Cơn “bĩ cực” của Ả Rập Xê út

Cơn “bĩ cực” của Ả Rập Xê út

(ĐTCK) Ả Rập Xê út đã đánh mất thị phần tại hơn một nửa số quốc gia quan trọng nhất mà nước này từng xuất khẩu dầu mỏ trong vòng 3 năm qua, ngay cả khi Riyadh đã tăng sản lượng “vàng đen” lên các mức kỷ lục.

Cụ thể, theo số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Công ty Tư vấn năng lượng FGE, Ả Rập Xê út đã để mất thị phần tại 9/15 thị trường xuất khẩu hàng đầu trong giai đoạn năm 2013-2015, trong đó có Trung Quốc, Nam Phi và Mỹ.

Kể từ cuối năm 2014, Ả Rập Xê út luôn duy trì quan điểm sẵn sàng hy sinh doanh thu dầu mỏ trong ngắn hạn để duy trì thị phần trước đối thủ, đặc biệt là các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Tuy nhiên, dữ liệu của FGE cho thấy, thị phần của Ả Rập Xê út trong tổng nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc đã giảm từ mức trên 19% trong năm 2013 xuống còn 15% năm 2015, do nguồn cung từ Nga sang Trung Quốc tăng.

Bên cạnh đó, thị phần tại Nam Phi cũng giảm mạnh trong giai đoạn này, từ mức 53% xuống chỉ còn 22%, do Nigeria và Angola gia tăng xuất khẩu dầu mỏ.

Cuộc cách mạng dầu đá phiến bùng nổ tại Mỹ khiến quốc gia này giảm mua dầu thô từ nước ngoài. Xuất khẩu dầu mỏ của Arập Xêút sang nền kinh tế lớn nhất thế giới theo đó giảm tương ứng từ 17% xuống 14%.

Cơn “bĩ cực” của Ả Rập Xê út ảnh 1

 Biểu đồ tương quan giữa sản lượng dầu mỏ của Ả Rập Xê út với giá dầu giai đoạn 2003-2016

Ả Rập Xê út từng đặt mục tiêu duy trì thị trường dầu thô bất chấp sự sụt giảm mạnh của giá dầu. Tuy nhiên, chiến lược này của nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới lại đang cho thấy những bước thụt lùi đáng lo ngại ngay tại những khách hàng trọng yếu nhất, mặc dù một nghiên cứu độc lập trước đó từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, Ả Rập Xê út tăng được một chút thị phần của mình trên thị trường toàn cầu năm 2015 so với năm 2014.

Nhà phân tích tại Citigroup, Ed Morse cho rằng, Ả Rập Xê út gặp khó khăn rất lớn để bán dầu thô trong bối cảnh hiện nay. Thị trường vốn đã rất “chật chội”, trong khi các đối thủ của Riyadh như Nga và Irắc cũng rất tích cực và sẵn sàng “chen chân” vào các đối tác truyền thống của Ả Rập Xê út.

Tháng trước, Ả Rập Xê út đã phát đi tín hiệu về sự điều chỉnh chiến lược thị phần thông qua thỏa thuận đạt được với Nga và một số nhà sản xuất khác, nhằm giữ nguyên trần sản lượng ở mức tháng 1/2016. Thỏa thuận này một phần phản ánh những tác động tiêu cực của giá dầu thấp tới các nền kinh tế xuất khẩu “vàng đen”, trong đó có Ả Rập Xê út.

Năm 2015, Ả Rập Xê út đã xuất khẩu 8,1% nhu cầu dầu mỏ toàn cầu (không tính nhu cầu của chính nước này), tăng nhẹ so với mức 7,9% của năm 2014. Quốc gia này hiện tập trung mạnh vào thị trường châu Âu, thông qua ký kết các thỏa thuận cung cấp dầu thô cho các khách hàng truyền thống của Nga như Preem (hãng lọc dầu Thụy Điển), PKN Orlen và Lotos (Ba Lan).

Một số phân tích khác thì nhìn nhận, Ả Rập Xê út đang chơi một cuộc chơi dài hạn, bằng cách mua vào thêm cổ phần của các nhà máy lọc dầu ở nước ngoài để kiểm soát thêm thị phần dầu thô. Tờ Thời báo Tài chính của Anh cho rằng, Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Saudi Aramco của Ả Rập Xê út đang “để mắt” tới các cơ sở dầu mỏ tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Tham vọng này cũng cho thấy, Saudi Aramco đang tìm kiếm thêm mô hình kinh doanh cân bằng hơn, nhất là khi cuộc chiến giành thị phần của Ả Rập Xê út có thể còn kéo dài và khó khăn hơn trong thời gian tới.

Tin bài liên quan