Khách hàng đòi quyền lợi tại Công ty Phi Long. Ảnh: Việt Dũng

Khách hàng đòi quyền lợi tại Công ty Phi Long. Ảnh: Việt Dũng

Cuối năm long đong đòi nhà

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mua nhà, đất mà chưa tìm hiểu kỹ thông tin về chủ đầu tư, dự án, nhiều khách hàng đang phải mòn mỏi chờ quyền lợi, chưa biết đến khi nào được giải quyết.

Gần 20 năm chờ nhận đất

Cùng với bộn bề công việc những ngày cận Tết Giáp Thìn, hàng trăm khách hàng đã mua nền đất của Công ty Đầu tư phát triển đô thị Phi Long (Công ty Phi Long) tại dự án Nam Sài Gòn (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) vẫn kiên trì “gõ cửa” các cơ quan chức năng để đòi quyền lợi.

Ông Đồng Phú Hữu - người đại diện cho khoảng 180 hộ dân cho hay, từ năm 2004 đến nay, đã có hơn 680 hộ dân mua nền đất tại dự án này. Lúc đi xem thực tế dự án thì thấy hạ tầng đường xá đã có, đặc biệt là 2 ngôi biệt thự nguy nga của chủ đầu tư hiện hữu. Điều này càng làm cho khách hàng tin tưởng rằng mình sẽ sớm được an cư. Thế nhưng, đến nay đã gần 20 năm trôi qua, những khách hàng này vẫn chưa nhận được đất ở hợp pháp để ổn định cuộc sống.

“Để đòi quyền lợi, chúng tôi đã liên tục nhiều năm và nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng nhưng đều không có hướng xử lý cũng như thông báo kết quả giải quyết. Về phía chủ đầu tư, Công ty Phi Long cũng hứa hẹn, rồi trì hoãn bàn giao với nhiều lý do. Trong khi đó, người dân chúng tôi chẳng biết vướng mắc, đúng sai chỗ nào”, ông Hữu bức xúc kể, đồng thời thông tin thêm rằng, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư tự đo đạc lập bản đồ quy hoạch tổng thể phân lô, sửa đổi nhiều lần nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhưng vẫn kêu gọi hợp tác đầu tư, góp vốn, kể cả phần đất chưa hoàn tất bồi thường và phần đất có quy hoạch không phải là đất ở. Thậm chí, cùng một mã nền nhưng lại bán cho nhiều người, gây tranh chấp, bất an…

Trước những phản ánh của người dân và hành vi của Công ty Phi Long, ngày 12/6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM (PC03) đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại đây. Sau đó, các khách hàng được PC03 mời đến lấy lời khai và giao nộp các tài liệu liên quan đến sự việc. Tuy nhiên, từ đó đến nay, khách hàng vẫn chưa nhận thêm thông tin về vụ việc.

Chờ… và tiếp tục chờ

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, vụ án đang được cơ quan chức năng tạm đình chỉ điều tra để chờ kết quả trả lời của UBND TP.HCM và các tổ chức có liên quan. Trong thời gian này, phía Công ty Phi Long đã làm việc với các chủ đất để thỏa thuận việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đồng thời cử người đại diện làm việc, trao đổi với khách hàng để tìm giải pháp xử lý phù hợp. Thế nhưng, đã nhiều năm trôi qua, mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ, các khách hàng vẫn chưa biết ngày nào sẽ nhận được đất.

Hiện tại, khách hàng mua đất tại dự án Nam Sài Gòn mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện để “tự cứu mình”. Cụ thể, khách hàng muốn tự bỏ tiền ra để san lấp mặt bằng phần nền đã mua, tự hoàn thiện đường đi xung quanh, tự làm hệ thống điện, đường cấp nước và nước thải, sau đó xin đóng tiền sử dụng đất. Khi hoàn tất, mong chính quyền địa phương cấp quyền sử dụng đất và cho phép xây nhà theo mẫu đã được phê duyệt.

