Ông Trần Phú Sơn.

Ông Trần Phú Sơn.

Công bố thông tin: Yêu cầu tăng tính minh bạch và chủ động

(ĐTCK) Ông Trần Phú Sơn hiện là Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Ông là Thạc sỹ chuyên ngành kế toán tại Trường đại học Monash, Australia; thành viên của Hiệp hội Kế toán viên Công chứng Australia (CPA Australia) và đồng thời là thành viên của Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA).

Các cơ quan quản lý nhà nước đang tích cực nỗ lực hoàn thiện các quy định pháp lý để đảm bảo cho TTCK non trẻ của Việt Nam hoạt động có hiệu quả và lành mạnh. Các nỗ lực này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là vấn đề minh bạch thông tin tài chính của DN. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, việc lập, nộp và công khai BCTC của các công ty đại chúng ở nước ta hiện còn tồn tại một số bất cập.

Trước hết, cho tới thời điểm hiện nay, các "thông tin đầu vào" của TTCK, như thông tin trong cáo bạch của các công ty niêm yết chưa hoàn toàn được kiểm chứng độc lập. Theo thông lệ quốc tế, các công ty tiến hành IPO hoặc niêm yết lần đầu tiên trên sàn chứng khoán có trách nhiệm phải cung cấp các báo cáo thẩm định của kiểm toán viên độc lập (accountant's report) đối với các thông tin công bố trên bản cáo bạch của mình, để đảm bảo các thông tin NĐT được tiếp cận lần đầu là thông tin trung thực, đầy đủ và hợp lý. Tuy nhiên, ở Việt Nam đây chưa phải là một quy định bắt buộc và cũng không mấy DN tự nguyện "đầu tư" vào việc này, dẫn đến tình trạng có những báo cáo đã thiếu sót, sai lệch ngay từ đầu.

Thứ hai, nhiều công ty niêm yết chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu công bố thông tin. Thị trường đòi hỏi DN niêm yết lập và công bố thông tin một cách minh bạch, chính xác, trung thực, đầy đủ và kịp thời. Công bố thông tin không đáp ứng được một trong các tiêu chí này có thể làm cho NĐT bị thiệt hại vì đưa ra những quyết định không chính xác và làm cho các cơ quan quản lý thị trường bị động trong việc đưa ra các quyết định về theo dõi, giám sát.

Ví dụ về tính "trung thực" của báo cáo: một số công ty niêm yết đến hết tháng 11/2008 vẫn công bố lãi và hoàn thành kế hoạch, nhưng khi ra báo cáo quý IV thì lại lỗ trong cả quý. Điều này đã gây "sốc" cho các NĐT và cơ quan quản lý. Loại trừ những tác động của khủng hoảng tài chính, nếu việc "dồn lỗ" có tính toán của DN niêm yết là có thực, thì NĐT đã bị thua thiệt rất lớn bởi nhận định sai lệch về triển vọng tài chính của công ty trong một thời gian dài.

Trong trường hợp không phải đó là sự tính toán của DN mà do sự sụt giảm mạnh của TTCK, giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa biến động thất thường, sức cầu thị trường trượt dốc, đồng Việt Nam giảm giá..., dẫn đến thua lỗ lớn cho các DN, thì các công ty cũng cần rút ra bài học là cần trích lập đầy đủ dự phòng cho các tổn thất đã nêu trong các báo cáo quý đã công bố trước đó, hạn chế việc dồn các khoản dự phòng này vào cuối năm.

Về tính "chính xác" của thông tin: không ít DN công bố thông tin chưa chính xác và sau đó đính chính lại, gây ảnh hưởng lớn đến quyết định của công chúng đầu tư. Chẳng hạn, có công ty đã công bố nhầm số liệu BCTC, hoặc phải đính chính không ít lỗi số học trên các BCTC công bố.

Thứ ba, còn nhiều công ty niêm yết phải xin nộp muộn các BCTC, kể cả BCTC quý và năm, BCTC chưa kiểm toán và đã được kiểm toán. Cụ thể, có tới hơn 50 DN niêm yết xin chậm nộp BCTC năm 2008. Điều này cho thấy công tác xây dựng báo cáo ở các DN còn thiếu chủ động.

