Cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker năm 1980.

Cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker năm 1980.

Cuộc chiến chống lạm phát của ông Jerome Powell liệu có gây đau đớn như thời ông Paul Volcker?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cục dự trữ liên bang Mỹ đã gây ra rất nhiều đau đớn cho người dân và doanh nghiệp Mỹ những năm 1980 để thuyết phục thị trường rằng họ nghiêm túc trong việc chống lạm phát.

Paul Volcker cảm thấy hơi bị lãng quên vào cuối năm 2017 khi ông bắt đầu thực hiện cuốn hồi ký của mình, cuốn hồi ký mà tôi giúp ông viết. Ở thời điểm đó, lạm phát không còn đáng sợ nữa, khủng hoảng tỷ giá hối đoái không phải là tin tức quan trọng. Vì vậy, vị cựu lãnh đạo 90 tuổi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu cuốn sách của mình bằng một câu chuyện vui về một con vẹt già khôn ngoan được gọi là “chủ tịch”. Ông nhấn mạnh rằng, tựa đề của cuốn hồi ký phải là “The Wise Old Parrot Speaks” (Tạm dịch: Chú vẹt già khôn ngoan nói).

Sẽ là dễ hiểu khi nhân viên tiếp thị của nhà xuất bản không thích tựa đề đó. Cuối cùng, tôi đã đưa ra cụm từ "cam kết bền vững" mà tôi đã phát hiện ra nó từng xuất hiện trong nhiều biên bản họp trước đây của Fed. Khuôn mặt của Volcker sáng lên khi ông chuyển nó sang một thứ ngôn ngữ đơn giản: “Hãy tiếp tục – Keep at it!” Và thế là chúng tôi đã có tựa đề của cuốn sách.

Hiện mọi người đều muốn biết liệu Fed có thể kiểm soát lạm phát trong thời gian sớm hay không. Chủ tịch Jerome Powell muốn thể hiện rằng ông đang theo dõi sát tình hình. Ông Powell đã tuyên bố Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiềm chế. Điều đó đã khiến một số người liên tưởng tới cuốn hồi ký “Hãy tiếp tục” của Volcker, người chống lạm phát nổi tiếng nhất của Mỹ. Mặc dù ông được ca tụng vì đã chiến thắng lạm phát, nhưng ít ai nhớ cuộc chiến đó đã khó khăn như thế nào và nền kinh tế đã phải chịu bao nhiêu đau đớn. Để thấy được thách thức phía trước dành cho ông Powell, chúng ta nên nhìn lại con đường gập ghềnh dẫn đến chiến thắng của ông Volcker.

Khi Tổng thống Jimmy Carter bổ nhiệm Chủ tịch Fed Volcker vào tháng 8/1979, ngân hàng trung ương cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Volcker đã chứng kiến ​​hai người tiền nhiệm của mình, Arthur Burns và Bill Miller, mất hết uy tín do không đối phó hiệu quả với giá cả tăng cao, khiến tâm lý lạm phát trở nên cố hữu trong đầu công chúng.

Mười ngày sau khi ông Volcker ngồi vào ghế Chủ tịch Fed, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất chiết khấu thêm nửa điểm phần trăm, lên mức kỷ lục 10,5%, và một tháng sau Fed lại tiếp tục tăng lãi suất. Nhưng tỷ lệ phiếu bầu ở lần tăng thứ hai là 4-3. Thị trường giải thích sự chia rẽ trong Ủy ban là dấu hiệu cho thấy Volcker đang mất đi sự ủng hộ và Fed sẽ sớm ngừng tăng lãi suất. Hãng tin AP dẫn lời Lawrence Kudlow, khi đó là nhà kinh tế học tại Bear Stearns - gần đây là cố vấn kinh tế cho cựu Tổng thống Donald Trump - nói rằng kết quả bỏ phiếu trên cho thấy “những điều chỉnh chính sách trong tương lai sẽ có tính rụt rè”.

Thị trường dường như đồng ý với nhận định này. Đồng đô la giảm giá và giá vàng tăng - cả hai đều đặt cược rằng lạm phát sẽ còn tăng nữa. Cuối tháng 9, Volcker tới một hội nghị ở Belgrade, nơi ông nghe ông Burns trình bày một bài phát biểu có tiêu đề: "Sự đau khổ của ngân hàng trung ương". Bài thuyết trình của ông Burns cho rằng các ngân hàng trung ương không thể áp dụng các chính sách cứng rắn cần thiết để chống lạm phát vì sự phản đối xã hội và chính trị. Ông Volcker quay trở lại Washington với ý định chứng minh Burns đã sai.

