CTCK lớn: vì sao chưa tách “tận chân” tiền gửi nhà đầu tư?

CTCK lớn: vì sao chưa tách “tận chân” tiền gửi nhà đầu tư?

(ĐTCK) Tốc độ giao dịch của NĐT tư chậm, khó triển khai các sản phẩm tiện tích khác và khó giải quyết hơn khi có tranh chấp xảy ra là những lý do khiến các CTCK lớn "đứng ngoài cuộc chơi" tách bạch tài khoản tiền giử NĐT.

Chúng tôi có cung cấp dịch vụ, nhưng…

CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) có thị phần môi giới trên HOSE quý I/2013 lên tới 13,82% cũng nằm trong danh sách chưa tách bạch tiền gửi tận chân tài khoản NĐT. Những CTCK khác đáng chú ý như: CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), CTCP Chứng khoán MB (MBS), CTCP Chứng khoán FPT (FPTS), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS)… cũng chưa công bố việc tách bạch tiền gửi tận chân NĐT tại ngân hàng.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC cho biết, không phải là HSC không cung cấp dịch vụ tách bạch tiền gửi tận chân NĐT, mà thực tế là HSC đã kết nối giao dịch với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cho phép khách hàng mở tài khoản tiền gửi tại đây để giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, gần như 100% khách hàng, đặc biệt là các NĐT giao dịch thường xuyên, đều muốn nộp tiền gửi giao dịch vào tài khoản tổng của NĐT do CTCK quản lý, vì những lợi ích của việc gửi tiền qua tài khoản tổng (đã tách bạch), thay vì để vào tài khoản riêng của khách hàng mở tại ngân hàng.

CTCK lớn: vì sao chưa tách “tận chân” tiền gửi nhà đầu tư? ảnh 1

Có 3 nguyên nhân chủ yếu khiến các CTCK lớn không đẩy mạnh tách bạch tài khoản tiền gửi khách hàng

Đại diện CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết, với hệ thống phần mềm hiện đại, TVSI đủ khả năng để kết nối trực tuyến với ngân hàng, cho phép khách hàng mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng để thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, cũng với những lý do liên quan đến việc giảm tiện ích của khách hàng, nên TVSI mới vận hành theo mô hình tài khoản tổng, chứ chưa triển khai hệ thống quản lý tận chân tiền gửi nhà đầu tư, dù công nghệ của Công ty đủ sức đáp ứng.

Tại CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDS), đơn vị mà thị phần môi giới quý I/2013 xếp thứ 5 trên HOSE, cũng đang triển khai hệ thống quản lý tận chân tài khoản tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng, ước đến quý IV năm nay sẽ đưa vào thực hiện. “Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến cáo NĐT sử dụng tài khoản tiền gửi riêng tại ngân hàng, vì sự chậm trễ trong tốc độ đặt lệnh giao dịch và những trục trặc khác có thể phát sinh”, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc VNDS nói.

 

3 nguyên nhân của tình trạng “đứng ngoài cuộc chơi”

Trao đổi với nhiều CTCK lớn, ĐTCK nhận thấy có 3 nguyên nhân chủ yếu khiến các CTCK lớn không đẩy mạnh tách bạch tài khoản tiền gửi khách hàng.

Trước hết là yếu tố chậm tốc độ giao dịch của NĐT. Ông Trịnh Hoài Giang cho biết, mỗi ngày tại HSC có khoảng 6.000 đến 14.000 lệnh giao dịch chứng khoán. Nếu tiền gửi từng NĐT để tại ngân hàng thì mỗi giao dịch của khách hàng, CTCK lại phải kiểm tra lại với ngân hàng để đảm bảo số tiền gửi của khách hàng đủ để giao dịch. Nếu cứ phải kiểm tra liên tục như thế, trong trường hợp khách hàng sử dụng cùng lúc hàng chục giao dịch, thì ngoài việc chậm tốc độ đặt lệnh, có thể sẽ dẫn tới tình trạng bị nghẽn kết nối, không đảm bảo yêu cầu cho khách hàng.

