Công nghiệp 4.0: Công ty chứng khoán không đứng ngoài lề

Công nghiệp 4.0: Công ty chứng khoán không đứng ngoài lề

(ĐTCK) Cuộc chiến công nghệ đã và đang diễn ra khốc liệt trên nhiều mặt của xã hội. Bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải tìm biện pháp để sinh tồn trước làn sóng công nghệ 4.0 và chứng khoán không phải là ngoại lệ.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã gõ cửa

Cách mạng công nghiệp 4.0 xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013. Theo đó, công nghiệp 4.0 là kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong. Nó hướng tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người.

Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ có tác động to lớn về kinh tế, xã hội, môi trường tới từng quốc gia, khu vực, cũng như toàn cầu. Chính vì thế, Chỉ thị số 16/CT-TTg đã chính thức được ban hành ngày 4/5/2017 với nội dung tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, định hướng các cơ quan quản lý và doanh nghiệp hướng tới công nghiệp 4.0 trong hoạt động xây dựng kinh tế.

Trên thực tế, cuộc chiến của công nghệ đã và đang diễn ra khốc liệt trên nhiều mặt của xã hội. Tại Việt Nam, câu chuyện của Uber, Grab và taxi truyền thống đang là sự kiện kiện đình đám nhất bởi tác động quá mạnh của nó tới đời sống dân cư.

Một cuộc chiến không kém phần căng thẳng khác, nhưng người tiêu dùng khó nhận ra hơn, đó là tại mảng thương mại điện tử. Trên thế giới, thương mại điện tử đã và đang khiến cho hàng loạt các trung tâm thương mại trở nên vắng khách. Chẳng hạn, Amazon đã đánh gục các tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ Mỹ, đầu tiên là chuỗi hiệu sách Barnes & Nobles và Borders, tiếp theo đó là chuỗi siêu thị Whole Foods.

Trong khi đó, tại Việt Nam, thương mại điện tử đã tạo ra một cuộc chiến không khoan nhượng khi có rất nhiều thương hiệu phải ra đi, kể cả những tên tuổi đình đám được tài trợ mạnh bởi những nhà đầu tư nước ngoài như Zaloza. Những tên tuổi còn lại như Adayroi hay Tiki liệu có thể trụ nổi với sức cạnh tranh mạnh đến từ thương hiệu này?

Một điều đáng quan ngại là dù cách mạng công nghệ 4.0 đã gõ cửa, nhưng dường như các doanh nghiệp Việt vẫn đang tự hỏi: Nó là gì? Phó tổng giám đốc của FPT từng nói rằng, Việt Nam mới đang ở giai đoạn 1.5, tức là khoảng cách tới công nghệ 4.0 còn rất xa. Nhưng các doanh nghiệp cần hiểu rằng, khi công nghệ tràn vào thì thế trận cạnh tranh sẽ lập tức thay đổi.

Bởi vậy, lãnh đạo doanh nghiệp cần có cái nhìn xa và sớm nắm bắt vấn đề trước khi quá muộn. Bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải tìm biện pháp để sinh tồn trước làn sóng công nghệ 4.0 và chứng khoán không phải là ngoại lệ.

Cạnh tranh tại 3 mảng chính

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao ngành chứng khoán cần phải thay đổi khi chúng ta vẫn có sự tiến bộ và tăng trưởng? Bên cạnh đó, tại bảng xếp hạng nhiều năm nay, những cái tên dẫn đầu quen thuộc vẫn là SSI, HCM, VCBS, MBS, FPTS... Tại sao những doanh nghiệp thuộc Top 4, Top 5 không thể vượt qua được hai ông lớn là SSI và HCM?

Đây là câu hỏi mà các công ty chứng khoán cần phải trả lời, trong bối cảnh nếu không tích cực thay đổi, vươn lên, đồng nghĩa với chấp nhận thất bại. Thực tế, thị phần của các công ty chứng khoán hàng đầu hiện nay đến từ 3 công cụ chính: phần mềm, vốn vay margin và thông tin cung cấp cho nhà đầu tư.

