CSR - Vững gốc để vươn cành

CSR - Vững gốc để vươn cành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn đến hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR), trong đó không chỉ đơn thuần là tổ chức các chương trình thiện nguyện, các hoạt động cộng đồng, hướng tới sự phát triển bền vững…, mà sâu xa hơn là nâng tầm vị thế của doanh nghiệp.

Nâng tầm các giá trị bền vững

Tiếp nối thành công của quỹ 1 triệu cây xanh, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamik, mã chứng khoán VNM) tiếp tục triển khai hoạt động trồng cây hướng đến mục tiêu Net Zero 2050 nhằm chung tay thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0”.

Hoạt động này kéo dài từ năm 2023 tới năm 2027 với tổng giá trị 15 tỷ đồng, là một trong những hoạt động hưởng ứng thông điệp của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra ở Ai Cập vào đầu tháng 11/2022 với chủ đề “Cam kết đi đôi với hành động” trong thực hiện các mục tiêu khí hậu. Vinamilk cho biết, việc trồng cây, gây rừng hiệu quả mang đến lợi ích tổng thể cho môi trường, cộng đồng, hướng đến xây dựng những vùng xanh lớn.

Gắn hoạt động doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững, trong giai đoạn 2012-2020, Vinamilk đã thực hiện “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” tại 56 địa điểm thuộc 20 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng giá trị 12,5 tỷ đồng. Nỗ lực này nhằm đảm bảo mục tiêu diện tích cây xanh được duy trì, nhân rộng, hấp thụ lượng CO2 ngày càng nhiều, mang đến nhiều lợi ích khác về môi trường, cộng đồng, sinh kế…, cũng như lan tỏa tình yêu thiên nhiên và hình thành ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của cộng đồng.

Nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán như Vinamilk ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động CSR không chỉ để phát triển bền vững, mà còn giúp nâng tầm vị thế của doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Dược Hậu

Giang (mã chứng khoán DHG) là một trong những doanh nghiệp điển hình trong ngành dược phẩm chú trọng đến hoạt động trách nhiệm xã hội, bên cạnh việc duy trì hiệu quả kinh doanh. Năm 2022, Dược Hậu Giang ghi dấu bước tiến mới khi khởi công xây dựng nhà máy Betalactam tiêu chuẩn JAPAN/EU-GMP, giúp gia tăng sức cạnh tranh cho Công ty nhờ nâng cao khả năng đấu thầu.

Trong lĩnh vực dệt may, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) luôn hướng tới hình ảnh một doanh nghiệp thân thiện với môi trường; tôn trọng, thực hiện và cam kết kiểm soát nghiêm ngặt quy trình sản xuất để không vi phạm các tiêu chuẩn về môi trường.

Cùng với quá trình phát triển, Thành Công thực hiện các biện pháp giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường. Công ty có kế hoạch di dời một số nhà máy đến các khu công nghiệp được quy hoạch cho ngành công nghiệp nhuộm để không ảnh hưởng đến khu vực dân cư xung quanh. Đầu tư và ứng dụng các chương trình nâng cấp xử lý nước thải và khói thải hướng tới phát triển bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp này.

Thực tế, Thành Công bắt đầu thực hiện các hoạt động hướng đến cộng đồng từ năm 2009 với phương châm đồng hành cùng địa phương tại nơi các nhà máy của Công ty hoạt động, chăm lo hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, tham gia các chương trình phúc lợi xã hội của địa phương, bên cạnh các hoạt động bảo vệ môi trường như thu gom pin đã qua sử dụng…

Trong phát triển sản phẩm, nhận thấy xu hướng thời trang và tiêu dùng của thế giới hướng đến sự phát triển bền vững, từ năm 2017, Thành Công đã đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tập trung vào những dòng sản phẩm thân thiện với môi trường từ vật liệu tái chế, vật liệu bền vững. Hiện tại, Thành Công đang phát triển 3 loại vật liệu dạng này gồm polyester, viscose và cotton tái chế.

