về lợi nhuận toàn hệ thống, tín dụng bất động sản vẫn là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận.

Nhớ lại năm 2011, thị trường âm thầm chia sẻ thông tin về một tập đoàn bất động sản được hưởng lợi khá nhiều từ hình thức tài trợ không phải trả lãi suất hoặc lãi suất rất thấp là tạm ứng xây dựng công trình.

Tổng số dư vốn tài trợ khi đó hơn 2.200 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay phải trả cho ngân hàng vỏn vẹn 27 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,2%, trong khi lãi suất giai đoạn đó có thời điểm lên đến 20%.

“Người phát triển bất động sản luôn cần nguốn vốn trong khi nguồn vốn huy động từ ngân hàng “của mình” có giá rất thấp nên các “đại gia” bất động sản đương nhiên mặn mà với cổ phiếu ngân hàng. Bên cạnh đó, tệp khách hàng của ngân hàng chủ yếu là tầng lớp trung lưu, đây rõ ràng là những khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp bất động sản”, vị lãnh đạo cao cấp của hệ thống ngân hàng nhận xét.

Trong khi đó, vị “đại gia” bất động sản “tay không bắt giặc” trên thừa nhận: “Làm bất động sản mà không có ngân hàng là không ăn thua”.

Việc mua cổ phiếu các ngân hàng theo đúng quy định là một chuyện, sở hữu thật và nắm quyền kiểm soát là câu chuyện khác.

Tuy nhiên, việc mua cổ phiếu các ngân hàng theo đúng quy định là một chuyện, sở hữu thật và nắm quyền kiểm soát là câu chuyện khác.

Hỏi chủ tịch một ngân hàng đang rất “nóng” trên thị trường với câu chuyện “đổi chủ” rằng, “ông đang đại diện cho nhóm cổ đông nào?”, ông trả lời: “Tôi đại diện cho các cổ đông của ngân hàng”.

Ở vị trí chủ tịch, câu trả lời đại diện cho toàn bộ các cổ đông hay nhóm cổ đông của ngân hàng là đúng, nhưng trường hợp vị trí này là “người đi làm thuê” sẽ phải đại diện cho nhóm cổ đông mà mình “nhận lương”. Khi đó, nếu có sự xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông lớn, dự kiến sẽ có những người phải dứt áo ra đi.

Ngay cả trường hợp không sở hữu, một số tập đoàn bất động sản có ngân hàng thân thiết hỗ trợ thông qua nhiều hình thức, được nhắc tới như những đối tác chặt chẽ như Tập đoàn Vingroup với Techcombank, Tập đoàn MIK với VPBank, Tập đoàn Đất Xanh với Viet A Bank, Tập đoàn TNR với MSB… Tuy nhiên, mọi việc chưa chắc đã dừng lại ở đó với minh chứng cụ thể là MSB có những động thái sáp nhập PGBank mạnh mẽ hơn.

“Vị đại gia (bất động sản - cổ đông của MSB) này có sở hữu tại nhiều ngân hàng và luôn muốn đầu tư tài chính”, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước nói và cho rằng, có những thông tin mang tính chất đồn thổi, nhưng cũng có thể câu chuyện sẽ đi đến hồi kết là sáp nhập.

Hiện tại, hoạt động thâu tóm PGBank được dự báo sẽ không dễ dàng, bởi ở PGBank còn có cổ đông lớn là Petrolimex, nắm giữ 40% cổ phần; ngoài ra, cổ đông cũ ở Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười nắm giữ 15%, nhóm mới sở hữu khoảng 15%, nhóm của “đại gia” Tuấn (MSB) nắm giữ khoảng 10%, nhóm liên quan đến HDBank nắm giữ khoảng 5% cổ phần PGBank.

“Petrolimex rồi cũng sẽ phải thoái hết vốn tại PGBank theo quy định, câu chuyện là đại gia nào sẽ nắm giữ phần vốn thoái này để nắm quyền chi phối Ngân hàng?”, lãnh đạo công ty tư vấn trên đặt câu hỏi.

Tin bài liên quan