Thói quen mua sắm của người dân nông thôn vẫn ưu tiên các cửa hàng bách hóa gần nhà.

Thói quen mua sắm của người dân nông thôn vẫn ưu tiên các cửa hàng bách hóa gần nhà.

Cuộc đua “điểm chạm” kết nối hàng hóa trong logistics

Xu thế số hóa cùng thị trường rộng mở là những cú hích quan trọng giúp các tên tuổi công nghệ trong logistics mở rộng thị trường.

Âm thầm tiếp cận thị trường Việt

Cuối năm 2022, khi VinShop - ứng dụng được xây dựng và phát triển bởi Công ty cổ phần One Mount Distribution - thành viên của One Mount Group, kết hợp với đối tác chiến lược Ngân hàng Techcombank kỷ niệm 2 năm ra mắt thị trường, thì Ninja Van - Tập đoàn E-logistics hàng đầu Đông Nam Á đã công bố các khoản đầu tư 100 triệu USD nhằm tăng khả năng phục vụ khách hàng, đảm bảo vận chuyển hàng hoá thông suốt trên toàn khu vực.

Hoạt động từ năm 2014, dù có mạng lưới hoạt động rộng khắp Đông Nam Á, Ninja Van tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái cung cấp công cụ và dịch vụ giá trị gia tăng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt. Mạng lưới 2.600 trạm giao nhận tại 6 nước Đông Nam Á đã tạo nền tảng vững chắc giúp Ninja Van cung cấp giải pháp giao - nhận vượt trội tới doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.

Giống như VinShop, Ninja Mart tiếp cận “miền đất hứa” là thị trường nông thôn. Đây được coi là thị trường không dễ tiếp cận đối với các nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Thói quen mua sắm của người dân nông thôn (nơi chiếm tới 65% dân số Việt Nam) vẫn ưu tiên các cửa hàng tạp hóa gần nhà. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thị trường nông thôn vẫn rất khó tiếp cận do dân cư thưa, địa bàn rộng lớn trong khi hệ thống giao thông không thuận lợi.

Theo ông Bharath Palukurthi, Giám đốc vận hành Tập đoàn Logistics Ninja Van, các thương hiệu FMCG muốn thâm nhập thị trường này sẽ cần vốn đầu tư lớn để xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa và nguồn nhân lực để thúc đẩy kinh doanh.

Thực tế, cùng thời điểm VinShop ra đời, từ năm 2020, Ninja Mart cũng đã âm thầm tiếp cận thị trường Việt Nam, “phủ sóng” tại 29 tỉnh, thành phố và kết nối, phân phối hàng hóa đến hơn 30.000 cửa hàng tạp hóa. Đáng chú ý, Ninja Mart đã hợp tác với Tập đoàn Carabao, một tên tuổi trong lĩnh vực đồ uống hàng đầu của Thái Lan, giúp họ tăng doanh thu khi mở rộng thị phần ở Việt Nam.

Trong khi đó, với mạng lưới cửa hàng tạp hóa kết hợp với ứng dụng VinID sở hữu 10 triệu khách hàng, VinShop đã bước đầu tạo nên mô hình B2B2C đầu tiên trên thị trường bán lẻ Việt. Hiện VinShop đã liên kết với 100.000 tạp hóa tại hơn 20 tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước.

Telio được hậu thuẫn bởi VNG với khoản đầu tư lên tới 22,5 triệu USD. Tên tuổi này cũng nỗ lực mở rộng tại gần 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ra đời muộn hơn, Karavan trực thuộc Công ty Teko - một thành viên của kỳ lân VNLife - chuyên hỗ trợ kết nối các thương hiệu FMCG với các cửa hàng tạp hoá, nhà hàng, tiệm cà phê... đã phát triển mạng lưới đại lý từ 8.000 lên 50.000 đơn vị. Mức tăng trưởng hiện tại vào khoảng 25%. Start-up này cũng đặt tầm nhìn dẫn đầu thị trường B2B tại Việt Nam.

Cách “”lấy lòng”” thị trường tạp hóa

Không chỉ phát triển mạnh về độ phủ, cuộc đua về các app logistics như Ninja Mart, VinShop, Telio, Karavan đã tạo ra bước ngoặt cho thị trường bán lẻ truyền thống khi hàng vạn tiệm tạp hóa từ thành thị về nông thôn sử dụng smartphone để nhập hàng, đã dần thành thạo tận dụng sức mạnh của công nghệ trong việc buôn bán.

Theo giới phân tích, để thắng trong cuộc đua này, các tên tuổi cần phải tập trung gia tăng thêm rất nhiều lợi ích cho khách hàng. Điển hình là phải biến những chủ tiệm tạp hoá thành những nhà kinh doanh thực thụ.

Chẳng hạn, VinShop sẽ đưa thêm nhiều tổ hợp hàng hoá mà chỉ ở VinShop mới có, để giúp khách hàng của mình gia tăng được lợi nhuận. Trong thời gian qua, ngoài 4.000 mặt hàng trên app là những mặt hàng rất là phổ biến, VinShop sẽ gia tăng thêm tổ hợp hàng hoá khác, hàng nhập khẩu độc quyền của VinShop.

“Dù có tốc độ phát triển tốt, nhưng VinShop vẫn còn rất nhiều dư địa thuận lợi để mở rộng sức ảnh hưởng với mô hình B2B2C đầu tiên tại Việt Nam”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc kế hoạch và tối ưu chuỗi cung ứng VinShop khẳng định.

Được biết, mục tiêu đến năm 2025, VinShop sẽ chiếm 15% tổng các giá trị hàng hoá đối với thị trường mà VinShop lựa chọn. Để làm được điều đó, VinShop vẫn tiếp tục hợp tác sâu với các nhà cung cấp, làm sao để có nguồn hàng chất lượng, ổn định.

Ngoài ra, VinShop sẽ giúp nhà cung cấp đưa những mặt hàng mới, mẫu mã mới đến các cửa hàng bán lẻ. App tiếp tục chuyển đổi những cửa hàng tạp hoá, để họ có đủ công cụ, kiến thức, kỹ năng về chất lượng hàng hoá, mô hình kinh doanh mà có thể cạnh tranh được với những xu hướng mới trong ngành bán lẻ trên thị trường.

Tuy nhiên, đại diện VinShop khẳng định vẫn luôn tập trung vào thế mạnh về công nghệ và logistics. Đối với công nghệ thì làm thế nào dựa trên dữ liệu để tối ưu từng điểm chạm, từng chi phí nhỏ nhất. Còn về logistics, thì tiếp tục mở rộng có thể kiểm soát được những thông tin một cách đầy đủ theo giờ, giá thực, làm sao để tiết kiệm được những khâu bị hao phí. Đồng thời công ty cũng chuẩn bị năng lực để làm sao đưa được hàng hoá đến những khu vực chưa có VinShop.

Tin bài liên quan