Mirea Asset đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 5.455 tỷ đồng, giữ vị trí quán quân về vốn điều lệ trong khối công ty chứng khoán

Mirea Asset đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 5.455 tỷ đồng, giữ vị trí quán quân về vốn điều lệ trong khối công ty chứng khoán

Công ty chứng khoán ngoại “nhập cuộc” mạnh mẽ

(ĐTCK) Bức tranh cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán có sự khác biệt lớn trong năm 2019 khi các công ty chứng khoán vốn ngoại mở rộng hoạt động, sử dụng lợi thế vốn, kinh nghiệm để gia tăng thị phần.

Tăng vốn, mở rộng hoạt động

Trong vài năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự đầu tư và mở rộng mạnh mẽ của nhóm công ty chứng khoán ngoại, không chỉ về mặt nguồn vốn mà còn có sự thay đổi về chiến lược hoạt động.

Nếu như giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, các công ty chứng khoán ngoại hầu như chỉ hoạt động mang tính chất cầm chừng, thăm dò thì từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A, tăng vốn với quy mô “chóng mặt” của các công ty chứng khoán đến từ các quốc gia trong châu lục, điển hình là Hàn Quốc, Đài Loan… Áp lực cạnh tranh trên thị trường theo đó cũng gia tăng mạnh mẽ, khi mà đa số công ty chứng khoán ngoại với lợi thế nguồn vốn dồi dào, chi phí vốn rẻ đã áp dụng những chiến lược cạnh tranh về phí cũng như chất lượng dịch vụ.

Trong số 18 công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, khối ngoại góp mặt 5 công ty. Đó là Mirae Asset, KB Việt Nam (KBSV), KIS, Yuanta và Maybank Kim Eng (MBKE). Trong đó, Mirae Asset (MASC) hiện đã hoàn tất việc nâng vốn điều lệ lên 5.455 tỷ đồng để đạt vị trí “quán quân” về vốn điều lệ trong làng chứng khoán.

Việc tăng vốn, theo Mirea Asset, nhằm thúc đẩy mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) như bảo lãnh phát hành, trọng tâm là bảo lãnh phát hành trái phiếu, bổ sung vốn để phát triển đội ngũ tư vấn tài chính chuyên nghiệp và cơ sở vật chất để thu hút nhà đầu tư quốc tế; đồng thời, tiếp cận cơ hội tư vấn chào bán, niêm yết chứng khoán cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Kang Moon Kyung, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, không chỉ tăng quy mô vốn, việc xây dựng mối quan hệ bền vững giữa khách hàng và Công ty cũng được đầu tư chú trọng, với hoạt động thường niên đưa nhà đầu tư Việt Nam sang Hàn Quốc trải nghiệm các dịch vụ, tài sản mà Tập đoàn Mirae Asset đầu tư và sở hữu tại Hàn Quốc.

Trong khi đó, ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc MBKE cho biết, với sự trợ lực của tập đoàn mẹ, đặc biệt là nguồn lực tài chính mạnh mẽ, Công ty cung cấp cho khách hàng các sản phẩm tài chính đa dạng và lãi suất cho vay cạnh tranh nhằm giúp khách hàng tối ưu hiệu quả đầu tư, từ đó, giúp Công ty ghi nhận hiệu quả kinh doanh cao.

“Sự góp mặt của các công ty chứng khoán ngoại làm thay đổi bức tranh thị trường chứng khoán theo chiều hướng tích cực hơn, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước”

- Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Còn tại KBSV, theo Tổng giám đốc Nguyễn Đức Hoàn, Công ty sẽ tạo nên sự khác biệt thông qua việc củng cố chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, đặc biệt là về hoạt động tư vấn đầu tư và hạ tầng công nghệ, với mục tiêu dần đạt chuẩn của các thị trường phát triển. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế về nguồn vốn, Công ty sẽ tiếp tục xây dựng và cung cấp ra thị trường các gói sản phẩm mang tính cạnh tranh về phí giao dịch, lãi suất margin, tùy vào thị hiếu và khẩu vị của từng nhóm nhà đầu tư. KBSV khá thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn khách hàng của tập đoàn mẹ, từ đó có thể kết nối cho các thương vụ mua bán, sáp nhập và phát hành huy động vốn cho các doanh nghiệp trong nước.

