“Cơn lốc” tăng lãi suất: Sẽ đi về đâu?

“Cơn lốc” tăng lãi suất: Sẽ đi về đâu?

(ĐTCK-online) Khó khăn khi cung tiền đồng trở nên khan hiếm, trong những ngày đầu năm Mậu Tý, nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm VND. Lãi suất tiết kiệm trong vòng nửa tháng trở lại đây đã tăng lên khoảng 3%/năm so với trước Tết Nguyên đán ở các kỳ hạn ngắn; trong đó, một số ngân hàng TMCP quy mô vừa và nhỏ đã nhanh chóng đẩy lãi suất huy động lên mức khá cao.

Cụ thể, VietA Bank tăng lãi suất lên 13,92%/năm với kỳ hạn 1 - 3 tháng; SeABank điều chỉnh lãi suất huy động vốn 1 tháng lên 12%/năm; ABBANK, SCB và nhiều ngân hàng khác cũng thực hiện chính sách lãi suất tương tự, với mục đích hút được nguồn tiền nhàn rỗi, đảm bảo tính thanh khoản vốn.

Trước sức nóng của lãi suất trong những ngày vừa qua, nhiều khách hàng đã ồ ạt rút tiền từ những ngân hàng quy mô lớn, lãi suất thấp để đem gửi ở các ngân hàng quy mô nhỏ với lãi suất hấp dẫn. Chính điều này làm nhiều ngân hàng quy mô lớn, nhưng lãi suất huy động không mấy hấp dẫn đang phải đau đầu với bài toán cân đối cung - cầu vốn trong những ngày qua. Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết, nguồn vốn khả dụng của Ngân hàng hiện vẫn dồi dào. Vả lại, việc tăng lãi suất quá nhanh đồng nghĩa với chi phí đầu vào liên tục được đội lên, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc phải điều chỉnh lên 11% và các ngân hàng đang chuẩn bị cho đợt mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu NHNN bắt buộc. Do đó, ACB không thể tăng lãi suất lên cao như một số ngân hàng hiện nay.

Lãi suất huy động tiền đồng không vượt 12%/năm

Ngày 26/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã có công điện số 02 yêu cầu các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động tiền đồng ở mức hợp lý, phù hợp với nguyên tắc không để lãi suất âm nhưng không vượt quá 12%/năm.

 

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước tích cực tham gia nghiệp vụ thị trường mở và các kênh tái cấp vốn khác để đảm bảo khả năng thanh toán, hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất tối đa bằng lãi suất nghiệp vụ thị trường mở tại phiên giao dịch gần nhất cộng 1%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang có biện pháp hỗ trợ vốn thanh toán cho các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ để đảm bảo hoạt động ngân hàng và nền kinh tế ổn định, phát triển.

Thuỷ Nguyễn

Thế nhưng, trước "cơn lốc" của lãi suất hiện nay, nguồn vốn tiết kiệm của người tiêu dùng bắt đầu chuyển hướng sang những ngân hàng có lãi suất cao. Vì vậy, DongA Bank không thể đứng yên nhìn khách hàng ra đi, nên cũng nhanh chóng điều chỉnh lãi suất tiền gửi. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm 2008, DongA Bank điều chỉnh lãi suất huy động tiền tiết kiệm, với mức tăng trung bình là 0,20% so với các mức lãi suất cũ.

Để hạn chế tình trạng khách hàng rút tiền chuyển sang các ngân hàng khác, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, việc điều chỉnh lãi suất huy động vốn trong thời gian tới phụ thuộc vào tình hình và diễn biến của thị trường. Vì nếu không thận trọng trong cuộc đua lãi suất, khó khăn sẽ chồng chất lên các ngân hàng. Thực tế, điều này đang xảy ra ở một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, do điều chỉnh lãi suất lên quá cao trong thời gian gần đây, với mức trên 12%/năm ở các kỳ hạn từ 1 - 3 tháng.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP tại TP. HCM thừa nhận, trước bối cảnh thị trường khan hiếm tiền đồng và lạm phát ngày một gia tăng, việc điều chỉnh lãi suất của ngân hàng là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, xét về cán cân cung - cầu vốn trên thị trường hiện nay, nếu các ngân hàng không thận trọng đối với cuộc đua điều chỉnh lãi suất, sẽ gặp phải khó khăn khi nguồn vốn chảy vào nhiều nhưng đầu ra đang bị hạn chế. Vả lại, lãi suất đầu vào tăng, ngân hàng buộc phải điều chỉnh lãi suất cho vay để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận, sẽ vô tình cắt bớt thị phần khách hàng đến vay vốn do lãi suất quá cao. Chẳng hạn, với mức điều chỉnh lãi suất đầu vào ở một ngân hàng TMCP hiện nay là 13,92%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, tức lãi suất 1,16%/tháng, nếu huy động 100 triệu đồng, ngân hàng phải trả lãi cho khách hàng là 1.160.000 đồng/tháng. Trong khi đó, với tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên 11% cộng với việc mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc hiện nay, đồng nghĩa với việc các ngân hàng chỉ cho vay ra khoảng 85 triệu đồng khi huy động được 100 triệu đồng.

Với mức lãi suất vốn đầu ra trung và dài hạn hiện nay, các ngân hàng đã điều chỉnh lên mức bình quân 17%/năm, cho vay 85 triệu đồng ở kỳ hạn 1 năm, ngân hàng thu về được 1.445.000 đồng/tháng tiền lãi. Như vậy, nếu lấy tiền lãi thu về trừ đi lãi huy động vốn, các ngân hàng chỉ thu được khoảng 285.000 đồng, rất khó để chi phí cho việc trả lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng cũng như các chi phí phát sinh khác.

Theo vị phó tổng giám đốc trên, tình hình lãi suất đầu ra được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng cao gần đây đã buộc nhiều khách hàng, nhất là những nhà sản xuất, kinh doanh phải tính lại bài toán có nên vay vốn ngân hàng để triển khai kế hoạch mới. Hậu quả, nguồn vốn huy động về nhiều của các ngân hàng sẽ bị "ế". Hiện lãi suất vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm nhiệt, xuống gần ngưỡng 12%/năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước tình hình khó khăn của các ngân hàng TMCP trong việc điều chỉnh cán cân cung - cầu vốn hiện nay, NHNN đang xem xét lại việc điều chỉnh giãn thời gian cho các ngân hàng thực hiện việc mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc. Tuy nhiên, qua trao đổi với ĐTCK, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM thừa nhận, đã có kiến nghị với NHNN về việc này, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời cuối cùng. Theo ông Hạnh, việc mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu NHNN lần này là bắt buộc nên khó có thể xảy ra trường hợp không thực hiện, mà chỉ hy vọng vào việc NHNN điều chỉnh giãn thời gian cho các ngân hàng có sự chuẩn bị tốt hơn nguồn tiền. Cũng theo ông Hạnh, NHNN đang từng bước thực hiện các biện pháp điều hành theo hướng đảm bảo được lãi suất thực dương và kiềm chế được lạm phát. Hiện lãi suất vẫn do các ngân hàng tự quyết định, nhưng nếu quá lạm dụng vấn đề tự do hóa lãi suất và điều chỉnh quá cao, các ngân hàng sẽ không thu hút được khách hàng vay vốn.

Thùy Vinh

>>Siêu lãi suất