Khối công ty chứng khoán đang có nhiều động lực để thực hiện tăng vốn

Khối công ty chứng khoán đang có nhiều động lực để thực hiện tăng vốn

Công ty chứng khoán đua tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự quyết liệt của Chính phủ trong mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán cùng kỳ vọng về hệ thống giao dịch mới KRX trong năm 2024 tạo thêm động lực cho các công ty chứng khoán tăng vốn để đón đầu cơ hội.

Quy mô vốn điều lệ ngang ngửa ngân hàng

Cuối năm 2023, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) đã tổ chức lấy ý kiến cổ đông thông qua phương án phát hành 453 triệu cổ phiếu, trong đó phát hành 302 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 100:20 và chào bán 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ 100:10. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng lên 19.645 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu trong nhóm công ty chứng khoán.

Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) vừa nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng, lên 7.000 tỷ đồng. Với mức vốn này, ACBS nằm trong Top 5 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường, cùng với SSI, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank với 15.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT với 12.178 tỷ đồng và Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương với hơn 10.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc ACBS cho biết, việc tăng vốn của Công ty nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cấp hệ thống giao dịch lõi (core), chiếm lĩnh thị phần môi giới cơ sở/phái sinh và cho vay giao dịch ký quỹ (margin). Áp lực cạnh tranh trên thị trường chứng khoán sẽ ngày càng trở nên gay gắt ở tất cả các khía cạnh như chất lượng dịch vụ, giá phí... Do đó, những công ty có sự chuẩn bị tốt về hạ tầng cơ sở, công nghệ và có khả năng huy động vốn dồi dào, có chính sách quản trị rủi ro hiệu quả và bộ máy nhân sự chuyên nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển và bứt phá.

“Hệ thống KRX dự kiến đi vào hoạt động ngay trong năm 2024. Năm nay cũng là năm bản lề trong lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. ACBS đã và đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường, đặc biệt là về quy mô vốn”, ông Hoàn nói.

Cuộc đua tăng vốn trong nhóm đầu vẫn chưa dừng lại khi Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự kiến phát hành thêm hơn 297 triệu cổ phiếu và nâng vốn điều lệ lên hơn 7.552 tỷ đồng. Ngoài phương án chào bán ra công chúng, HSC còn được chấp thuận kế hoạch phát hành gần 68,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức đợt 2/2021, tỷ lệ thực hiện 100:15. Việc phát hành dự kiến thực hiện trong nửa đầu năm 2024. Công ty cổ phần Chứng khoán MB cũng đã chốt quyền phát hành hơn 57 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 4.377 tỷ đồng.

Trong năm 2024, VNDIRECT dự kiến chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1, giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời lên kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%, tương ứng phát hành gần 61 triệu cổ phiếu mới.

Trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (ORS) đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng trong năm 2023, trong đó huy động 2.000 tỷ đồng qua phát hành cho cổ đông hiện hữu và 2.000 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ. Vì nhiều lý, do kế hoạch này bị trì hoãn. Tháng 1/2024, ORS đã chốt đợt tăng vốn đầu tiên lên 3.000 tỷ đồng. Theo đó, Công ty sẽ chào bán 100 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu và hoàn tất việc tăng vốn trong quý đầu năm nay.

Với mục tiêu huy động vốn, Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE đã chào bán 30 triệu cổ phiếu bằng phương thức dựng sổ, với giá khởi điểm 30.000 đồng/cổ phiếu. Đợt IPO này giúp Công ty huy động 900 tỷ đồng và dự kiến cổ phiếu DNSE sẽ niêm yết trên HOSE trong quý II - III/2024. Hiện DNSE có 300 triệu cổ phiếu lưu hành, vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.

Áp lực sử dùng nguồn vốn?

Phần lớn các công ty chứng khoán tăng vốn để bổ sung các nghiệp vụ và trong đó, đa số đều cho biết sẽ sử dụng số tiền huy động vốn để mở rộng nguồn cung cho vay margin. Thống kê cho thấy, cho vay ký quỹ là mảng có đóng góp lớn nhất trong hoạt động của các công ty chứng khoán, với tỷ trọng trung bình khoảng 40% tổng lợi nhuận gộp.

Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán chia sẻ, tổng dư nợ margin toàn thị trường tính đến cuối tháng 1/2024 ước đạt hơn 180.000 tỷ đồng, tăng hơn 8.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023 và dần tiệm cận đến vùng đỉnh hơn 195.000 tỷ đồng của giai đoạn cuối năm 2021. Ở thời điểm hiện tại, dù dư nợ margin tăng nhưng đây vẫn là mảng kinh doanh còn nhiều dư địa, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư vẫn rất lớn. Do vậy, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp bổ sung nguồn lực nhằm tăng vốn kinh doanh, cho vay margin, tự doanh, đầu tư... Những hoạt động này có thể giúp gia tăng dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán, từ đó giao dịch trên thị trường sẽ diễn ra sôi động hơn.

Trong khi đó, như chia sẻ từ ông Nguyễn Đức Hoàn, ACBS đang tập trung vào 3 mạng chính là môi giới, tự doanh và tư vấn tài chính doanh nghiệp. Trong đó, mảng môi giới bao gồm hoạt động cho vay ký quỹ là hoạt động cốt lõi, đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Công ty trong cả năm 2023. Về mảng cho vay margin, ACBS chứng kiến dư nợ cho vay tăng vượt trội, tăng hơn 123% so cùng kỳ, đạt kỷ lục xấp xỉ 4.600 tỷ đồng.

“Nguồn cung vốn cho ACBS đến từ đa dạng các tổ chức tài chính với tổng dư nợ vay vốn đạt xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, đáp ứng đầy đủ và linh hoạt nhu cầu sử dụng vốn của ACBS”, ông Hoàn chia sẻ và cho biết, việc nâng quy mô vốn lên 7.000 tỷ đồng giúp Công ty có thể chủ động và nâng cao các nghiệp vụ.

HSC cho biết, trong tổng số tiền huy động về dự kiến hơn 2.286 tỷ đồng, Công ty sẽ phân bổ hơn 78% (tương ứng 1.786 tỷ đồng) cho hoạt động giao dịch ký quỹ (margin); còn lại gần 22% (tương ứng 500 tỷ đồng) sử dụng cho hoạt động tự doanh.

ORS cho hay, số tiền huy động được sử dụng để nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn để thực hiện các nghiệp vụ tự doanh, tư vấn, bảo lãnh phát hành, đồng thời thực hiện đầu tư để phát triển quy mô hoạt động của Công ty.

Như đã phân tích ở trên, hoạt động tăng vốn có thể coi là chiến lược đi trước đón đầu làn sóng tăng của thị trường chứng khoán trong năm 2024 với sự hồi phục của các doanh nghiệp niêm yết và vận hành hệ thống KRX. Tuy nhiên, việc tăng vốn sẽ tạo áp lực trong việc duy trì tỷ suất sinh lời.

Thực tế cho thấy, cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán diễn ra sôi động từ nửa cuối năm 2023 đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đứng trước giai đoạn bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam khi đang dần tiến đến việc nâng hạng thị trường, cũng như hệ thống giao dịch mới sắp đi vào hoạt động, khối công ty chứng khoán lại càng có động lực để thực hiện tăng vốn.

Tin bài liên quan