Cách nào để giảm chi phí logistics của Việt Nam?

Cách nào để giảm chi phí logistics của Việt Nam?

(ĐTCK) Tổng chi phí logistics của Việt Nam trong khu vực còn rất cao. Nếu chi phí vận tải trung bình của các nước chỉ là 30 - 40%/tổng chi phí thì của Việt Nam đang là khoảng 60%.

Chia sẻ tại phiên thảo luận thứ nhất: "Xu hướng logistics toàn cầu và hướng đi cho Việt Nam" của Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề "Logistics Việt Nam - Con đường phía trước” do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức sáng 5/10, bà Phạm Thị Bích Huệ, Sáng lập và Chủ tịch Công ty Western Pacific cho rằng, con đường phía trước của ngành logistics Việt Nam là đầy kỳ vọng và rất nhiều màu xanh. Chúng ta đã nhìn thấy những tín hiệu rất tốt từ phía Chính phủ. Tuy nhiên, điểm nghẽn vẫn là làm sao để giảm chi phí.

Theo bà Huệ, để ngành này phát triển, chúng ta cần nhìn lại định danh ngành logistics đang bao gồm rất nhiều ngành, nên cần phải luật hóa các ngành trong logistics để doanh nghiệp dễ triển khai và kêu gọi nhà đầu tư. Tổng chi phí logistics của Việt Nam trong khu vực còn rất cao. Nếu chi phí vận tải trung bình của các nước chỉ là 30 - 40%/tổng chi phí thì của Việt Nam đang là khoảng 60%.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Sáng lập và Chủ tịch Công ty Western Pacific chia sẻ tại phiên thảo luận thứ nhất. Ảnh: Lê Toàn

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Sáng lập và Chủ tịch Công ty Western Pacific chia sẻ tại phiên thảo luận thứ nhất. Ảnh: Lê Toàn

"Phải thay đổi từ con số chi phí vẫn còn rất lớn này. Ngoài ra, điểm nghẽn nữa là quy hoạch hạ tầng thiếu đồng bộ và địa phương hóa vùng miền chưa đáp ứng được nhu cầu cần của khách hàng. Hiện nay, xây dựng hạ tầng còn mang tính hình thức chưa địa phương hóa theo nhu cầu vùng miền…", bà Huệ cho biết.

Trong khi đó, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, Việt Nam mới chính thức gọi tên ngành logistics trong vài năm gần đây. Hạ tầng đúng là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên ngành logistics, chính vì vậy hạ tầng cần phải đi trước một bước… Và chúng ta đang nỗ lực để thay đổi yếu tố này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ phải thay đổi hạ tầng tĩnh của các trung tâm logistics tại các địa phương. Vấn đề này ở các địa phương chưa phát triển cũng như nhận thức đồng bộ kể cả địa phương có lợi thế…

Tuy nhiên, ông Hải cũng lo ngại năng lực của doanh nghiệp logistics. Bởi theo thống kê Việt Nam hiện có khoảng 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, con số không nhỏ, nhưng đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn rất ít chủ yếu hoạt động tại Việt Nam chưa vươn ra quốc tế. Trong khi kim ngạch Việt Nam đã xuất khẩu ra khoảng 200 thị trường trên thế giới.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương trao đổi tại phiên thảo luận thứ nhất. Ảnh: Lê Toàn

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương trao đổi tại phiên thảo luận thứ nhất. Ảnh: Lê Toàn

“Ngành logistics Việt Nam đang có những yếu tố thuận lợi cho phát triển nhiều Hiệp định thương mại tự do đã ký kết tạo động lực thúc đẩy hàng hóa đi ra bên ngoài. Xu hướng thu hút đầu tư thay đổi cũng giúp đẩy vốn đầu tư khỏi Trung Quốc và có thể sẽ vào Ấn Độ hay Việt Nam. Nhưng thách thức của chúng ta là chuyển đổi nhanh xanh hóa trong chuỗi cung ứng. Cả chuỗi cung ứng yêu cầu xanh chúng ta cũng phải xanh nếu không chúng ta sẽ bị đẩy ra ngoài chuỗi. Đây là vấn đề doanh nghiệp cần nhanh nhạy tìm hiểu và thay đổi”, ông Hải nói.