Để bảo vệ quan điểm của mình, Volcker quay sang chủ nghĩa tiền tệ - lý thuyết được nhà kinh tế học Milton Friedman ủng hộ. Friedman lập luận rằng, các ngân hàng trung ương nên kiểm soát lạm phát bằng cách kiềm chế sự tăng trưởng cung tiền trong nền kinh tế, thay vì sử dụng lãi suất làm đòn bẩy. Khi còn là một nhà kinh tế trẻ tại Fed New York, Volcker và nhiều đồng nghiệp đã coi cách tiếp cận cơ học như vậy là ngây thơ và sai lầm.

Nhưng trong những bức thư mà Volcker đã viết khi trở thành Chủ tịch Fed, trong đó có một bức gửi cho Friedman, Volcker rõ ràng đã coi chủ nghĩa trọng tiền là một công cụ hữu ích tiềm năng trong cuộc chiến chống lạm phát. Nhược điểm chính của công cụ này (trói tay các nhà hoạch định chính sách) có thể lại trở thành một điểm cộng khi nó được sử dụng để đảm bảo với thị trường rằng: Fed sẽ không (thực ra là không thể) lùi bước.

Chiều 6/10/1979, phát biểu trước các phóng viên tại một cuộc họp báo khẩn, Volcker tiết lộ chiến lược mới của Fed: Họ sẽ tập trung vào việc hạn chế lượng tiền lưu thông, bất kể điều này sẽ tác động đến lãi suất như thế nào. Nói cách khác, Fed sẽ dập tắt lạm phát bằng cách cắt giảm nguồn cung tiền sẵn có để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ (số lượng), thay vì chỉ tăng giá tiền (lãi suất).

Phản ứng của thị trường rất nhanh chóng. Cổ phiếu giảm giá, lãi suất ngắn hạn và dài hạn tăng lên mức kỷ lục, các ngân hàng thương mại tăng lãi suất tối thiểu cho các khoản vay doanh nghiệp lên 14,5%.

Trong một bài viết được đăng trên trang nhất của tờ Thời báo New York ngày 10/10, một người đứng đầu (giấu tên) của bộ phận giao dịch trái phiếu của một công ty lớn nói: “Tôi không thể nhớ một ngày giao dịch khác khi mọi thị trường đều bị giáng một đòn mạnh đến như vậy”. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu. Cuối cùng, lãi suất trung bình đối với các khoản vay thế chấp 30 năm đã vượt 18%.

Lãi suất tăng cao khiến nông dân tức giận. Họ là đối tượng dùng tiền vay để tài trợ cho việc trồng trọt của mình. Họ đã lái những chiếc máy kéo tới phong tỏa trụ sở của Fed ở Washington. Những người làm trong lĩnh vực xây dựng nhà ở gửi thư cho Volcker với lời lẽ giận dữ.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nghi ngờ rằng cách tiếp cận này sẽ thành công trong việc dập tắt lạm phát, vốn đang ở mức trên 11% vào năm 1979 và leo lên 13% vào năm 1980. Volcker nhớ lại cuộc họp với một nhóm giám đốc điều hành, một trong số họ nói với ông rằng ông ta vừa đồng ý tăng lương cho người lao động 13% trong mỗi ba năm tiếp theo.

Tổng thống Carter cũng nỗ lực hỗ trợ Fed. Tháng 3/1980 ông tuyên bố cắt giảm một loạt chi tiêu để cân bằng ngân sách. Điều đó đã được hoan nghênh. Điều mà Volcker và các đồng nghiệp Fed của ông không thích - nhưng cảm thấy buộc phải công khai ủng hộ - là quyết định áp đặt "kiểm soát tín dụng", về cơ bản đặt ra một số giới hạn về số tiền ngân hàng có thể cho vay và mọi người có thể vay.

Để thể hiện sự ủng hộ của mình đối với chính sách này người Mỹ đã cắt thẻ tín dụng của họ và gửi chúng đến Nhà Trắng. Sau này Volcker đã viết trong hồi ký của mình: kết quả là cung tiền đã giảm đột ngột và suy thoái “nhân tạo” đã xảy ra. Fed đã buộc phải đảo ngược chính sách một cách bất ngờ: Nới lỏng khả năng tiếp cận tiền và tín dụng, trước khi tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát vào mùa thu năm 1980.

