Ảnh: Dũng Minh.

Ảnh: Dũng Minh.

Cổ phiếu thép: Sóng dài!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những tháng cuối năm 2020, thị trường chứng kiến sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu thép như HPG, HSG, NKG, POM… “Sóng” cổ phiếu thép kéo dài đến nay bởi ngành này được kỳ vọng tiếp tục đạt kết quả kinh doanh khả quan.

Kỳ vọng nhu cầu trong nước tăng

Năm 2020, trong bối cảnh thị trường ảm đạm vì dịch bệnh Covid-19, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công đã góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ của toàn ngành thép.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sau 6 tháng đầu năm 2020 có sản lượng sản xuất, tiêu thụ giảm thì kể từ tháng 7, ngành thép bắt đầu phục hồi. Tính đến hết năm 2020, các doanh nghiệp thành viên của VSA sản xuất được 10,11 triệu tấn và tiêu thụ 10,47 triệu tấn thép xây dựng, chỉ giảm lần lượt 4,2% và 1,2% so với năm 2019.

Sự hồi phục của ngành thép giúp lợi nhuận quý III/2020 của các doanh nghiệp trong ngành như Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) tăng mạnh, nhờ sản lượng tăng và biên lợi nhuận được cải thiện.

Quý IV/2020, ước tính lợi nhuận ròng của HPG lập kỷ lục mới, đạt 4.600 tỷ đồng, tăng 22% so với quý III và tăng 139% so với cùng kỳ năm 2019.

Công ty Chứng khoán SSI nhận định, năm 2021, tăng trưởng nhu cầu thép dự kiến sẽ trở lại mức bình thường là 8%.

Sự hồi phục của ngành thép giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng mạnh, nhờ sản lượng tăng và biên lợi nhuận được cải thiện.

Các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản và dòng vốn FDI, điều này cũng giúp gia tăng hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI.

Ngoài ra, các công ty như HPG có thể tận dụng tối đa nguồn cung thép cuộn cán nóng (HRC) trong nước đang thiếu hụt và duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng trên 10%.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự phóng sản lượng ngành thép Việt Nam năm 2021 tăng 15,7%, gấp 3 lần tăng trưởng sản lượng toàn cầu. Trong đó, riêng dự án Dung Quất giúp tăng thêm tối thiểu 2,2 triệu tấn HRC, đồng thời nhà máy Pomina Phú Mỹ sẽ đi vào sản xuất, bổ sung sản lượng thép xây dựng thêm 1,1 triệu tấn.

Mirae Asset cho rằng, ngành bất động sản sẽ dần hồi phục cùng lúc với sự hồi phục của nền kinh tế thế giới và ngành thép Việt Nam tiếp tục một năm hưởng lợi, với dự phóng sản lượng năm 2021 đạt 28,67 triệu tấn, tăng 15,7%.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhìn nhận, ngành vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi lớn nhất trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Khoảng 40% vốn đầu tư công cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ được giải ngân trong năm 2021 và 60% chi phí xây dựng (23.700 tỷ đồng) sẽ được phân bổ vào chi phí nguyên vật liệu.

Riêng đối với thép xây dựng, giá trị tiêu thụ có thể đạt 6.400 tỷ đồng trong năm nay. Để hoàn thành toàn bộ các dự án này đến năm 2023, giá trị tiêu thụ thép xây dựng có thể đạt 14.800 tỷ đồng.

VNDIRECT dự báo, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng năm 2021 tăng khoảng 10 - 12% nhờ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công.

Cùng với đó, thị trường bất động sản nhà ở sẽ nóng trở lại do lãi suất giảm và nguồn cung mở mới cao hơn. Các doanh nghiệp thép xây dựng hàng đầu có thể sẽ giành thêm thị phần trong năm 2021. Ước tính, thị phần thép xây dựng của HPG sẽ tăng lên mức 35% trong năm 2021, từ mức 32% của năm 2020.

Triển vọng xuất khẩu tích cực

Theo Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp trong nước đang tự chủ động sản xuất phôi thép, tăng xuất khẩu phôi thép, thép thành phẩm, ngày càng thu hẹp khoảng cách giữa nhập khẩu và xuất khẩu sắt thép thành phẩm, từ 7,68 triệu tấn năm 2019 còn khoảng 3,53 triệu tấn năm 2020. Cơ quan này cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có triển vọng xuất siêu mặt hàng thép.