Chia sẻ tại Hội nghị ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp và dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, ý kiến về quy hoạch cho logistics chưa đồng bộ mà doanh nghiệp trao đổi là rất xác đáng. Luật Quy hoạch đang áp dụng cố gắng tích hợp để quy hoạch 63 địa phương có chung hội đồng thẩm định và hạn chế chồng chéo. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ cũng đang tập trung đưa ra các giải pháp đột phá về xây dựng hạ tầng, hệ thống đường bộ; ngành hải quan cũng đã áp dụng hải quan điện tử, 24/7, thủ tục thông quan nhanh.. Hiện nay, ngân hàng cũng mở rộng các chương trình thanh toán không dùng tiền mặt…

Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp và dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại phiên thảo luận thứ nhất. Ảnh: Lê Toàn

Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp và dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại phiên thảo luận thứ nhất. Ảnh: Lê Toàn

“Có những điểm cơ chế chính sách chưa theo kịp thực tế, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp cùng các bộ, ngành khác tham mưu xây dựng chính sách phù hợp với thực tế phát triển và nhu cầu phát triển của doanh nghiệp”, ông Tuấn Anh nói.

Trả lời câu hỏi về xu hướng xanh hoá của ngành logistics trong thời gian tới, ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành SLP Vietnam cho rằng, 2 tháng trước ông đã đến các cơ sở của hãng tại Trung Quốc và thấy rằng, cơ sở này ở Trung Quốc đã có cơ sở đa tầng, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất phục vụ nhãn hàng thời trang hàng đầu thế giới, tự động hóa đã được áp dụng từ đầu đến cuối và hiện chỉ còn 3 - 5 nhân viên vận hành trong hệ thống này.

Ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành SLP Vietnam chia sẻ tại phiên thảo luận 1. Ảnh: Lê Toàn.

Ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành SLP Vietnam chia sẻ tại phiên thảo luận 1. Ảnh: Lê Toàn.

“Chuỗi cung ứng cần xây dựng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Tất cả tên tuổi lớn đều ở Việt Nam, khi càng nhiều công ty đến Việt Nam thì cốt lõi phát triển vẫn là logistics và chuỗi cung ứng. Việt Nam đang ở thời điểm chuẩn bị tương lai, chính vì thế cần phải có cái nhìn đi trước 1 bước về nhu cầu robot tầm 3 đến 5 năm”, ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành SLP Vietnam nhấn mạnh.

Bổ sung về xu hướng phát triển logistics trong thời gian sắp tới, ông Elias Abraham, Giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated Shipping cho rằng, ngành shipping giao hàng, logistics... đều có tiềm năng lớn, Việt Nam thực tế cũng đang làm tốt mặc dù còn có những vấn đề này vấn đề khác. Các hãng tàu vẫn xem Việt Nam là điểm dừng. Bởi nhìn lại thì thấy 15 năm trước, Việt Nam không có một dịch vụ nào trực tiếp đến châu Âu và Mỹ La tinh thì nay đã có hơn 200 tuyến đường, điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một ngôi sao sáng là điểm đến cho các nhà đầu tư.

Ông Elias Abraham, Giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated Shipping trao đổi tại phiên thảo luận 1. Ảnh: Lê Toàn

Ông Elias Abraham, Giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated Shipping trao đổi tại phiên thảo luận 1. Ảnh: Lê Toàn

“Chi phí logistics của Việt Nam hiện có thể không hiệu quả ở đâu đó, nhưng nó cũng không đến nỗi quá đắt đỏ. Tuy nhiên, chúng ta cần cải thiện các giao hàng cần mở rộng ra các thị trường mới Úc, Nam Mỹ… Và vai trò của Nhà nước là rất lớn trong việc tạo ra các mỗi quan hệ và ưu đãi tới các nước này”, ông Elias Abraham nhìn nhận.

Ngoài ra, cũng theo Giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated Shipping, các điểm kết nối trung chuyển hàng hóa không chỉ tập trung ở TP.HCM, Đà Nẵng hay Hải Phòng, mà cần vào các địa phương khác như Thanh Hóa, Quảng Ngãi... Việt Nam cũng chưa có cảng nào phương tiện phát triển xanh.

“Năm 2030 các hãng tàu sẽ không dùng giấy nữa mà sẽ chuyển qua hệ thống điện tử hết, chính vì thế Việt Nam cần tính tới yếu tố này và tính chuyên nghiệp trong nghề cũng cần phải cải thiện hơn”, ông Elias Abraham nói.

Tin bài liên quan