CTCK Bản Việt sẵn sàng cho “cuộc đua” phía trước

CTCK Bản Việt sẵn sàng cho “cuộc đua” phía trước

(ĐTCK) Tròn 5 năm thành lập, CTCK Bản Việt (VCSC) vừa công bố hệ thống nhận diện thương hiệu mới, đồng thời chuyển văn phòng về tầng 15 Bitexco Financial Tower - khu văn phòng có thiết kế hiện đại nhất tại trung tâm TP. HCM. Sự thay đổi này không mang tính hình thức mà đánh dấu sự lớn mạnh của VCSC.

5 năm một chặng đường

Cách đây 2 năm rưỡi, trong ĐHCĐ thường niên 2010, cổ đông đã đặt một câu hỏi khó với Ban lãnh đạo VCSC: “Làm cách nào để giới đầu tư không nhầm lẫn giữa hai thương hiệu Bản Việt và Bảo Việt. Làm sao để thương hiệu Bản Việt lan tỏa trong cộng đồng nhà đầu tư?”. Tại thời điểm đó, so với thương hiệu bảo hiểm Bảo Việt đã có bề dày lịch sử 45 năm, thương hiệu CTCK Bảo Việt đã có 10 năm thì cái tên Bản Việt quả thực bị phủ dưới bóng của những “người khổng lồ”.

Ở tuổi lên 3, VCSC vẫn thuộc nhóm các CTCK có quy mô trung bình trên thị trường với 360 tỷ đồng vốn điều lệ, thị phần môi giới khiêm tốn, nằm trong Top 20, Công ty có duy nhất một phòng giao dịch tại TP. HCM và một chi nhánh ở Hà Nội.

Dù vậy, ngay từ khi mới hoạt động, Bản Việt đã khuấy động thị trường qua các thương vụ tư vấn M&A mang tính tiên phong. Khởi đầu, năm 2008, VCSC tư vấn cho Tập đoàn Holcim mua lại Xi măng Cotec và PVD Invest sáp nhập vào PV Drilling. Năm kế tiếp, VCSC tư vấn cho Xi măng Hà Tiên 2 sáp nhập vào Xi măng Hà Tiên 1.

Trong vòng hai năm gần đây, VCSC thuộc Top các CTCK bứt phá mạnh nhất mà vẫn duy trì được sự ổn định và tăng trưởng đều đặn. Cụ thể, mảng môi giới sau thời gian đầu phát triển thận trọng, bắt đầu từ quý IV năm 2010, VCSC đã lọt vào Top 10 CTCK giữ thị phần môi giới lớn nhất tại HOSE. Theo công bố mới nhất, vào quý III/2012, VCSC đứng thứ 5 tại HOSE với tỷ lệ 5,07% thị phần.

Ở một góc độ nào đó, Bản tin nhận định thị trường là hình ảnh thu nhỏ của CTCK và là cầu nối CTCK với nhà đầu tư. Về điều này, khoảng 1 năm trở lại đây, chất lượng phân tích của VCSC được nâng cao rõ rệt, thu hút nhiều người đọc hơn. Theo cuộc bình chọn trên Vfpress.vn - diễn đàn tài chính thu hút nhiều thành viên từ CTCK, giới quản lý quỹ, báo cáo phân tích của VCSC được đánh giá cao nhất. Thông tin nhanh, độ phủ các sự kiện rộng, đặc biệt là bình luận về kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trái phiếu và cập nhật các chuyến viếng thăm các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu được xem là điểm mạnh riêng trong báo cáo của VCSC.

Thế mạnh của VCSC trong hoạt động tư vấn tiếp tục phát triển ở giai đoạn 2010 - 2012 khi VCSC thực hiện một loạt thương vụ khó và có độ phức tạp cao. Tiêu biểu trong số này là thương vụ tư vấn chào mua công khai 50,1% cổ phần của CTCP Vinacafé Biên Hòa, tư vấn cho CTCP Hàng tiêu dùng Masan chào bán riêng lẻ cổ phần cho Kohlberg Kravis Roberts (KKR) - một trong các tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới.

Sau 5 năm hoạt động, VCSC hiện là một trong số ít CTCK gây dựng được bản sắc. Nếu như CTCK SSI được biết đến nhiều bởi thế mạnh về nguồn vốn và hoạt động đầu tư, CTCK HSC gây ấn tượng với “ngôi vương” trong hoạt động môi giới thì cái tên Bản Việt thường gắn liền với các thương vụ tư vấn đình đám. Bản Việt đã gặt hái khá nhiều giải thưởng của các tổ chức quốc tế như Finance Asia, Alpha South East Asia, The Asset về hoạt động tư vấn M&A, tư vấn phát hành tăng vốn… Câu hỏi của cổ đông cách đây 2 năm đã được Ban lãnh đạo VCSC trả lời bằng hành động cụ thể.

