Con đường phục hồi kinh tế gặp thách thức không nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
Nền kinh tế đang phục hồi tích cực, song tiến trình này hiện chịu những thách thức không nhỏ.
Nếu biết cách tận dụng và khai thác các cơ hội, thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa. Ảnh: Đ.T

Nếu biết cách tận dụng và khai thác các cơ hội, thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa. Ảnh: Đ.T

“Cửa sáng” cho nền kinh tế

Các nhận định và dự báo gần đây của các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế về kinh tế Việt Nam đều nhắc đến những cụm từ như “xu hướng phục hồi”, “trên đà khởi sắc”. Cũng khẳng định điều này, song ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẫn muốn “kiểm định” lại bằng thực tế hoạt động từ doanh nghiệp.

Và câu hỏi của ông Hiếu đã được ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH VietGo trả lời. “Với kinh nghiệm làm xúc tiến xuất khẩu 17 năm nay, tôi có thể khẳng định, nhiều ngành kinh tế của chúng ta đang có dư địa phát triển”, ông Việt nói.

Tất nhiên, lĩnh vực đầu tiên chính là xuất khẩu. Và cơ hội không chỉ đến từ 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký, mà còn đến từ chính những biến động khó lường của địa chính trị toàn cầu.

“Đây là câu chuyện trong nguy có cơ. Trước đây, khi dịch Ebola bùng phát ở châu Phi khiến nhiều quốc gia Trung Đông không muốn nhập khẩu than từ đây, thì Việt Nam có cơ hội xuất khẩu than, với mức giá tăng 50%. Bây giờ, khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, chúng ta cũng có cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng với giá cao hơn”, ông Việt nói và nhắc đến các lĩnh vực mà Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để tăng cường xuất khẩu, như gỗ, viên nén dăm gỗ...

Nhấn mạnh những cơ hội mà Việt Nam có thể có được từ các FTA, cũng như từ vị trí thuận lợi trên tuyến đường hàng hải quốc tế, ông Việt cho rằng, nếu biết cách tận dụng và khai thác, thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa. Xuất khẩu tăng sẽ hỗ trợ cho nguồn thu ngoại tệ, dự trữ ngoại hối và cả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

“Như vậy là nhận định của chúng ta về cơ hội phục hồi của nền kinh tế đã được kiểm chứng”, ông Hiếu nói sau khi nghe câu trả lời của ông Việt.

Thực tế, thời gian gần đây, nhiều tổ chức quốc tế có đánh giá khá tích cực về kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - cơ quan lâu nay rất “tiết kiệm” những đánh giá lạc quan, cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023…

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã nhắc đến một kịch bản tích cực là GDP sẽ tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay và 6,5-7% năm 2023. Kịch bản này cao hơn hẳn so với các kịch bản cơ sở và tiêu cực, với mức tăng trưởng tương ứng là 5,5-6% và 4,5-5%.

Điều đáng nói là, các cơ hội không chỉ đến từ các động lực tăng trưởng cũ, như nhờ vào vốn, vào sự thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, vào sự phục hồi của khu vực dịch vụ, du lịch, hay tăng trưởng xuất khẩu..., mà theo GS-TS. Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế số đang trở thành động lực tăng trưởng quan trọng nhất. “Kinh tế số sẽ giúp Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới”, GS-TS. Trần Thọ Đạt nói.

Con đường gập ghềnh, khó đi

Dù cơ hội là có thật và những dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam là có cơ sở, song ông Phan Đức Hiếu cũng thừa nhận “dự báo chỉ là dự báo”. “Vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn, như lạm phát, tác động của xung đột địa chính trị toàn cầu... Hơn nữa, những dự báo tăng trưởng dù đều lạc quan, song vẫn phải có ‘điều kiện’ và phụ thuộc lớn vào hành động của chúng ta”, ông Hiếu nói.

Các điều kiện này trên thực tế đã được TS. Cấn Văn Lực nhắc tới. “Các biến số trong các kịch bản kinh tế của chúng tôi sẽ phụ thuộc vào mức độ thực hiện Chương trình phòng, chống dịch; Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023; và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ chiến sự Nga - Ukraine”, ông Lực nhấn mạnh.

Ông Lực bày tỏ quan điểm rằng, xung đột địa chính trị toàn cầu, xu hướng lạm phát tăng cao đang khiến con đường phục hồi kinh tế của không chỉ Việt Nam, mà cả kinh tế toàn cầu trở nên “gập ghềnh” hơn.

Lạm phát của Việt Nam trong năm nay, theo dự báo của IMF, sẽ vào khoảng 3,9%. Con số 3,8% được nhóm nghiên cứu của ông Cấn Văn Lực đưa ra. Còn ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, con số có thể tới 4-4,5%, thậm chí năm 2023 có thể tăng lên 5-5,5%.

Nền tảng quan trọng cho sự phục hồi kinh tế Việt Nam chính là sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Khi rủi ro vĩ mô xuất hiện, rất có thể, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ bị cản trở. Theo ông Francois Painchaud, Việt Nam cũng nên quan tâm đến các vấn đề trên thị trường tài chính, những diễn biến trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp...

Thêm vào đó, ông Francois Painchaud cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phục hồi, song sự phục hồi diễn ra không đồng đều và đang có một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng.

Ngay cả TS. Cấn Văn Lực cũng không hẳn yên tâm với những đánh giá lạc quan của ông Việt về khả năng tăng tốc của thương mại hàng hóa của Việt Nam. “Trong tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hiện tại mà chúng ta đạt được thì phân nửa là do giá tăng, trong khi điều quan trọng nhất là lượng cũng phải tăng”, ông Lực nói.

Và hơn hết, câu chuyện trong hiện thời chính là Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đang thực hiện. Ông Hiếu nói rằng, để Chương trình thực sự là “phao cứu sinh” cho nền kinh tế, thì phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp. Hơn nữa, cũng cần thực hiện hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực, đồng thời cần cả sự công khai, minh bạch.

Đấy chính là yếu tố “điều kiện” cho sự phục hồi kinh tế, mà các chuyên gia đã đề cập.

Liên quan đến Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội , Ủy ban Kinh tế khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ mới đây đã nhấn mạnh rằng, cần đẩy nhanh tiến trình thực thi. Hiện tại, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình còn chậm.

Tin bài liên quan