Làn sóng tăng lãi suất đang thưa dần.

Làn sóng tăng lãi suất đang thưa dần.

Cuộc đua tăng lãi suất đã giảm nhiệt

Cuộc đua nóng tăng lãi suất huy động của các ngân hàng dường như đã đến ngưỡng dừng lại. Đến nay, số ngân hàng tăng lãi suất đã ít dần và mức tăng không còn mạnh như trước.

Cuộc đua thưa dần

 

Gần đây, vẫn có các ngân hàng điều chỉnh lãi suất. Trong đó, có mức tăng đáng kể nhất là Ngân hàng Quốc tế (VIB). VIB tăng lãi suất huy động tiết kiệm VND với mức tăng từ 0,2-0,6%/năm theo từng kỳ hạn; cao nhất là kỳ hạn 36 tháng, lãi suất là 9,00%/năm.

 

Các ngân hàng khác có tăng nhưng mức thấp hơn. Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) áp dụng lãi suất mới từ 1/7 tăng dao động từ 0,1-0,2%/năm, mức lãi suất tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân cao nhất lên tới 9,45%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

 

DaiABank, Sacombank, Việt Á, Ngân hàng Công thương có mức tăng không cao từ 0,05-0,4%/năm... Mức lãi suất cao nhất của các ngân hàng này áp dụng đều trên 9%, nhưng chưa vượt những đỉnh cao 10% mà một số ngân hàng trước đó đạt tới.

 

Hiện, lãi suất cao nhất trên thị trường thuộc về Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa, áp dụng đối với kỳ hạn 36 tháng là 10,2%/năm, nhưng không gây tác động lớn cho thị trường vì quy mô hoạt động rất nhỏ.

 

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, lãi suất trên thị trường vào những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7 đã không còn biến động nhiều. Thậm chí, trong tuần qua, những động thái tăng lãi suất được Ngân hàng Nhà nước liệt vào diện "cá biệt".

 

Đại diện NHNN cho biết, đến cuối tháng 6/2009, lãi suất huy động VND bình quân đầu vào của các ngân hàng thương mại là 8,2%/năm, lãi suất cho vay VND bình quân khoảng 10,04%/năm; lãi suất thị trường liên ngân hàng tương đối ổn định từ đầu năm đến nay.

 

Lãi suất huy động USD tối đa là 1,5%/năm, cho vay là 3-5%/năm (giảm 2-3%/năm so với cuối năm 2008); lãi suất cơ bản và tái cấp vốn của NHNN là 7%/năm. Mặt bằng lãi suất từ tháng 4 đến nay đã trở về thời kỳ ổn định.

 

Tăng lãi suất, không đáng ngại!

 

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho rằng, sự điều chỉnh lãi suất huy động chỉ xảy ra ở một vài ngân hàng, lãi suất 10%/năm được ấn định cho kỳ hạn 2 năm trở lên.

 

Vì vậy, hiện tượng này không ảnh hưởng đáng kể đến mặt bằng lãi suất thị trường. Không hình thành mặt bằng lãi suất mới do cung vốn trên thị trường hiện nay vẫn ổn định.

 

Nói về chủ trương điều hành thị trường thông qua công cụ lãi suất cơ bản, ông Bảo cho biết, trong tháng 7/2009, NHNN tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản là 7%/năm, cho thấy mục tiêu kiểm soát lãi suất thị trường tiếp tục theo hướng ổn định.

 

Cơ sở cho quyết định này là tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm có chuyển biến tích cực. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và hộ sản xuất giảm dần khó khăn và tiếp tục phát triển. Theo số liệu gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có 91% số doanh nghiệp duy trì và ổn định sản xuất - kinh doanh, giữ được việc làm.

 

Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng đảm bảo an toàn, cung - cầu vốn, không có biến động lớn, vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng đảm bảo khả năng thanh toán, lãi suất USD giảm, tỷ giá không có biến động lớn...

 

Như vậy, bên cạnh việc cân đối bài toán lợi nhuân khi đưa lãi suất huy động lên sát lãi suất cho vay tối đa, khả năng thu hút vốn dài hạn không thực sự khả quan, việc NHNN liên tục phát đi những tín hiệu ổn định và linh hoạt trong nới lỏng chính sách tiền tệ cũng khiến cho các ngân hàng không còn tăng mạnh lãi suất nữa.

 

Hơn nữa, các ngân hàng tăng mạnh lãi suất, chấp nhận đưa lãi suất huy động lên sát trần cho vay và hy vọng cân đối lại lợi nhuận thông qua theo lãi suất thỏa thuận.

 

Tuy nhiên, dù cho vay tiêu dùng được NHNN đánh giá là tăng "hơi nhanh", khoảng trên 11%, nhưng cũng không hề dễ dàng mở rộng bởi ngoài nhu cầu và tâm lý khách hàng.

 

Ngoài ra, những động thái mới đây của NHNN về nghiêm cấm ngân hàng thương mại nới lỏng điều kiện tín dụng, khiến các ngân hàng phải tăng cường kiểm tra chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt cân đối vốn... Những việc này làm cho những khoản vốn cho vay tiêu dùng, bất động sản hay chứng khoán được "soi" kỹ hơn... cũng là yếu tố khiến lãi suất không còn tăng mạnh.