 

Nhân tố chiều sâu

Bí quyết vươn lên của VCSC nằm ở chiến lược phát triển đúng đắn và mục tiêu hoạt động nhất quán. Ngay từ những ngày đầu thành lập, VCSC đã chọn cho mình hướng đi khá riêng và trung thành với chiến lược này: mảng hoạt động ngân hàng đầu tư (IB) được định vị là mảng hoạt động “lõi”. Trong hoạt động tư vấn tài chính, thị phần của VCSC luôn chiếm tỷ lệ rất cao so với các công ty cùng ngành, đồng thời mang lại nguồn doanh thu đáng kể cho Công ty. Bám sát hoạt động IB, nên ngay cả khi TTCK suy thoái dài hạn, VCSC vẫn hoạt động ổn định, tăng trưởng đều đặn về doanh thu và lợi nhuận. 

CTCK Bản Việt sẵn sàng cho “cuộc đua” phía trước ảnh 1

Trong vòng hai năm gần đây, VCSC thuộc Top các CTCK bứt phá mạnh nhất mà vẫn duy trì được sự ổn định và tăng trưởng đều đặn. Trong ảnh: khu lễ tân trụ sở văn phòng VCSC tại tầng 15 tòa nhà Bitexco, TP. HCM.

Các mảng khác hoạt động xoay quanh trục chính IB khiến VCSC phát triển cân đối, vươn lên ngay trong cả điều kiện TTCK khó khăn nhất. Chẳng hạn, VCSC hạn chế tự doanh “lướt sóng” theo thị trường. Các khoản đầu tư của VCSC phần lớn gắn với hoạt động ngân hàng đầu tư và ưu tiên đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp tiềm năng là khách hàng tư vấn niêm yết, tư vấn M&A. Về môi giới, trong khi nhiều CTCK khác gia tăng thị phần bằng phương pháp “cơ học” như cho phép sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ cao để thu hút khách hàng, VCSC âm thầm phát triển theo hướng “hữu cơ”: thông qua hoạt động tư vấn niêm yết, VCSC thu hút một lượng khách hàng đáng kể là CB-CNV của các công ty sắp lên sàn..., ngoài lượng NĐT được môi giới kéo về hay tự tìm đến vì thương hiệu Công ty.

Lãnh đạo VCSC là những người có tầm nhìn và đeo đuổi các mục tiêu dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, VCSC vẫn không quên gia tăng chất lượng phục vụ đối với khối khách hàng cá nhân, biểu hiện rõ nhất ở mảng công nghệ. Sau khi đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm lõi giao dịch, VCSC tiếp tục đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tối đa hóa tốc độ xử lý lệnh, đảm bảo tính xác thực. Mới nhất, để cung cấp các tiện ích giao dịch cho khối khách hàng cá nhân, VCSC còn là CTCK tiên phong cung cấp dịch vụ V Mobile - ứng dụng giao dịch chứng khoán trực tuyến trên các sản phẩm ứng dụng hệ điều hành iOS thế hệ mới (Iphone, Ipad, New Ipad và Ipod Touch...).

“Trong ngành chứng khoán, xét cho cùng, tài sản lớn nhất là chất xám. VCSC hiểu con người chính là yếu tố tạo nên sự thành công, nên không ngừng đầu tư, dù trong hoàn cảnh TTCK khó khăn”, ông Huỳnh Richard Lê Minh, Phó tổng giám đốc của VCSC nói với ĐTCK khi đề cập đến việc VCSC “xài sang” nhân sự nước ngoài. Giá trị tài sản vô hình này không phải ai cũng nhận ra: hiện tại, các vị trí giám đốc nghiệp vụ của VCSC xen kẽ giữa nhân sự cao cấp nội địa và nước ngoài. Họ hoạt động song song và bổ trợ lẫn nhau. Gần đây nhất, VCSC mời thêm chuyên gia Robert Zielinski về dẫn dắt bộ phận Nghiên cứu và phân tích. Với thâm niên hơn 30 năm làm phân tích và quản lý tại các định chế lớn nước ngoài như J. H. Whitney Investment Management, UBS Global Asset Management, Lehman Brothers (châu Á), nhân sự mới này được kỳ vọng sẽ thổi thêm luồng sinh khí, sự tươi mới cho các bản tin sắp tới của VCSC.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng, VCSC không phải không có các điểm yếu. Hiện nay, với quy mô vốn điều lệ 400 tỷ đồng, Công ty mới ở quy mô vốn trung bình trên thị trường. Được xếp vào Top 3 CTCK đứng đầu TTCK hiện nay cùng với SSI và HSC, nhưng VCSC chưa tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài giống như hai đối thủ lớn.

Trao đổi với ĐTCK, ông Tô Hải, Tổng giám đốc VCSC bày tỏ sự khiêm nhường: “Ba năm tới, mục tiêu của VCSC không phải là lãi bao nhiêu tỷ, trả cổ tức bao nhiêu % mà đơn giản là duy trì được sự tồn tại trong điều kiện TTCK vẫn còn rất khó khăn”.

TTCK Việt Nam đang bước sang giai đoạn đào thải khốc liệt. Với việc đầu tư có chiều sâu và củng cố nguồn lực ngay trong lúc thị trường khó khăn, VCSC đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc ma-ra-tông phía trước, khi các đối thủ lớn khác cũng đã sẵn sàng.