Vào giữa năm 1981, kinh tế Mỹ lại rơi vào một cuộc suy thoái khác, tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 11%. Làn sóng chỉ trích Fed ngày càng mạnh mẽ. Fed đã phải yêu cầu ông Volcker đồng ý sử dụng vệ sĩ để bảo vệ an toàn cho ông.

Một năm sau, một người đàn ông có vũ trang đã bị bắt sau khi xâm nhập tòa nhà của Fed và dọa bắt ban điều hành làm con tin. Những người biểu tình la hét làm gián đoạn các bài phát biểu của Volcker. Có lần họ đã thả chuột ra khi khán giả đang lắng nghe ông Volcker phát biểu. Một số thành viên Quốc hội đe dọa sẽ luận tội ông Volcker.

Trong hồi ký của mình Volcker đã viết rằng, cách tiếp cận theo chủ nghĩa tiền tệ đã giúp ông và các đồng nghiệp Fed của mình chống lại sự cám dỗ nhượng bộ các nhà phê bình.

“Tôi cho rằng nếu một nhà tiên tri Delphic nào đó thì thầm vào tai tôi rằng chính sách của chúng tôi sẽ dẫn đến lãi suất từ ​​20% trở lên, tôi có thể đã thu dọn đồ đạc để về nhà,” ông viết. “Nhưng điều đó không xảy ra. Chúng tôi đã có một thông điệp để gửi đến công chúng và cho chính chúng tôi”.

Vào mùa hè năm 1982, lạm phát đã giảm trở lại mức một con số. Lo lắng về những rủi ro mà Mexico và các quốc gia Mỹ La-tinh khác có thể gây ra cho các ngân hàng Mỹ khi đã cho các chính phủ trong khu vực vay hàng tỷ đô la, Volcker đã dứt bỏ “cuộc tình ngắn ngủi” của mình với chủ nghĩa tiền tệ. Fed đã dành vài năm tiếp theo để giải quyết một loạt các thảm họa tài chính xuất phát từ chính sách thắt chặt tiền tệ của mình, bao gồm cả việc tái cơ cấu các khoản nợ của các quốc gia Mỹ La-tinh, sau khi rất nhiều tổ chức đã vay nợ quá mức trong kỷ nguyên tiền tệ lỏng lẻo trước đó.

Giờ đây, với những thông điệp cứng rắn và một loạt các đợt tăng lãi suất siêu mạnh, Fed của ông Powell dường như đang cố gắng chứng tỏ rằng, họ cũng đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để kéo tụt lạm phát. Nhưng những huyền thoại về Volcker, một siêu chiến binh chống lạm phát, lại thường không đề cập tới việc trận chiến đó tốn kém như thế nào.

Nhiều năm sau, trong một cuộc trò chuyện với tôi khi tôi giúp ông viết hồi ký, Volcker vẫn vật lộn với câu hỏi liệu ông đã có thể làm gì khác hơn và ít gây tổn hại hơn cho người lao động và nền kinh tế Mỹ hay không.

“Vào thời điểm đó, tôi có nhận ra lãi suất có thể tăng cao như thế nào trước khi chúng tôi có thể tuyên bố thành công không? Không”, Volcker viết trong hồi ký của mình. “Từ vị trí thuận lợi của ngày hôm nay, có con đường nào tốt hơn không? Tôi không biết. Không phải lúc đó hay bây giờ”.

Bài kiểm tra thực sự đối với Powell và các đồng nghiệp của ông là liệu họ có thể kiên định hay không nếu nền kinh tế và hệ thống tài chính bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng nghiêm trọng. Volcker nói với tôi rằng ông ủng hộ việc đề cử Powell làm Chủ tịch Fed vì ông Powell có kiến thức nền tảng về tài chính và Bộ Tài chính - kinh nghiệm mà Volcker tin rằng sẽ giúp ông Powell hiểu rõ hơn về tác dụng thực của các chính sách tiền tệ. Tôi nghi ngờ việc Volcker sẽ hối thúc Powell “tiếp tục”, vì giải pháp thay thế là làm mất đi sự tín nhiệm [của Fed] - điều mà Volcker đã phải rất vất vả để khôi phục lại.

Tin bài liên quan