Các công ty chứng khoán lãi lớn từ cho vay margin trong quý III.

Các công ty chứng khoán lãi lớn từ cho vay margin trong quý III.

Công ty chứng khoán lãi đậm từ margin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước khi có nhịp giảm điểm sâu từ đầu tháng 10 tới nay, thị trường chứng khoán có giai đoạn tăng trưởng tích cực cả về điểm số và thanh khoản. Dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán cũng tăng mạnh theo nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư, đem lại nguồn thu lớn cho các tổ chức trung gian trên thị trường.

Những khoản lợi nhuận tích cực

Hiện tại, đà tăng của chỉ số VN-Index trong quý III đã bị xoá sạch sau các phiên điều chỉnh kể từ cuối tháng 9 tới nay. Dù vậy, quý III vẫn là quãng thời gian tích cực với thị trường chứng khoán. Tính đến cuối tháng 9, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,76 triệu tài khoản, tương đương hơn 8% dân số (theo số liệu của VSD). Số lượng tài khoản gia tăng khoảng trên 100.000 tài khoản/tháng giúp cải thiện thanh khoản thị trường và nhu cầu sử dụng margin cũng gia tăng.

Dữ liệu của Vietstock Finance cho thấy, tính tới cuối quý III/2023, 71 công ty chứng khoán trên thị trường có dư nợ margin đạt 166.993 tỷ đồng, tăng 16.400 tỷ đồng so với cuối quý II, tương đương tăng 11%. So với đầu năm, các công ty chứng khoán cho vay thêm gần 44.500 tỷ đồng, tương đương tăng 36%.

Top 3 công ty chứng khoán có dư nợ margin lớn nhất tính tới cuối quý III là Mirae Asset Việt Nam (hơn 15.300 tỷ đồng), SSI (15.200 tỷ đồng) và TCBS (12.800 tỷ đồng). Công ty có dư nợ thấp nhất trong Top 10 là VCBS, với 5.100 tỷ đồng.

Tính theo giá trị tăng trưởng dư nợ margin, VPS dẫn đầu, với gần 4.600 tỷ đồng, tăng 74% so với đầu năm, nâng tổng giá trị margin của công ty này tại thời điểm cuối quý III lên 10.725 tỷ đồng. Tiếp theo là SSI, tăng hơn 4.200 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu năm.

Đa phần các công ty thuộc Top 10 thị phần môi giới đều chứng kiến lãi cho vay và phải thu tăng trưởng tích cực trong quý III. Chẳng hạn, với khoảng 15.000 tỷ đồng cho vay margin, SSI thu về lãi cho vay và phải thu quý III/2023 đạt 430,7 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. TCBS thu về 424 tỷ đồng lãi từ các khoản cho vay và phải thu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Hưởng lợi từ diễn biến lãi suất

Lãi suất cho vay giảm là một trong những yếu tố thúc đẩy nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư chứng khoán. Đồng thời, diễn biến đi xuống của lãi suất cũng giúp các công ty chứng khoán được hưởng lợi.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, ngành chứng khoán là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất khi lãi suất giảm, bởi một số lý do:

Thứ nhất, với mặt bằng lãi suất thấp hơn, nhà đầu tư sẽ có xu hướng đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn chứng khoán khi chi phí cơ hội giảm. Điều này cũng cải thiện nhu cầu cho dịch vụ môi giới, thúc đẩy giá trị giao dịch, từ đó tăng doanh thu phí giao dịch cho các công ty chứng khoán.

Thứ hai, hoạt động cho vay margin cũng cải thiện. Với chi phí vốn thấp hơn, công ty chứng khoán sẽ có nhiều dư địa để giảm lãi suất cho vay margin, giúp đẩy mạnh hoạt động giao dịch chứng khoán, cũng như hoạt động giao dịch và gia tăng doanh thu cho các công ty môi giới.

Thứ ba, thị trường sôi động hơn sẽ giúp hiệu quả của mảng tự doanh tốt hơn.

Thực tế, cùng với việc lãi suất của nhiều ngân hàng giảm, các công ty chứng khoán cũng thực hiện điều chỉnh lãi suất cho vay margin đối với khách hàng, hoặc thực hiện các chương trình thúc đẩy sử dụng margin. Chẳng hạn, SSI triển khai chương trình “Hoàn lãi margin” và “M9 - Sức mạnh margin”. Theo đó, lãi suất cho vay margin áp dụng từ 9 - 11%/năm dành cho khách hàng có số dư nợ bình quân trong tháng từ 3 tỷ đồng trở lên. TCBS triển khai gói vay linh hoạt, hay ACBS có chương trình margin 7 ngày không lãi suất…

Đáng chú ý, tuy lãi suất cho vay margin tại một số công ty chứng khoán đã được điều chỉnh giảm theo xu hướng chung của lãi suất nhưng vẫn còn ở mức cao. Mặt bằng lãi suất cho vay margin vẫn ở mức từ 10 - 14%/năm. Điều này cũng giúp lợi nhuận từ cho vay của các công ty chứng khoán ở mức tích cực.

VNDirect đánh giá, tổng dư nợ cho vay ký quỹ toàn thị trường có thể đạt 155.000 - 180.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2023, tăng 10 - 30% so với mức 140.000 tỷ đồng vào cuối quý II/2023.

Tin bài liên quan