Cuối năm dồn dập giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Trong 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 51,38% kế hoạch, nhưng theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn chính sách của Thủ tướng, trong 3 tháng cuối năm, vốn đầu tư công sẽ được giải ngân dồn dập.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn chính sách của Thủ tướng.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn chính sách của Thủ tướng.

Thưa ông, cơ sở nào để ông cho rằng, vốn đầu tư công sẽ được giải ngân dồn dập trong những tháng cuối năm nay?

Vốn đầu tư công thường được giải ngân rất mạnh trong quý IV, cao hơn rất nhiều so với bình quân 3 quý đầu năm.

Năm nay, theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 9 tháng, vốn đầu tư công giải ngân đạt gần 363.311 tỷ đồng, tương đương 51,38% kế hoạch (cùng kỳ năm 2022 đạt 46,70%). Cần phải phân biệt đây là số vốn đã được Kho bạc Nhà nước giải ngân, chứ không phải là giá trị khối lượng công trình, dự án đã hoàn thành, hay còn được gọi là vốn đầu tư công thực hiện.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính hết 9 tháng năm 2023, vốn đầu tư công thực hiện đạt 57,4% kế hoạch, tăng 23,5% so với cùng kỳ 2022. Nhưng đây cũng chỉ là con số thực hiện do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, bộ ngành, địa phương báo cáo và con số này bao giờ cũng thấp hơn thực tế. Lý do là, còn một khối lượng giá trị công trình, dự án rất lớn đã hoàn thành xây lắp, nhưng hồ sơ, giấy tờ, chứng từ, hóa đơn chưa kịp làm xong, nên chưa báo cáo. Vì vậy, những tháng cuối năm, các đơn vị thi công, nhà thầu và ban quản lý dự án, chủ đầu tư bao giờ cũng tập trung hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ, tiến hành nghiệm thu khối lượng công trình đã thi công từ những tháng trước chưa được nghiệm thu do chưa đạt đến điểm dừng kỹ thuật.

Khi các thủ tục này hoàn thành, đơn vị thi công, chủ đầu tư gửi hồ sơ lên Kho bạc Nhà nước để được thanh toán thì số vốn đầu tư công giải ngân chắc chắn sẽ tăng rất mạnh.

Kể cả vốn đầu tư công được giải ngân dồn dập trong 3 tháng cuối năm, nhưng để đạt mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn?

Trong 9 tháng qua mới giải ngân được 51,38% kế hoạch vốn, thấp hơn mục tiêu đặt ra là 65%, chủ yếu rơi vào nguồn vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội.

Tỷ lệ giải ngân đạt thấp cũng có lý do khách quan. Đó là, năm 2023 cùng với năm 2022 là 2 năm đặc biệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công của cả nhiệm kỳ 2021-2025, cũng như các nhiệm kỳ trước kể từ khi thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn. Vì ngoài đầu tư theo Kế hoạch Đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội phê chuẩn, 2 năm nay còn phải triển khai gói kích cầu hậu Covid-19 theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội, nên tổng khối lượng giải ngân rất lớn. Năm nay còn vất vả hơn năm ngoái, bởi gói kích cầu năm ngoái mới thực hiện được một ít, tất cả dồn qua năm nay thực hiện hết, vì thời gian thực hiện gói kích cầu chỉ có 2 năm.

Nếu gói kích cầu đầu tư theo Nghị quyết 43/2022/QH15 năm nay không giải ngân hết thì sao?

Đây thuộc thẩm quyền của Quốc hội và sẽ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ sáu khai mạc vào ngày 23/10 tới. Một hợp phần rất lớn trong Nghị quyết 43/2022/QH15 là gói tài chính trị giá 113.550 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.

Giải ngân gói tài chính này rất chậm có nguyên nhân là Chương trình xây dựng trong thời gian rất gấp để đáp ứng yêu cầu đặt ra, gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Gói tài khóa này có quy mô nguồn lực rất lớn, nhiều chính sách, giải pháp chưa từng có tiền lệ, lần đầu tiên được nghiên cứu, triển khai, vừa nhằm đẩy vốn nhanh ra nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn vừa gắn với yêu cầu triển khai hiệu quả đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng…

Vấn đề là giải pháp xử lý?

Giải pháp thì đã có. Nghị quyết 93/2023/QH15 cho phép điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu tư công để hoàn thành các dự án theo đúng Nghị quyết 43/2022/QH15.

Nhưng vấn đề là Nghị quyết 43/2022/QH15 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023...?

Thời gian thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 chỉ còn hơn 2 tháng, nên khó có khả năng giải ngân hết số vốn còn lại của Chương trình, đặc biệt đối với dự án giao thông quan trọng, quy mô lớn, có tính liên vùng, có kế hoạch bố trí vốn lớn. Vì vậy, trường hợp Quốc hội không cho phép tiếp tục thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình sau ngày 31/12/2023 có thể dẫn đến việc các dự án thiếu vốn, không hoàn thành mục tiêu đề ra tại chủ trương đầu tư dự án; có thể dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, tạo sức ép bố trí vốn trong các năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do phải bố trí thêm cho các dự án thuộc Chương trình chưa hoàn thành, gánh nặng bố trí vốn trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Do hiện nay chưa hết thời hạn giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình, Chính phủ chưa có căn cứ để xác định chính xác số vốn cụ thể của Chương trình cần kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân cho từng dự án. Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội thông qua, căn cứ tình hình triển khai thực tế, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình đến hết năm 2025.

Để tạo tính linh hoạt, chủ động trong triển khai, tránh gián đoạn trong việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn của Chương trình, Chính phủ rà soát, xác định rõ số vốn cần kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tin bài liên quan