Đây cũng là quan ngại chung của hầu hết các CTCK. Tại CTCK Ngân hàng Ngoại thương, lãnh đạo Công ty cho biết, đối với các CTCK nhỏ, địa bàn hoạt động chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP. HCM, rất dễ được hỗ trợ từ phía ngân hàng, nhưng VCBS là CTCK lớn, địa bàn trên cả nước, nên khó có thể được hỗ trợ để đảm bảo kết nối tốt tại tất cả các nơi. Ngay cả trong trường hợp kết nối với ngân hàng mẹ -Vietcombank, hiện là ngân hàng mạnh nhất về Internet banking, thì vẫn có thể có xác suất bị trục trặc. “Trong khi đó, giao dịch chứng khoán đòi hỏi phải tức thời, phải chính xác”, vị này nhấn mạnh.

Nguyên nhân thứ hai khiến các CTCK lớn e ngại là việc cung cấp các dịch vụ tiện ích, trong tương lai là sản phẩm tiện ích khác cho khách hàng sẽ khó thực hiện, nếu khách hàng chỉ sử dụng tài khoản tiền gửi riêng mở tại ngân hàng. “Đối với dịch vụ cho khách hàng giao dịch ký quỹ, CTCK phải thu tiền về trước khi trả lại tiền còn lại cho khách hàng. Trong tương lai là các sản phẩm tiện ích khác như chứng khoán phái sinh, nếu không kiểm soát được số dư khách hàng, không chủ động cấn trừ được số dư tiền gửi, thì không thể triển khai dịch vụ được”, Phó tổng giám đốc HSC cho biết.

Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng, đó là cơ chế xử lý tranh chấp trong trường hợp phát sinh những rủi ro từ giao dịch của khách hàng chưa có. Với hạ tầng đường truyền như hiện nay, không thể đảm bảo lỗi kết nối ngân hàng không có, khi xảy ra sẽ ảnh hưởng tới giao dịch của khách hàng. Ngoài ra có thể sẽ phát sinh những trục trặc khác, ảnh hưởng đến NĐT, trong khi cơ chế để xác minh lỗi do CTCK hay ngân hàng cũng như xử lý tranh chấp phát sinh chưa có, sẽ dẫn đến hệ lụy phức tạp.

 

Chống trục lợi tài khoản tiền gửi NĐT, cách nào?

Trong quá trình trao đổi với ĐTCK, ông Giang (HSC) nhận xét: “Việc tách bạch tài khoản tiền gửi NĐT là để tránh nguy cơ CTCK lạm dụng tài khoản tiền gửi khách hàng, nhưng nếu ngân hàng không hoạt động giống như ngân hàng lưu ký, thì việc trục lợi của CTCK vẫn có thể xảy ra”. Theo vị này, nếu ngân hàng chỉ thực hiện chuyển tiền theo báo cáo kết quả khớp lệnh từ riêng CTCK, mà không có điều kiện bóc tách lệnh khớp theo kết quả trực tiếp từ Trung tâm Lưu ký chuyển về, thì khả năng CTCK chèn lệnh tự doanh vào là có thể, như vậy, tách bạch tận chân tài khoản tiền gửi NĐT cũng… thừa.

Ngoài ra, một số CTCK cho biết, do ngân hàng vẫn chuyển tiền giao dịch từ 3 giờ chiều ngày T+0, nên trong khoảng thời gian chờ thanh toán đến T+2, nếu CTCK cố tình trục lợi, làm thiệt hại tài khoản NĐT thì vẫn có cơ hội. Vì thế, quan trọng nhất là khâu giám sát từ phía thị trường và NĐT, chứ tách bạch tài khoản tiền gửi không là không đủ.

