CTCK tìm cách thoát lỗ

CTCK tìm cách thoát lỗ

Với kết quả kinh doanh tiếp tục sa sút trong quý III vừa qua, các CTCK đang phải chạy đua trong những tháng cuối năm nhằm vớt vát cho 1 năm tài chính đầy những mảng tối.

Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện nay có 56/104 CTCK báo lỗ trong kỳ BCTC quý III/2012 với lợi nhuận sau thuế âm 212 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ sự san sẻ từ các CTCK báo lãi lớn nên lũy kế 9 tháng, các CTCK vẫn đạt doanh thu 7.864 tỷ đồng (giảm gần 29% so với cùng kỳ năm ngoái) và lãi hơn 1.100 tỷ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái).

Các CTCK lỗ nặng nhất quý III/2012 đa phần là các CTCK đã đẩy mạnh tự doanh trong quý và phải trích lập dự phòng lớn. Chẳng hạn, CTCK Kim Long (KLS) lỗ 91,5 tỷ đồng, CTCK Xuân Thành (VIX) lỗ 78 tỷ đồng, CTCK Techcombank lỗ 19 tỷ đồng. Điều đáng nói là cả 3 CTCK này đều ghi nhận lợi nhuận dương trong BCTC bán niên 2012.

Tương tự, với lý do trích lập dự phòng riêng cho các công ty liên kết, CTCK Sài Gòn (SSI) chỉ lãi 15 tỷ đồng trong khi 6 tháng đầu năm lãi hơn 300 tỷ đồng. Một trường hợp lỗ nặng trong quý III vừa qua là CTCK ACB (ACBS) với khoản tiền thua lỗ gần 56 tỷ đồng. Dù vậy, lũy kế 9 tháng năm 2012, ACBS vẫn lãi 140 tỷ đồng nhờ lợi nhuận ở những tháng đầu năm.

Dẫn đầu về lợi nhuận trong quý III vừa qua là CTCK TPHCM (HCM) lãi 44 tỷ đồng, tiếp sau là CTCK FPT (FPTS) lãi 30 tỷ đồng, CTCK Vietinbank (CTS) lãi 16 đồng. Tuy nhiên, dẫn đầu về lợi nhuận 9 tháng lại thuộc về SSI, kế đến mới là HCM, ACBS và FPTS. Trong nhóm các CTCK có lãi trong quý III vừa qua, nhưng lũy kế 9 tháng  CTCK Sacombank (SBS) dẫn đầu về mức thua lỗ. Cụ thể, trong quý III/2012 SBS lãi 9 tỷ đồng, nhưng lũy kế 9 tháng vẫn lỗ gần 130 tỷ đồng.

Bản thân các CTCK lỗ cũng đã nhận thức được vấn đề nên liên tục có những thay đổi nhằm cải thiện thị phần môi giới. Chẳng hạn, CTCK Rồng Việt (VDSC) vừa triển khai hệ thống giao dịch trực tuyến (iDragon) phiên bản 2012.

Hệ thống mới này được hoàn thiện và nâng cấp với nhiều tiện ích và tính năng mới như: giao diện đặt lệnh với nhiều thông tin hỗ trợ trên cùng một màn hình, giúp NĐT thực hiện đặt lệnh đơn giản, nhanh chóng; kiểm soát linh hoạt các giao dịch trên tài khoản giao dịch ký quỹ, thực hiện gia hạn hợp đồng ký quỹ trực tuyến; cổng thông tin CK trực tuyến với kho dữ liệu phân tích đầu tư hữu dụng, tích hợp biểu đồ phân tích kỹ thuật đầy đủ các tham số.

Ngoài yếu tố công nghệ, các CTCK cũng chạy đua giảm phí giao dịch nhằm lôi kéo NĐT và nâng cao doanh thu môi giới. Điển hình là CTCK VPBank (VPBS), ngay sau khi tăng vốn điều lệ thành công từ 500 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng, CTCK này đã quyết định giảm lãi suất cho vay margin xuống còn 14,5%/năm kể từ ngày 12/11.

Theo VPBS, việc giảm lãi suất cho vay margin nằm trong cam kết tiếp tục hỗ trợ NĐT trong bối cảnh TTCK đang gặp khó khăn. Trước đó, các CTCK Bảo Việt (BVS), CTCK BIDV (BSC), FPTS… cũng có chính sách giảm phí giao dịch để giảm áp lực cho NĐT cũ, cũng như thu hút NĐT mới.

Việc các CTCK lớn này giảm phí giao dịch cũng phần nào khiến CTCK dẫn đầu về lợi nhuận trong quý III/2012 là HCM cũng cảm thấy bất an. Chính vì vậy, mới đây HCM đã có thông báo cho biết kể từ ngày 19/11 sẽ giảm phí giao dịch ký quỹ và ứng tiền bán CK từ 0,055%/ngày xuống còn 0,05%/ngày (tương đương 1,5%/tháng). Bên cạnh HCM, CTCK Vn Direct (VND) cũng chính thức áp dụng mức  phí giao ở mức 1,5%/tháng kể từ 19/11.