Ba sản phầm chủ đạo này là 3 cuộc chiến khốc liệt của nhiều công ty chứng khoán. Đối với hệ thống phần mềm, không thể phủ nhận các công ty chứng khoán đều nhận thức rõ và đã đầu tư khá mạnh tay vào mảng này. Tuy nhiên, so với thế giới, doanh nghiệp Việt vẫn đang sử dụng những phần mềm ở dạng thô sơ nhất định, nhiều tính năng chưa thực sự được cập nhật vào tạo tiện ích cho người dùng.

Đối với mảng nghiên cứu, sau sự thành công của SSI, HCM, một số công ty chứng khoán đi sau bắt đầu mạnh tay đầu tư. Tuy nhiên, hiệu quả như thế nào, đánh giá ra sao thì dường như chưa có nhiều doanh nghiệp lưu tâm và có đánh giá thăm dò. Bởi thực tế, nhiều công ty chứng khoán không cần đầu tư quá mạnh cho bộ phận này vẫn lọt vào Top đầu về thị phần.

Công cụ thứ ba là cuộc chiến nóng nhất và mạo hiểm nhất của tất cả các công ty chứng khoán hàng đầu: margin. Tất cả đều hiểu rõ đây là sản phẩm đầy rủi ro nhưng sớm giúp nhiều công ty nhanh chóng có mặt vào Top đầu thị phần, mà điển hình là Công ty Chứng khoán KIS. Hẳn nhiên, có nhiều công ty chứng khoán chịu thiệt hại khi cổ phiếu của những doanh nghiệp có tiếng tăm như HNG, HAG, JVC… đều có giai đoạn giảm không phanh.

Hướng đi mới cần thiết

Cần phải nhớ rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất non trẻ và đang là thị trường cận biên, mục tiêu trong thời gian tới là được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Nếu điều này xảy ra, những yêu cầu, đòi hỏi từ thị trường, nhà đầu tư sẽ còn cao hơn nhiều. Đây chính là thời điểm mà lãnh đạo các công ty chứng khoán cần phải suy nghĩ, định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp trong quãng đường dài phía trước.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang tồn tại một số vấn đề. Thứ nhất, số lượng tài khoản được công bố tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) là 1,8 triệu tài khoản, chiếm gần 2% dân số. Nhưng nếu trừ đi số người mở nhiều tài khoản hoặc lượng lớn tài khoản “ma” thì có lẽ con số đang hoạt động thực sự chỉ bằng 1/3 hoặc 1/2 số lượng trên, chưa bằng 1% dân số. Đây là tỷ trọng quá thấp so với các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt với thị trường phát triển.

Như vậy, tiềm năng của thị trường còn rất lớn, nhưng không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận và nghiên cứu chứng khoán như những nhà đầu tư chuyên nghệp. Một trong các lý do đó là nguồn vốn đầu tư ít, khó tìm kiếm được người tư vấn, không dễ mở tài khoản khi đa phần các tài khoản giao dịch hiện nay đều tập trung ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM…

Trong hoàn cảnh này, công ty chứng khoán nào có thể tận dụng sức mạnh từ công nghệ, chẳng hạn mở tài khoản từ xa, hoàn tất bằng công nghệ quét hình thay cho chữ ký hiện nay, sẽ chiếm ưu thế lớn.

Thứ hai là tình trạng cạnh tranh kém lành mạnh giữa các công ty chứng khoán, nhất là trong việc sử dụng “ké” các sản phẩm nghiên cứu, báo cáo phân tích của công ty khác khi tư vấn cho khách hàng. Hành động này sẽ sớm phải thay đổi, bởi việc tiếp cận các tư liệu này sẽ không còn dễ dàng. Khi đó, các công ty chứng khoán có sự đầu tư bài bản cho bộ phận nghiên cứu sẽ gặt được thành quả.

Thứ ba, đối với margin, khi mà hàng ngũ những công ty chứng khoán có vốn 1.000 tỷ đồng ngày càng nhiều thì sức cạnh tranh của sản phẩm này sẽ không còn quá lớn. Tại Trung Quốc, đây không phải là sản phẩm chủ đạo và đã hết sức mạnh từ rất lâu.

Theo đó, để đi tới một thị trường chứng khoán phát triển, nghiệp vụ môi giới sẽ phải đi qua 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Môi giới coi mình là trung tâm, mô hình ngồi chờ khách.

Giai đoạn 2: Lấy khách hàng làm trung tâm, gia tăng sức cạnh tranh cốt lõi là dịch vụ bán hàng. Mô hình chủ động đi tìm khách hàng.