“Ngay trong năm 2020, mục tiêu của Công ty là lọt vào và giữ vị trí ổn định trong Top 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất toàn thị trường. Đối với mục tiêu dài hơi hơn trong 5 năm tới, Công ty tiếp tục xác định Việt Nam là một thị trường trọng điểm và sẽ có các chiến lược rất tham vọng về hoạt động kinh doanh, tăng vốn, M&A…”, ông Hoàn chia sẻ thêm.

Trong khi đó, ông Lê Minh Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm hoạt động ở các thị trường chứng khoán phát triển, đặc biệt là việc nắm rõ văn hóa, khẩu vị của các nhà đầu tư châu Á như Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc… đã giúp Yuanta có những nhìn nhận tương đồng, nhằm phát triển thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, Yuanta là một trong những đơn vị luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ và giải pháp sản phẩm trên thị trường chứng khoán, cho nên Công ty sẽ đưa kinh nghiệm về giải pháp công nghệ và điều chỉnh để phù hợp với thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, Tập đoàn Yuanta cũng sẽ đưa thêm nhiều sản phẩm tài chính phù hợp vào Việt Nam. Ngoài ra, với lợi thế về vốn lớn và lượng khách hàng toàn cầu lớn, Yuanta dự kiến sẽ tăng đầu tư vốn vào Việt Nam và kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài trong hệ thống của Tập đoàn.

Ông Tâm cho biết, Yuanta Việt Nam đang nhận được sự hậu thuẫn từ tập đoàn mẹ, trước mắt là các khoản vay với lãi suất tốt hơn so với thị trường. Bên cạnh đó là những hỗ trợ về mặt công nghệ, kinh nghiệm, đặc biệt là nền tảng khách hàng. Đây cũng là chiến lược chung của nhiều công ty chứng khoán 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

“Trong năm 2020, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng vốn, mở rộng mạng lưới kinh doanh và phát triển thêm năng lực kinh doanh bằng cách tuyển dụng thêm và đào tạo đội ngũ, nâng cấp và cải thiện công nghệ, triển khai thực hiện các dịch vụ mới như chứng quyền đảm bảo (CW)… Đồng thời, chúng tôi cũng chuẩn bị nhân sự giỏi sang Tập đoàn để đào tạo, mua sam hệ thống công nghệ để sẳn sàng khi các sở giao dịch triển khai các sản phẩm mới”, ông Tâm nói.

Dẫn dòng vốn ngoại vào Việt Nam mạnh hơn

Ông Nguyễn Đức Hoàn cho rằng, sự có mặt của khối công ty chứng khoán ngoại đã, đang và sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam ngày một phát triển hơn khi mà nhà đầu tư được sử dụng các dịch vụ với chi phí hợp lý và chất lượng cao hơn, dần tiệm cận tiêu chuẩn của các thị trường phát triển trong khu vực. Điều này một mặt phản ánh tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng mặt khác các công ty chứng khoán ngoại cũng đóng vai trò là một kênh dẫn vốn đầu tư từ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước.

Nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, tỷ giá được kiểm soát ổn định và thị trường chứng khoán còn non trẻ, nhiều dư địa phát triển có thể được xem là những ưu điểm lớn để thu hút các công ty chứng khoán ngoại đổ vốn đầu tư vào Việt Nam. Xu hướng này được dự báo sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.

Không thể phủ nhận, sự góp mặt của các công ty chứng khoán ngoại, bên cạnh tạo những giá trị gia tăng cho nhà đầu tư bằng các sản phẩm ưu việt, thì còn góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy  Chứng khoán Nhà nước từng chia sẻ, sự “góp mặt” của các công ty chứng khoán ngoại đã góp phần phát triển kinh tế Việt Nam, cơ quan quản lý luôn chào đón các công ty chứng khoán nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để góp phần phát triển thị trường, không chỉ làm thay đổi bức tranh thị trường chứng khoán theo chiều hướng tích cực hơn, mà còn góp phần phát triển kinh tế Việt Nam;  cũng như tăng sự kết nối nhà đầu tư nước ngoài với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tin bài liên quan