Gia tăng đầu tư vào con người

Bên cạnh hoạt động vì môi trường, cộng đồng, các doanh nghiệp còn rất chú trọng đến yếu tố con người. Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX) cho biết, đời sống của cán bộ, công nhân viên Công ty là một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu, bởi đời sống của người lao động có tốt thì họ mới gắn bó, cống hiến hết mình vì Công ty.

Trong đợt dịch Covid-19 kéo dài, các showroom đóng cửa, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, nhưng Haxaco không để người lao động bị bỏ lại trong khó khăn, Công ty vẫn duy trì tiền lương cho các cán bộ, công nhân viên, hàng năm tổ chức các chương trình du lịch kết nối, thưởng cổ phiếu cho người lao động… Sự quan tâm chăm lo đến người lao động đã giúp Haxaco có sức mạnh của sự đoàn kết, vươn lên mạnh mẽ và liên tục giữ vững đà tăng trưởng.

Hay tại Thành Công, môi trường làm việc liên tục được cải tiến. Công ty đầu tư, trang bị thêm các phòng tập thể thao, phòng gym, yoga, sân chơi ngoài trời, quán café, nhà ăn, phòng y tế… nhằm đảm bảo nhu cầu đời sống và sinh hoạt cho đội ngũ lao động, giúp cán bộ, công nhân viên luôn cảm thấy thoải mái, thư giãn khi đi làm, từ đó phát huy được hết năng lực, góp phần vào sự phát triển chung của Công ty.

Với mỗi doanh nghiệp, nguồn lực quan trọng và quý giá nhất đóng góp vào sự phát triển chính là đội ngũ nhân sự. Vì vậy, gia tăng đầu tư vào con người luôn là yếu tố các doanh nghiệp cần ưu tiên…

Đối với mỗi doanh nghiệp, nguồn lực quan trọng và quý giá nhất đóng góp vào sự phát triển chính là đội ngũ nhân sự. Vì vậy, gia tăng đầu tư vào con người luôn là yếu tố các doanh nghiệp cần ưu tiên, có chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút cũng như giữ chân nhân tài cho mục tiêu phát triển doanh nghiệp ổn định, bền vững.

Đơn cử, tại Công ty cổ phần Traphaco (mã chứng khoán TRA), không chỉ đội ngũ nhân sự tại các nhà máy hay trụ sở Công ty, Traphaco còn đầu tư vào con người để xây dựng những vùng trồng nguyên liệu, tạo ra bản sắc cho riêng mình. Traphaco đã xây dựng được vùng trồng actiso ở Sapa, rau đắng đất ở Phú Yên, bìm bìm biếc ở Phú Thọ (đều là nguyên liệu sản xuất thuốc bổ gan Boganic); vùng trồng đinh lăng ở Nam Định (nguyên liệu sản xuất hoạt huyết dưỡng não Traphaco); hay các vùng trồng đương quy ở Bắc Hà, chè dây ở huyện Bát Xát và thị xã Sapa (Lào Cai) đạt tiêu chuẩn trồng và thu hái dược liệu GACP của Tổ chức Y tế thế giới.

Hướng đi này vừa tạo việc làm và thu nhập cho địa phương và người dân, vừa chủ động nguồn nguyên liệu, góp phần hiện thực hóa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, từ đó nâng tầm vị thế Traphaco trên thị trường.

Thế giới đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy do ô nhiễm môi trường, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên, cũng như quá trình nóng lên của trái đất gây ra thiên tai, bão lũ… Để hạn chế và giải quyết các vấn này, cần có sự chung tay của tất cả các bên gồm Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Chung tay vì một cuộc sống tốt hơn, thân thiện môi trường hơn là điều mà doanh nghiệp chú trọng để vươn xa hơn trong hành trình phát triển.

Tin bài liên quan