Công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng 86,27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng

Công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng 86,27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ Công Thương cho biết, luỹ kế 9 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng xuất khẩu tại nhiều nhóm hàng

Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản: Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020 do sự gia tăng cả về lượng và giá xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản.

Cụ thể, xuất khẩu sắn tăng tới 67,6% về trị giá và tăng 50,2% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu cao su mặc dù chỉ tăng 17,1% về lượng nhưng tăng tới 52,7% về trị giá xuất khẩu; xuất khẩu hạt tiêu giảm 3,3% về lượng nhưng tăng tới 46,9% về trị giá xuất khẩu; xuất khẩu nhân điều tăng 16,6% về lượng và tăng 14,8% về trị giá; xuất khẩu rau quả tăng 11,1% về trị giá xuất khẩu.

Ngược lại, gạo và chè các loại là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu gạo giảm 9,5% về lượng và 2,4% về trị giá; xuất khẩu chè các loại giảm 6,3% về lượng và 1,7% về trị giá xuất khẩu.

Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản: Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu than đá tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu, tương ứng tăng 147,4% và 126,5% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu xăng dầu các loại mặc dù chỉ tăng 2,8% về lượng nhưng tăng tới 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, xuất khẩu dầu thô sụt giảm mạnh tới 45,5% về lượng và giảm 11,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu quặng và khoáng sản khác tăng tới 28,5% về lượng nhưng do giá xuất khẩu giảm nên trị giá xuất khẩu giảm 7,2%.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến: Nhóm này tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86,27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 207,5 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là: sắt thép các loại ước đạt 8,23 tỷ USD, tăng 125,4% so với cùng kỳ năm trước (tăng 39,3% về lượng); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 26,25 tỷ USD, tăng 44,5% (tăng 10,9% về lượng); gỗ và sản phẩm gỗ, ước đạt 11,14 tỷ USD, tăng 30,9% mặc dù giảm 35,3% về lượng; hàng dệt và may mặc ước đạt 23,46 tỷ USD, tăng 5,8% (giảm 18,6% về lượng); giầy dép các loại ước đạt 13,33 tỷ USD, tăng 9,8% (giảm 44,2% về lượng); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 36,4 tỷ USD, tăng 13,1%; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 41,33 tỷ USD, tăng 12,4%...

Chỉ có số ít mặt hàng có mức tăng trưởng giảm so với cùng kỳ năm trước, như: túi xách, vali, mũ, ô dù ước đạt 2,24 tỷ USD, giảm 3,7%; Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, giảm 0,9%; Đá quý và kim loại quý, giảm 75,8%.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất

Trong 9 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 69,8 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 38,5 tỷ USD, tăng 18,3%. Thị trường EU ước đạt 28,8 tỷ USD, tăng 11,5%. Thị trường ASEAN ước đạt 20,6 tỷ USD, tăng 20,8%. Hàn Quốc ước đạt 16,1 tỷ USD, tăng 11,4%. Nhật Bản ước đạt 14,7 tỷ USD, tăng 5,1%.

Về nhập khẩu, tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,72 tỷ USD, tăng 25%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 158,93 tỷ USD, tăng 33,6%.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 81,2 tỷ USD, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 39,8 tỷ USD, tăng 20,6%; thị trường ASEAN đạt 30,3 tỷ USD, tăng 39,7%; Nhật Bản đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11,4%; thị trường EU đạt 12,43 tỷ USD, tăng 17,5%; Hoa Kỳ đạt 11,6 tỷ USD, tăng 12,2%.

Tin bài liên quan