VNDirect dự kiến phát hành thêm 220 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Ảnh: Dũng Minh.

VNDirect dự kiến phát hành thêm 220 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Ảnh: Dũng Minh.

Công ty chứng khoán đặt cược vào miếng bánh thị phần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay sẽ chứng kiến làn sóng tăng vốn ở các công ty chứng khoán với nhu cầu “làm mới” nhiều hạng mục.

Đua hút tiền

Thị trường hiện có 70 công ty chứng khoán đang hoạt động nhưng có sự phân nhóm rõ ràng. “Chiếu trên” phần lớn nằm trong tay 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất như SSI, HSC, VPS, Bản Việt, VNDirect, MBS, Mirae Asset, FPTS…

Nhưng ngay cả ở chiếu trên, cũng lại có sự phân hóa tiếp khi 5 công ty chứng khoán Top đầu thường duy trì thứ hạng của mình rất vững, Top còn lại thường có sự đổi ngôi và bám đuổi nhau rất sít sao.

Nhưng đó chỉ là thứ hạng về môi giới, vốn thường được các thành viên thị trường lôi ra soi rọi, thống kê theo các số liệu công bố của HOSE hoặc HNX. Có những bảng xếp hạng khác mà chỉ trong giới với nhau mới có thể đánh giá như năng lực tài chính, công nghệ, năng lực quản trị rủi ro, hiệu quả hoạt động… Muốn cải thiện những chỉ số “phi nhìn thấy” này, tiền là một yếu tố quan trọng.

Đặc biệt khi quy mô thị trường chứng khoán đã tăng gấp đôi, gấp 3 so với cùng kỳ năm ngoái và duy trì khá ổn định, các công ty chứng khoán càng có nhu cầu nâng cấp, tránh bài học nhãn tiền về tình trạng nghẽn lệnh của HOSE hiện này.

Bởi thế, đã có một loạt công ty chứng khoán lên kế hoạch tăng vốn. CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự kiến chào bán 152,5 triệu cổ phiếu mới, tăng gấp rưỡi vốn điều lệ từ 3.058 tỷ đồng lên 4.583 tỷ đồng.

Ước tính, HSC có thể thu về 2.135 tỷ đồng nếu chào bán thành công toàn bộ lượng cổ phiếu mới trên. Phần lớn lượng vốn huy động được sẽ bổ sung cho hoạt động cho vay ký quỹ.

Tương tự, Công ty Chứng khoán VNDirect muốn phát hành thêm hơn 220 triệu cổ phiếu mới cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền mua là 1:1.

Mục đích của đợt chào bán này là tăng quy mô vốn hoạt động của công ty, mở rộng năng lực cho vay ký quỹ, năng lực kinh doanh nguồn trên thị trường vốn, năng lực bảo lãnh phát hành trái phiếu, năng lực phát hành và phân phối chứng quyền có đảm bảo.

Công ty Chứng khoán MBS cũng có kế hoạch tăng vốn, bán vốn cho đối tác ngoại và đẩy mạnh đầu tư công nghệ số nhằm gia tăng thị phần môi giới trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong ngành khi có sự tham gia của các công ty chứng khoán ngoại với lợi thế lớn hơn về vốn và chi phí thấp. Quy mô vốn huy động thêm ước khoảng 1.000 tỷ đồng.

Những “bông hoa nhỏ” như Chứng khoán Đà Nẵng (DNS) còn chơi trội hơn khi thông báo kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng trong năm nay. Song hành với kế hoạch tăng vốn, DNS còn công bố kế hoạch kinh doanh 2021 đầy tham vọng với doanh thu và lợi nhuận lần lượt gấp 21 lần và 100 lần so với con số thực hiện năm 2020.

Còn Công ty Chứng khoán EVS mới đây thông qua phương chào bán riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu, tương đương 400 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Mục đích nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay giao dịch chứng khoán ký quỹ, nâng cao năng lực tài chính, đầu tư hạ tầng công nghệ của công ty để đáp ứng tiêu chuẩn tham gia thị trường chứng khoán phái sinh.

Công ty Chứng khoán Pinetree cũng vừa hoàn tất huy động 400 tỷ đồng từ phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông mẹ Hanwha Investment & Securities Co., Ltd. Nhiều công ty khác như Tiên Phong, Trí Việt, APEC đều công bố huy động thêm vốn từ cổ đông để tăng năng lực tài chính.

Chờ được tăng lực

Các số liệu hiện nay cho thấy, nhiều công ty chứng khoán đã căng margin và rất khó xoay xở vốn để hỗ trợ cho nhà đầu tư có nhu cầu.

Các số liệu hiện nay cho thấy, nhiều công ty chứng khoán đã căng margin và rất khó xoay xở vốn để hỗ trợ cho nhà đầu tư có nhu cầu.

