Những mối lo lắng lớn nhất của giới đầu tư về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dường như đều chỉ là đồn đại.

Những mối lo lắng lớn nhất của giới đầu tư về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dường như đều chỉ là đồn đại.

Có thật nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc?

(ĐTCK) Trong bối cảnh những xung đột thương mại với Mỹ gia tăng, nền kinh tế Trung Quốc thu hút được sự chú ý nhiều hơn nữa đối với các thành viên thị trường trên toàn cầu, trong đó, vấn đề tăng trưởng kinh tế giảm tốc trở thành mối lo ngại hiện hữu. Tuy nhiên, có thật nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc?

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2007, ở mức 14,2% và theo xu hướng giảm kể từ đó tới nay. Tới năm 2017, con số này chỉ còn 6,8%.

Việc tốc độ tăng trưởng chậm lại là khá rõ ràng, nhưng vấn đề là cần làm sáng tỏ hơn nữa hiện trạng của nền kinh tế thông qua một số dấu hiệu vẫn đang bị hiểu nhầm gần đây.

Một trong các biểu hiện chứng tỏ sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc có vấn đề thường được đưa ra là việc thị trường chứng khoán lao dốc, giảm gần 20% giá trị kể từ đầu năm tới nay.

Không ít ý kiến cho rằng, đây là biểu hiện của việc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại và các vấn đề nội bộ khác.

Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn từng đăng bài viết ngày 4/8 với nội dung cho rằng, chứng khoán Trung Quốc đi xuống biểu thị nước Mỹ đang thắng thế trong cuộc chiến thương mại với Đại lục.

Tuy nhiên, thực tế là, không giống như thị trường Mỹ, thị trường chứng khoán Trung Quốc không có nhiều mối gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế thực.

Nếu như tại Mỹ, châu Âu và các nền kinh tế phát triển khác, việc phát hành cổ phiếu, lên sàn chứng khoán là nhằm huy động vốn, thì tại Trung Quốc, các doanh nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào nguồn vốn vay ngân hàng.

Hơn ¾ các hoạt động đầu tư tại Trung Quốc có dòng tiền từ vay ngân hàng, so với chưa tới 20% tại Mỹ, theo ước tính của McKinsey Global Institute. Do đó, thị trường chứng khoán đang hoạt động tại vùng ngoại biên đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Chưa kể, ước tính, 80% khối lượng giao dịch cổ phiếu tại Sàn Giao dịch chứng khoán Thượng Hải được thực hiện bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong khi đó, tại Mỹ, hơn 90% giao dịch chứng khoán do nhà đầu tư tổ chức thực hiện.

Kết quả là, tính bất ổn của thị trường chứng khoán Mỹ có liên hệ trực tiếp tới diễn biến của nền kinh tế thông qua các nhà đầu tư tổ chức, trong khi tại Trung Quốc thì ngược lại.

Theo số liệu thống kê bởi CGTN, trong giai đoạn 1995 - 2014, không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa tăng trưởng GDP và diễn biến thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Dấu hiệu thứ hai là việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, dẫn tới đồng nhân dân tệ giảm giá trị. Cụ thể, nhân dân tệ đã giảm giá khoảng 8% kể từ ngày 11/4/2018 cho tới đầu tháng 8/2018. Ngày 11/4 được lựa chọn bởi đây được coi là mức đỉnh gần nhất trong diễn biến tỷ giá giữa nhân dân tệ so với USD.

Tuy nhiên, thực tế là không chỉ nhân dân tệ, rất nhiều đồng tiền khác đều giảm giá so với USD. Vẫn lấy dấu mốc là ngày 11/4 cho tới ngày 1/8, euro đã giảm giá khoảng 6,6% so với USD, yên Nhật giảm 6,3% và đồng rupee của Ấn Độ giảm 7,5%. Với các con số này, việc nhân dân tệ giảm giá 8% đã không còn “to tát” như nhiều người vẫn nghĩ.

Theo số liệu từ Haver Analytics, đa phần các đồng tiền trên toàn cầu đều giảm giá so với USD bởi USD đã tăng giá nhờ động lực là nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu tích cực và mối lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Cuối cùng, điều khiến nhiều người lo lắng nhất là khối nợ khổng lồ mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang sở hữu. Khối nợ này đã không ngừng gia tăng kể từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu cho tới nay.

Hiện tại, tỷ lệ nợ tính theo phần trăm GDP của Đại lục đang nằm trong nhóm cao nhất thế giới, dẫn tới rủi ro sẽ xảy ra khủng hoảng trong tương lai. Về vấn đề này, không ít chuyên gia cho rằng, vấn đề đã bị thổi phồng.

Theo đó, hầu hết các khoản nợ của Trung Quốc đều gói gọn trong thị trường nội địa, khi các doanh nghiệp nhà nước vay nợ tại ngân hàng cổ phần nhà nước.

Nói cách khác, Chính phủ Trung Quốc đang tự tung hứng và kiểm soát khối nợ này, trong bối cảnh quỹ dự trữ quốc gia vẫn rất dồi dào, khác với tình cảnh của nhiều quốc gia đang có khủng hoảng nợ khác, mà Hy Lạp là ví dụ.

Những mối lo lắng lớn nhất của giới đầu tư về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dường như đều chỉ là đồn đại. Vậy nên, các thành viên thị trường có thể phần nào vững tin hơn vào sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong thời gian tới.

Tin bài liên quan