Kinh nghiệm tại HSC liên quan đến vấn đề này được tóm gọn trong 3 từ “KYC”, tức là am hiểu khách hàng của mình. Có nghĩa, khách hàng phải được xác minh chữ ký thực, số điện thoại thực, email thực… để đảm bảo mọi giao dịch phát sinh đều ngay lập tức báo về cho khách hàng, chưa kể sao kê tài khoản định kỳ, đột xuất. Đây cũng là cách mà nhiều CTCK đang làm để tránh rủi ro. Việc tách bạch hoàn toàn các bộ phận môi giới, thanh toán, cho vay ký quỹ, kiểm tra kiểm soát cũng khiến cho việc lạm dụng tài khoản của khách hàng bị giảm thiểu gần như tuyệt đối. Cách làm này của HSC được nhiều CTCK lớn áp dụng, đặc biệt là khâu tách biệt các bộ phận hoạt động, kiểm soát rủi ro. Lãnh đạo VCBS cho biết, tại VCBS, mọi giao dịch trên tài khoản tiền gửi tổng của khách hàng đều được kiểm toán, kiểm tra chi tiết, nên việc lạm dụng tài khoản tiền gửi NĐT là rất khó.

Tổng giám đốc một CTCK nhận định, ngoài ý thức tuân thủ luật pháp của CTCK, nếu chế tài trên TTCK thực sự mạnh, như phạt tiền lên tới hàng chục tỉ đồng nếu vi phạm luật, hay bỏ tù các cá nhân trục lợi trên tài sản NĐT, thì vi phạm trên TTCK sẽ tự khắc giảm thiểu.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Tài chính SSI

 

 
Về tinh thần chung, SSI hoàn toàn ủng hộ việc tách bạch tiền của nhà đầu tư và tiền của công ty chứng khoán - việc duy trì sự minh bạch sẽ bảo vệ nhà đầu tư và từ đó bảo vệ sự bền vững của thị trường, mà trong đó SSI là 1 thành viên mong muốn hướng tới sự phát triển bền vững.

 

Về triển khai thực hiện, SSI cũng nhất trí cao với UBCK về việc duy trì 2 phương thức: nhà đầu tư tự lựa chọn dịch vụ của CTCK - quản lý tiền gửi nhà đầu tư thông qua tài khoản tổng và nhà đầu tư mở tài khoản tiền trực tiếp tại ngân hàng có kết nối với tài khoản chứng khoán tại CTCK.

 

SSI đã đang xây dựng hệ thống kết nối với ngân hàng và đang trong quá trình thử nghiệm để đảm bảo hệ thống sẵn sàng đáp ứng sự lựa chọn phương thức quản lý tài khoản của nhà đầu tư trước thời hạn đã định là 15/1/2014.

 

Đồng thời, chúng tôi cũng tôn trọng và đáp ứng sự lựa chọn của những khách hàng ưa thích phương thức quản lý tiền gửi qua tài khoản tổng tại ngân hàng thương mại, vì phương thức ngân hàng quản lý tới từng tài khoản nhà đầu tư có những hạn chế nhất định:

 

* Khi phát sinh những trục trặc về hệ thống, sẽ phát sinh tranh chấp 3 bên - khó giải quyết và mất thời gian giải quyết hơn là khi CTCK chịu trách nhiệm trực tiếp với nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, một số ngân hàng thương mại cũng đã để xảy ra nhiều sự vụ ảnh hưởng tới quyền lợi tài chính của khách hàng.

 

* Quy trình kết nối 3 bên có thể dẫn tới những chậm trễ đối với giao dịch đặt lệnh mua/bán của khách hàng, làm ảnh hưởng tới việc chớp lấy cơ hội sinh lợi của khách trong giao dịch chứng khoán.

 

* Một CTCK chỉ có thể kết nối với một số lượng hạn chế các ngân hàng, thông thường là 1-2 ngân hàng, và do đó buộc khách hàng cũng chỉ có thể mở tài khoản tiền tại số ít ngân hàng này. Đây là điểm kém tiện lợi với khách hàng ở nhiều địa phương khác nhau.

 

* Việc đối chiếu số liệu giữa 3 bên cũng sẽ tốn thời gian và nhân lực hơn, có thể làm chậm quá trình đáp ứng nhu cầu thông tin của khách hàng.

 

Ngoài ra, khi CTCK quản lý tiền gửi NĐT thông qua tài khoản tổng thì việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính như cho vay ký quỹ sẽ thuận tiện hơn.

 

Tựu trung thì mỗi phương thức đều không thể hoàn hảo trên mọi khía cạnh, nhà đầu tư sẽ tự mình cân nhắc ưu điểm của từng phương án và căn cứ vào tín nhiệm của CTCK để lựa chọn.