Tại HPG, lượng thép thành phẩm xuất khẩu năm 2020 đạt gần 540.000 tấn, gấp đôi năm 2019. Doanh nghiệp còn xuất khẩu 1,7 triệu tấn phôi vuông để sản xuất thép xây dựng tới các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Srilanka, trong đó, riêng sản lượng phôi xuất sang Trung Quốc cao gấp 12 lần so với năm 2019.

Ông Nguyễn Đăng Thiện, chuyên gia phân tích Mirea Asset có cái nhìn tích cực về nhu cầu thép toàn cầu, với nền tăng trưởng âm trong năm 2020 và hàng loạt chính sách kích cầu hạ tầng trong năm 2021, cũng như hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam.

Cơ hội mở ra từ việc thực thi các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA được kỳ vọng thúc đẩy ngành thép sản xuất và xuất khẩu.

Đối với CPTPP, việc gỡ bỏ loạt thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia có lợi thế như Australia.

Trong khi đó, EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 sẽ giúp ngành thép rộng đường xuất khẩu sang thị trường EU.

Giá thép chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Theo thông tin từ VSA, trong 3 năm trở lại đây, giá các loại nguyên liệu sản xuất thép là quặng sắt và thép phế liệu có diễn biến tăng cao.

Trong đó, tháng 12/2020, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tăng đột biến trên thị trường toàn cầu và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tăng.

Diễn biến giá quặng sắt và HRC (Đơn vị: USD/tấn). Nguồn Bloomberg.

Diễn biến giá quặng sắt và HRC (Đơn vị: USD/tấn). Nguồn Bloomberg.

Giá quặng sắt nhập khẩu và giá thép phế liệu nhập khẩu để sản xuất các mặt hàng sắt thép thành phẩm tăng trên 30% so với đầu năm 2020. Các loại nguyên liệu sản xuất thép có giá cao đã dẫn đến giá HRC liên tục tăng từ tháng 8/2020 và đạt đỉnh vào cuối năm 2020 ở mức trên 700 USD/tấn.

VNDIRECT dự báo, năm 2021, giá quặng sắt bình quân sẽ giảm xuống quanh 85 USD/tấn (tương đương giảm 10,5%), giá than cốc và thép phế liệu bình quân tăng lên 135 USD/tấn (tương đương tăng 12,5%) và 280 USD/tấn (tương đương tăng 3%), biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép xây dựng tăng 1 - 1,5 điểm phần trăm.

Công ty Chứng khoán Vietcombank cho biết, trong quý I/2021, trước nhu cầu thép tại Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu và Mỹ được kỳ vọng tiếp tục ở mức cao nhờ hoạt động đầu tư phát triển từ chính phủ và nhu cầu bất động sản tăng nhờ duy trì lãi suất thấp, giá bán các sản phẩm thép tại các kỳ hạn hợp đồng tương lai vẫn chưa có tín hiệu hạ nhiệt.

SSI cho rằng, giá các nguyên liệu chính để sản xuất thành phẩm như quặng sắt, phế liệu và HRC hiện cao hơn từ 40 - 90% so với đầu năm 2020, trong đó mức tăng từ 30 - 35% diễn ra ở hai tháng cuối năm ngoái.

Do các công ty sản xuất có thể sử dụng hàng tồn kho hiện có trong khoảng thời gian từ 2 - 4 tháng, chi phí nguyên liệu cao sẽ được phản ánh nhiều hơn vào đầu năm 2021, điều này gây áp lực lên các công ty thép, nhất là công ty nhỏ, thị phần thấp.

Theo một số công ty chứng khoán, ngành thép có triển vọng sáng, nhưng rủi ro của nhiều doanh nghiệp ngành này là biến động giá nguyên liệu đầu vào, khả năng dư cung và áp lực cạnh tranh lớn đến từ HPG. Các rủi ro khác như ngành xây dựng trong nước vẫn chịu nhiều tác động tiêu cực, rủi ro về tỷ giá, rủi ro bảo hộ thương mại tại các quốc gia xuất khẩu, rủi ro áp thuế nhập khẩu thép HRC...

Tin bài liên quan