Tính đến phiên giao dịch ngày 27/6, chỉ số MSCI các thị trường mới nổi đã giảm khoảng 17% trong năm nay, mức lao dốc mạnh thứ hai trong giai đoạn dữ liệu kéo dài từ năm 1993. Chỉ số này từng giảm hơn 20% trong 6 tháng đầu năm 1998 khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra.
Các mức giảm mạnh nhất của chỉ số MSCI thị trường mới nổi trong mỗi 6 tháng. |
Một lần nữa, nhiều rủi ro đang lơ lửng trên các tài sản của các quốc gia đang phát triển. Có những lo ngại rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát của Mỹ có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái, gieo rắc sự u ám ở các thị trường mới nổi. Nga gần đây đã vỡ nợ bằng ngoại tệ lần đầu tiên trong một thế kỷ và Trung Quốc vẫn đang lùi lại việc dỡ bỏ các quy định nghiêm ngặt để kiểm soát Covid-19.
“Rõ ràng, lãi suất cao hơn của Mỹ, sức mạnh của đồng đô la Mỹ, giá nhiên liệu và thực phẩm cao là một liều thuốc độc hại cho các bộ phận nghèo và sử dụng nhiều nợ của các quốc gia đang phát triển, mặc dù phần lớn rủi ro đó đã được tiêu hóa ở các thị trường bị ảnh hưởng”, Hasnain Malik, chiến lược gia tại Tellimer cho biết.
Chỉ số MSCI các thị trường mới nổi đã sụt giảm mạnh trong 4 quý qua và là chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2008 và P/E hiện giao dịch ở mức khoảng 11,9 và là mức định giá thấp nhất kể từ thời điểm bắt đầu đại dịch vào tháng 3/2020.
Marija Veitmane, chiến lược gia cấp cao tại State Street Global Markets cho biết, bất chấp những mức định giá rẻ hơn đó, những sóng gió vẫn tồn tại. “Các điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt, điều này rút hết thanh khoản khỏi các thị trường tài chính và khiến các nhà đầu tư ít có khả năng cố gắng tìm kiếm món hời ở các thị trường mới nổi đầy rủi ro”.
State Street cũng lo ngại về triển vọng thu nhập của công ty ở các nước đang phát triển trước nguy cơ suy thoái do các đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương.
Leonardo Pellandini, chiến lược gia cổ phiếu tại Bank Julius Baer cho biết: “Chúng tôi tiếp tục nhận thấy một môi trường khó khăn đối với cổ phiếu của các thị trường mới nổi trong nửa cuối năm và do đó chúng tôi sẽ đề xuất mức độ chọn lọc cao hơn khi đầu tư vào các thị trường này”.
Trong khi đó, JPMorgan lại có quan điểm lạc quan hơn. Chiến lược gia Marko Kolanovic kỳ vọng thị trường chứng khoán mới nổi sẽ hoạt động tốt hơn các thị trường chứng khoán các quốc gia phát triển trong nửa cuối năm, với dự báo chỉ số MSCI các thị trường mới nổi sẽ có mức tăng 20% từ mức hiện tại vào cuối năm.