Giai đoạn 3: Giai đoạn mở đường + bán hàng + gia tăng giá trị dịch vụ.

Giai đoạn 4: Giai đoạn mở đường + bán hàng + gia tăng giá trị dịch vụ + quản lý tài sản.

Dù chỉ tóm gọn trong những câu từ như vậy, nhưng phía sau nó là sự sáng tạo, một cuộc chiến thầm lặng không ngừng nghỉ của các công ty chứng khoán. Cuộc chiến sau này sẽ không chỉ gói gọn ở 3 công cụ như trên, mà còn bao gồm cả sự định hình, thói quen, sở thích của nhà đầu tư.

Theo tôi biết, có một công ty chứng khoán tại Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng hệ thống theo tiêu chuẩn này. Âm thầm nhưng rõ ràng. Đây sẽ là đối thủ tiềm tàng đối với các công ty hàng đầu hiện nay. 

Thị trường chứng khoán đã thực sự thay đổi kể từ sau giai đoạn 2010 - 2012. Đã có nhiều công ty chứng khoán bứt mạnh lên từ những định hướng chiến lược riêng biệt, nhưng cũng không ít công ty bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, đây mới là giai đoạn mở đầu và con đường phía trước còn nhiều thử thách. Các công ty chứng khoán cần hướng tới việc tận dụng sức mạnh của công nghệ, đón bắt làn sóng cơ hội từ cách mạng công nghệ 4.0 để sinh tồn và phát triển.

Tận dụng cơ hội mở rộng mạng lưới môi giới

Ông Diệp Thế Anh, Phó tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán ACB

Trong 3 năm tới, tôi cho rằng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện các sản phẩm mới cho thị trường vốn, tạo thêm sự đa dạng cho các nhà đầu tư với nhiều chiến lược khác nhau. Đồng thời, cũng sẽ có thêm nhiều phân khúc nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường.

Bên cạnh đó, một số công ty chứng khoán nước ngoài cũng đang xem đây là thời điểm thuận lợi để thâm nhập vào thị trường chứng khoán Việt Nam, khi quy mô thị trường đã đủ lớn và sản phẩm đa dạng hơn. Điều này sẽ khiến tính cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán ngày càng gay gắt hơn.

Đặc biệt, với sự ra đời của sản phẩm phái sinh, thị trường chứng khoán có thêm một công cụ mạnh mẽ cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường trong cả hai điều kiện lên và xuống. Giao dịch trên cả hai thị trường sẽ phức tạp hơn, nhưng đồng thời sẽ giảm thiểu rủi ro.

Thị trường cổ phiếu cũng sẽ có sản phẩm tương tự là Chứng quyền bảo đảm (Covered Warrants) do các tổ chức tài chính phát hành. Sản phẩm này cũng sẽ tạo một sân chơi mới, góp phần tăng tính hấp dẫn của các cổ phiếu tài sản bảo đảm với tính đòn bẩy cao hơn.

Với thị trường cổ phiếu, dù đã có chủ trương cho phép giao dịch trong ngày, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được triển khai thực hiện. Kỳ vọng trong 1 năm tới, với sự ra đời của giao dịch trong ngày, giá trị giao dịch của thị trường cổ phiếu sẽ tăng trưởng ít nhất gấp rưỡi so với hiện nay. Ngoài ra, các sản phẩm SBL (vay mượn chứng khoán) nếu ra đời trong thời gian tới cũng là một bước tiến đáng kể cho thị trường cổ phiếu.

Trên cơ sở đó, chúng tôi đánh giá, hoạt động môi giới bán lẻ sẽ sôi động hơn trong thời gian tới khi thị trường chào đón nhiều sản phẩm mới. Trong bối cảnh này, ACBS sẽ tận dụng cơ hội để mở rộng mạng lưới môi giới, thêm các sản phẩm tư vấn mới cho các thị trường. Bên cạnh lợi thế từ ngân hàng mẹ, ACBS sẽ kết hợp nhằm đưa ra các sản phẩm tài chính đơn giản, nhưng hiệu quả hơn cho nhà đầu tư.

Mặt khác, Công ty cũng sẽ tiếp tục sát cánh với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch để cùng xây dựng và cải thiện các sản phẩm cho thị trường cổ phiếu và phái sinh.

Tin bài liên quan