Thứ tư, còn nhiều DN niêm yết chưa công bố thông tin bất thường một cách đầy đủ và trách nhiệm. Có rất nhiều trường hợp DN niêm yết hoặc các cá nhân thuộc đối tượng công bố thông tin đã bị các cơ quan quản lý cảnh cáo do vi phạm quy chế công bố thông tin bất thường như về quyết định của ĐHCĐ, quyết định của hội đồng quản trị trong việc mua lại cổ phiếu quỹ, quyết định vay hoặc phát hành trái phiếu, giao dịch nội bộ...

Để giải quyết những tồn tại nêu trên,  nên thực hiện một số giải pháp sau:

- Bộ Tài chính và UBCK cần rà soát lại các quy định về kiểm toán, kế toán tài chính để tiếp tục hoàn thiện các quy định còn chưa được đầy đủ, nhất quán, mâu thuẫn với các quy định hiện hành khác và chưa thực sự phù hợp với thực tế cũng như thông lệ quốc tế;

- Cần có quy định khuyến khích và có thể tiến tới bắt buộc các công ty IPO hoặc niêm yết lần đầu phải có trách nhiệm nộp báo cáo thẩm định các BCTC và cáo bạch của công ty để đảm bảo "thông tin đầu vào sạch" cho thị trường;

- Nên bắt buộc các công ty niêm yết và các công ty đại chúng khi công bố BCTC năm đã kiểm toán phải đính kèm báo cáo kiểm toán của DN đã được công ty kiểm toán độc lập đủ tiêu chuẩn và điều kiện kiểm toán xác nhận;

- Theo quy định hiện hành, chỉ có BCTC năm là phải kiểm toán. Cần khuyến khích hoặc bắt buộc các DN công bố BCTC quý đã được kiểm toán hoặc soát xét bởi các kiểm toán viên. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khi mà các giá trị tài sản liên tục sụt giảm, điều này đặc biệt quan trọng để tạo niềm tin cho các NĐT. Ngoài ra, cũng cần yêu cầu nâng cao chất lượng công tác quản trị DN, kiểm toán nội bộ, trách nhiệm giải trình của các DN niêm yết, đồng thời nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát tài chính, báo cáo của các cơ quan quản lý; 

- Cần có chế tài xử phạt các công ty đại chúng và cá nhân về vi phạm công bố thông tin mạnh hơn nữa để hạn chế sự tiêu cực, không minh bạch trong việc công bố thông tin. Cơ quan quản lý nên bắt buộc đính kèm BCTC của các công ty con đối với trường hợp công ty mẹ phải lập BCTC hợp nhất.

Về phía các công ty niêm yết, nên coi trọng việc công bố thông tin minh bạch, chính xác, trung thực, đầy đủ và kịp thời không chỉ là trách nhiệm đối với NĐT mà là trách nhiệm đối với chính sự phát triển ổn định, bền vững của mình.

Để tạo thuận lợi cho việc công bố thông tin đạt các yêu cầu trên, chúng tôi khuyến nghị DN niêm yết và cả các công ty đại chúng nên đầu tư nhiều hơn cho bộ phận công bố thông tin để hình thành văn hóa quan hệ với NĐT. Các NĐT có thể dùng các phương tiện như: e-mail, điện thoại, fax... để tìm hiểu thông tin về DN, tránh mua - bán theo tin đồn. Đồng thời, các DN cần xây dựng và ban hành quy trình nội bộ về công bố thông tin để chuẩn hóa nghiệp vụ cũng như tăng cường chất lượng công bố thông tin.

Riêng đối với thông tin cần công bố định kỳ, các công ty niêm yết cần phải tăng cường công tác quản trị công ty, cụ thể là có kế hoạch phân bổ thời gian thực hiện hàng quý, hàng năm và nộp trước thời hạn quy định để cán bộ quản lý hồ sơ, cũng như các DN có thời gian kiểm tra, đối chiếu trước khi công bố thông tin cho các NĐT, đồng thời đáp ứng được thời hạn quy định.

Mặt khác, các công ty niêm yết cũng nên chủ động trong việc lập các BCTC theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), để NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài, có những thông tin chuẩn xác nhất và cũng để tạo thuận lợi cho DN thực hiện kế hoạch niêm yết ở các TTCK nước ngoài.