Tính đến cuối năm 2020, nhóm 10 công ty chứng khoán đạt thị phần lớn nhất HOSE đã giải ngân xấp xỉ 56.330 tỷ đồng cho vay, tăng 64% so với đầu năm và giành được tổng cộng 64,5% thị phần, nhiều hơn gần 2% so với một năm trước. Dư nợ margin toàn thị trường tới ngày 31/12/2020 xác lập kỷ lục mới, với gần 81.000 tỷ đồng, tăng 59%.

Tuy nhiên, nếu so sánh với mức độ gia tăng của thanh khoản, mức độ gia tăng margin chưa tương xứng. Theo tính toán, thanh khoản khớp lệnh trung bình trên HOSE trong quý IV/2020 đạt khoảng 11.200 tỷ đồng/phiên.

Theo đó, tổng lượng dư nợ ký quỹ/thanh khoản trung bình hằng ngày chỉ là 6,3 lần, đây là một trong những mức thấp nhất kể từ năm 2015 và thấp hơn cả khi VN-Index tạo đỉnh trong quý I/2018. Điều này cho thấy, thị trường được bổ sung một lực lượng lớn các nhà đầu tư F0 dùng "tiền tươi, thóc thật", chứ không quẩn quanh với vốn vay từ công ty chứng khoán.

Câu hỏi đặt ra là khi những F0 trở thành Fn và có nhu cầu sử dụng dịch vụ vay ký quỹ thì sao? Theo quy định, các công ty chứng khoán không được cho vay quá 2 lần vốn chủ sở hữu và trên thực tế, nhiều nơi đã tiến đến sát mức trần giới hạn.

Tại MBS, tỷ lệ nợ vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu tăng từ 1,4 lần vào cuối quý III/2020 lên 1,81 lần vào cuối quý IV/2020. Giá trị các khoản cho vay đã tăng hơn 53%, lên 4.123 tỷ đồng. Tỷ lệ này tại HSC cũng vọt từ mức 1,35 lần lên 1,94 lần sau khi mở rộng các khoản cho vay thêm 82%.

Mirae Asset, công ty dẫn đầu thị trường về dư nợ margin trong nhiều quý gần đây, cũng đã giải ngân ra thị trường 10.361 tỷ đồng vào quý cuối năm 2020, tương đương 1,68 lần vốn chủ sở hữu.

Ở một số công ty chứng khoán vốn có thế mạnh thực hiện các thương vụ được đặt hàng, khi các đầu nậu tạm nghỉ, margin bung chủ yếu cho nhà đầu tư cá nhân. Đây là điều khá lý tưởng vì rủi ro ở kênh bán lẻ được nhìn nhận thấp hơn việc phụ thuộc vào một số nhà đầu tư lớn.

Nhưng hiện trần cho vay đã đến giới hạn, nên nếu vào mùa cao điểm, chẳng hạn như phát hành thêm cổ phần, đấu giá ra công chúng, công ty chứng khoán sẽ ít dư địa để hợp tác với các "cá mập", trong khi đây là những át chủ bài hỗ trợ cho việc tăng thị phần, duy trì nguồn thu từ dịch vụ cho vay... Nhu cầu tăng vốn do vậy là rất lớn.

Đề cập đến nhu cầu vốn mới, ông Nguyễn Thành Chung, Tổng giám đốc EVS cho biết, năm 2021, Công ty ít tập trung vào mảng tự doanh mà thay vào đó sẽ phát triển hệ thống môi giới thông qua kênh bán lẻ khai thác khách hàng của các đối tác, xây dựng khối ngân hàng đầu tư, phát triển quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp và đối tác để phát triển các dịch vụ M&A.

Lãnh đạo MBS lại tiết lộ một tỷ trọng lớn vốn mới dành cho đầu tư công nghệ và chiến lược tái cơ cấu doanh nghiệp. Thị trường phát triển mạnh hơn, miếng bánh có thể to ra nhưng không vì thế mà các công ty chứng khoán dễ chịu hơn trong cạnh tranh. Không đầu tư trước, rất dễ bị tụt hậu, vì thế các cổ đông lớn của MBS như MBB và SCIC đều đồng thuận với kế hoạch tăng vốn đã đặt ra.

Với làn sóng tăng vốn rầm rộ của các công ty chứng khoán như vậy, tỷ lệ phát hành thêm phổ biến là 1:1, thị trường được nhìn nhận có thêm lực kéo mới từ khoảng tháng 9 năm nay sau khi công ty chứng khoán phát hành xong. Còn hiện giờ, cục diện sẽ phụ thuộc mạnh vào độ “chịu chơi” và vốn thịt của các nhà đầu tư.

Tin bài liên quan