Công khai dự thảo thông tư về nới room trong tuần tới

Công khai dự thảo thông tư về nới room trong tuần tới

(ĐTCK) Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) Nguyễn Thành Long cho biết, Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 60/2015 về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, sẽ được công bố lấy ý kiến các thành viên thị trường trong tuần tới.

“Trước khi dự thảo thông tư được công bố lấy ý kiến các thành viên thị trường, UBCK đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo theo chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Tài chính…”, ông Long nói tại cuộc Tọa đàm trực tuyến "Nới room: Đón nhận cơ hội và thách thức từ dòng vốn nước ngoài”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (7/8).

Liên quan tới tỷ lệ sở hữu nước ngoài, ông Long cho biết, dự thảo thông tư có các quy định nhằm hướng dẫn các thủ tục hành chính, chẳng hạn như việc lấy ý kiến đại hội đồng cổ đông về tỷ lệ sở hữu nước ngoài; hoặc tham vấn các cơ quan quản lý kinh doanh, các cơ quan quản lý chuyên ngành về tỷ lệ sở hữu nước ngoài…

Một vấn đề mà công luận đang quan tâm là khi cơ chế nới room có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây, nếu có lượng vốn ngoại lớn đổ vào thì có khiến TTCK tăng trưởng nóng, kéo theo nguy cơ gây ra bong bóng?

Theo ông Long, thực tế TTCK nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung đã đón nhận dòng tiền nước ngoài lớn từ năm 2007 sau khi tham gia WTO, điều này đã tạo áp lực nhất định trong điều hành chính sách vĩ mô. Tuy nhiên, trước khi đề xuất mở cửa TTCK, UBCK đã nghiên cứu và trình Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai Đề án lớn: Đề án phòng chống khủng hoảng và Đề án Quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

“Các Đề án trên đúc rút kinh nghiệm quốc tế để ứng xử với tiến trình tự do hóa tài khoản vốn, cụ thể là khơi thông dòng vốn nước ngoài, bao gồm cả đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp và tín dụng quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế…”, ông Long nói.

Cũng theo lãnh đạo UBCK, cho tới thời điểm hiện tại, quy trình và các giải pháp ứng xử chính sách đối với sự biến động của dòng vốn nước ngoài đều đã được nhận diện. Cụ thể như chúng ta đã thiết kế được hệ thống tổng hợp chính xác dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, từ đó có các giải pháp ứng xử kịp thời. Trong trường họp dòng vốn vào nhiều, thì các chính sách tiền tệ nhằm hấp thụ và trung hòa dòng vốn này cho tới thời điểm này đều phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, để tiếp tục cải thiện khả năng ứng phó với kịch bản dòng vốn ngoại đảo chiều, TTCK đang được thúc đẩy phát triển nhanh cả về chiều sâu và chiều rộng, với sự ra đời của TTCK phái sinh sắp tới, sẽ góp phần phân tán và phòng ngừa rủi ro. Cũng cần tiếp tục thúc đẩy sự phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức trong nước, để làm bệ đỡ trong trường hợp TTCK có nhiều biến động.

Tin bài liên quan