Hầu hết sàn giao dịch chứng khoán ở các nước đều yêu cầu các công ty phải công bố BCTC đã được kiểm toán và được soạn lập theo IFRS của 3 năm tài chính trước khi niêm yết. Mặc dù chuẩn mực kế toán Việt Nam rất gần với chuẩn mực kế toán quốc tế, nhưng vẫn còn một số điểm khác biệt quan trọng. Sự chênh lệch này có thể dẫn đến các số liệu BCTC theo chuẩn mực báo cáo quốc tế khác với số liệu độc lập theo chuẩn mực kế toán Việt Nam. Chúng tôi quan sát thấy đa số DN Việt Nam không soạn lập BCTC theo IFRS và nếu các công ty này có soạn lập BCTC theo IFRS thì không ít trường hợp lại không được kiểm toán viên đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần cho các BCTC đó.

Để chuyển đổi được BCTC theo IFRS, các công ty Việt Nam nên duy trì một hệ thống có thể lưu trữ và cung cấp được các thông tin cần thiết, bao gồm các dữ liệu quá khứ và tương lai, theo một phương thức giúp cho việc soạn lập được BCTC theo IFRS.  Các DN vừa và nhỏ của Việt Nam có thể mất ít nhất là 2 năm để hoàn thành quá trình chuẩn bị này. Các công ty lớn có cơ cấu kinh doanh và mô hình phức tạp, đặc biệt là các tổng công ty và các tập đoàn gồm nhiều công ty thành viên, có thể mất từ 3 năm trở lên để chuyển đổi qua hệ thống báo cáo theo IFRS. Do vậy, ban lãnh đạo công ty cần phải dự trù quỹ thời gian hợp lý và nguồn nhân lực giỏi để thực hiện việc chuyển đổi này và nên lập kế hoạch sớm để gắn kết nó với các chiến lược của DN như IPO, niêm yết tại các TTCK nước ngoài, chào bán cổ phần cho các đối tác chiến lược nước ngoài… Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, sau khi các công ty hoàn thành việc lập BCTC theo IFRS, BCTC có ý kiến kiểm toán loại trừ, sẽ có thể không được một số sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài hay các NĐT tiềm năng quốc tế chấp nhận.

NĐT nước ngoài là một trong những lực lượng quan trọng và nhạy cảm đối với sự phát triển của một TTCK mới nổi như Việt Nam. Là NĐT, hơn ai hết, họ cũng cần thông tin về hoạt động của DN qua các BCTC hoặc báo cáo thường niên định kỳ; song chưa nhiều công ty niêm yết trên TTCK quan tâm đến việc lập BCTC dành riêng cho NĐT nước ngoài. Trong khi đó, nhu cầu về BCTC song ngữ của NĐT nước ngoài có tổ chức là rất lớn.

Các công ty kiểm toán: cần vô cùng cẩn trọng và khách quan khi tiến hành kiểm toán các công ty niêm yết và đặc biệt là đối với các nội dung kiểm toán có tính rủi ro cao và khi phải đưa ra các đánh giá và ước tính nghề nghiệp mang tính chủ quan. Ngoài việc phải liên tục trau dồi, nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp, các công ty kiểm toán cũng cần chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, UBCK, VACPA, nhằm trao đổi vướng mắc tác nghiệp và khuyến nghị, hướng dẫn nghiệp vụ kịp thời để đảm bảo chất lượng công việc kiểm toán và thông tin công bố.

Các NĐT: cũng nên quan tâm đến chất lượng các thông tin tài chính công bố, bình tĩnh xem xét đánh giá các thông tin này để có các ứng xử phù hợp. Ngoài ra, các NĐT cũng nên chủ động thực hiện quyền của mình trong việc yêu cầu cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời, và sử dụng lá phiếu của mình để lựa chọn và ủng hộ ban lãnh đạo có năng lực và cam kết thực hiện trách nhiệm này.

Để TTCK Việt Nam có thể phát triển bền vững trên nền tảng của sự minh bạch, các giải pháp trên cần được thực hiện một cách kịp thời và toàn diện, đặc biệt là sự chủ động từ phía các DN tham gia thị trường.