“Chúng tôi không thể chờ đợi Công ty Phi Long thêm được nữa. Vẫn biết khi tự bỏ tiền ra như vậy sẽ rất tốn kém, nhưng chúng tôi chấp nhận vì đó là mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu của chúng tôi đã đổ trên đó. Chúng tôi khẩn thiết xin chính quyền tạo điều kiện để sớm thực hiện mong ước có nhà để ở”, vị đại diện tập thể khách hàng trên nói.

Ảnh: Việt Dũng

Ảnh: Việt Dũng

Đạo đức kinh doanh cần phải đặt trước luật

Vụ việc tại dự án Nam Sài Gòn chỉ là một trong nhiều dự án trên địa bàn TP.HCM đang xảy ra tranh chấp khi chủ đầu tư bội tín, còn khách hàng trót tin tưởng mua sản phẩm dự án phải mòn mỏi chờ quyền lợi.

Đơn cử như vụ việc xảy ra tại dự án Chung cư Gia Phú (TP. Thủ Đức, TP.HCM), vào những năm 2010-2012, hàng trăm khách hàng đã ký hợp đồng với Công ty Địa ốc Gia Phú (chủ đầu tư) để mua căn hộ tại dự án này. Theo hợp đồng ký kết, chậm nhất vào quý I/2013, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, sau khi hoàn thành phần thô và cất nóc, dự án bất ngờ ngừng thi công và đến nay, nhiều khách hàng đã thanh toán 95% giá trị căn hộ nhưng vẫn chưa nhận được nhà.

Đáng nói là khi dự án dừng triển khai, nhiều khách hàng khi tìm hiểu mới biết căn hộ của mình mua đã bị chủ đầu tư bán lại cho người khác. Quá bức xúc, hơn 200 khách hàng tại Chung cư Gia Phú đã làm đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM tố cáo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bà Đoàn Thị Hoàn My khi đó là Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Gia Phú và ông Nguyễn Hùng Nghiêm là Phó tổng giám đốc Công ty.

Đến ngày 21/12/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hùng Nghiêm về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị phê chuẩn các quyết định này. Đồng thời, ra quyết định khởi tố hình sự vụ án với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 2 đại diện Công ty Địa ốc Gia Phú là bà Đoàn Thị Hoàn My và ông Nguyễn Hùng Nghiêm. Tuy nhiên, sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã ra quyết định hủy bỏ Quyết định khởi tố bị can và không phê chuẩn lệnh bắt bị can đối với ông Nguyễn Hùng Nghiêm, quyết định không khởi tố vụ án.

Không đồng tình, các khách hàng tiếp tục khiếu nại đến cấp cao hơn, đồng thời đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh việc làm của chủ đầu tư là vi phạm pháp luật. Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã yêu cầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án để phục hồi điều tra, giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật.

Thế nhưng, lúc này, bị can đã cao chạy xa bay. Cuối năm 2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM đã ra quyết định truy nã bị can Nguyễn Hùng Nghiêm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đến nay, người gây ra thiệt hại cho khách hàng vẫn “bặt vô âm tín”, khu vực xây dựng dự án vẫn ngổn ngang thiết bị và ngày càng xuống cấp, trong khi người mua vẫn mòn mỏi chờ nhà.

Bà Phạm Thị Minh Toàn - đại diện cho những khách hàng mua căn hộ tại Chung cư Gia Phú bày tỏ lo lắng, nếu không tìm được chủ đầu tư thì khách hàng sẽ tìm ai, ai sẽ là người giải quyết quyền lợi cho họ hay phải đợi đến khi nào?

Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, đa số chủ đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn Thành phố đều có trách nhiệm, có tâm, đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách hàng… Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp bị khiếu nại, tố cáo hoạt động kinh doanh không lành mạnh, ảnh hưởng đến khách hàng, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Theo ông Châu, hiện có nhiều điều luật quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nên những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Dẫu vậy, ngoài thượng tôn pháp luật, doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng và giữ gìn đạo đức kinh doanh, phải đặt đạo đức trước cả luật. Có như vậy mới tạo nên một môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh, xã hội ổn định, văn minh.

Tin bài liên quan