Các doanh nghiệp sản xuất phân bón có thể gia tăng sản lượng xuất khẩu, nhưng chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào đang là áp lực lớn

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón có thể gia tăng sản lượng xuất khẩu, nhưng chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào đang là áp lực lớn

Cổ phiếu phân bón, phía sau những lạc quan...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn cung phân bón ở châu Âu sụt giảm mang lại kỳ vọng hưởng lợi cho các doanh nghiệp ngành này trong nước, nhưng tình trạng nguyên liệu sản xuất vừa thiếu, vừa có giá cao vẫn đang là bài toán “đau đầu”.

Giá khí tăng vọt

Gần đây, nhóm cổ phiếu phân bón được dòng tiền quan tâm nên giá và thanh khoản bật tăng, nhưng “sóng” không kéo dài, một số phiên cuối tháng 8 điều chỉnh giảm.

Nhịp tăng giá của cổ phiếu phân bón xuất phát từ thông tin nhiều nhà máy phân bón ở châu Âu như Na Uy, Đức, Ba Lan, Litva, Pháp, Anh, Hungary thông báo cắt giảm sản lượng hoặc tạm dừng sản xuất.

Theo Fertilizers Europe - đại diện cho hầu hết các nhà sản xuất phân bón ở lục địa già, hơn 2/3 công suất sản xuất bị dừng lại do chi phí khí đốt tăng cao.

Tính đến ngày 26/8/2022, nhiên liệu chính dùng trong sản xuất phân bón đã tăng 6 tuần liên tiếp, giá giao ngay ở châu Âu đạt gần 3.500 Euro/1.000 m3, mức cao kỷ lục kể từ năm 1996.

Giá khí đốt bị đẩy lên cao nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tại Mỹ và châu Âu tăng mạnh trong bối cảnh nắng nóng kéo dài. Bên cạnh đó, nhiều nước châu Âu tăng cường dự trữ khí đốt cho mùa Đông, trong khi nguồn cung khí đốt từ Nga sụt giảm.

Ngày 28/8, ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga đưa ra dự báo, giá khí đốt ở châu Âu có thể đạt 5.000 Euro/1.000 m3 vào cuối năm 2022.

Ngày 29/8, giá khí đốt điều chỉnh giảm, nhưng vẫn ở mức cao hơn gần 6 lần so với một năm trước đó.

Giá phân bón có thể tăng

Ông Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, sản xuất urê hiện phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt, đặc biệt từ Nga. Giá urê có diễn biến tăng nhẹ trong thời gian gần đây.

“Nếu sắp tới, giá khí đốt tiếp tục tăng cao cùng chính sách thắt chặt nguồn cung khí đốt của Nga được duy trì, giá phân bón có thể tăng thêm”, ông Hà nhận định.

Thực tế, từ năm 2020 đến nay, giá phân bón có nhiều đợt tăng cao, do giá dầu, giá khí là nhiên liệu sản xuất amoniac, lưu huỳnh (nguyên liệu sản xuất phân bón) tăng vọt. Nhiều quốc gia không đủ phân bón cho thị trường nội địa, trong khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu, tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung từ Nga càng thêm thiếu hụt. Ngoài ra, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến chi phí vận chuyển tăng cao.

Ông Hà nhận xét, giá phân bón tăng có thể giúp một số doanh nghiệp trong ngành hưởng lợi, nhưng sẽ ảnh hưởng đến bà con nông dân.

Nguyên liệu là thách thức lớn

Ông Vũ Xuân Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) cho biết, các doanh nghiệp phân bón trong nước đang gặp không ít khó khăn. Những năm gần đây, giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến như lưu huỳnh, urê, kali..., ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Hiện tại, LAS không có đủ nguyên liệu cho sản xuất, nhất là những nguyên liệu nhập khẩu như lưu huỳnh, kali, dẫn đến việc nhà máy phải sản xuất cầm chừng, đẩy giá thành lên cao. Bên cạnh đó, những đơn vị sản xuất hóa chất nếu không đủ nguyên liệu sẽ phải dừng sản xuất, đến khi sản xuất trở lại thì chi phí cao, điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của LAS. Do giá thành sản xuất cao nên giá bán sẽ tăng.

Với kế hoạch sản xuất gần 1 triệu tấn phân bón/năm, để ổn định nguồn cung, LAS cần phải chủ động được nguồn nguyên liệu, nhất là nguyên liệu nhập khẩu.

“Chúng tôi đã ký hợp đồng mua những lô lớn với giá hợp lý, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước để đưa vào sản xuất một cách chủ động. Nhờ đó, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, LAS duy trì được sản xuất ổn định. Trong sản xuất, Công ty tính toán tiết kiệm tối đa, tối ưu nhất nhằm giảm giá thành, giá bán và ổn định giá”, ông Hồng chia sẻ.

Tại Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), Nhà máy Đạm Cà Mau thực hiện đợt bảo dưỡng từ ngày 18/8 đến 4/9/2022, nhưng Công ty đã kịp thời chuẩn bị nguồn hàng trên 350.000 tấn phân bón các loại để đảm bảo nhu cầu vụ Đông - Xuân.

Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, các doanh nghiệp sản xuất phân bón có thể gia tăng sản lượng xuất khẩu trong 2 quý cuối năm 2022, đặc biệt là thị trường Ấn Độ, do vụ Hè - Thu diễn ra từ tháng 6 đến tháng 10, nước này nhập khẩu nhiều phân bón nhất trong năm.

“Thông thường, ngành phân bón sẽ đạt kết quả rực rỡ nhất trong quý IV nhờ vụ Đông - Xuân. Mặc dù kết quả khó xuất sắc như quý I, ngành phân bón vẫn có thể đạt được kết quả khá viên mãn trong 6 tháng cuối năm 2022”, nhóm chuyên gia tại KIS Việt Nam kỳ vọng.

Tin bài liên quan