Cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh: Chủ trương, chính sách không trái pháp luật

(ĐTCK) Ngày 4/1, trả lời xét hỏi của đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vẫn khẳng định chủ trương, chính sách bán nhà đất công sản, chuyển nhượng dự án không sai phạm.
Cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh: Chủ trương, chính sách không trái pháp luật

Viện dẫn văn bản đã hết hiệu lực

Theo cáo buộc của cơ quan công tố, bị cáo Trần Văn Minh, là người giữ cương vị cao nhất tại UBND TP. Đà Nẵng, đã ký ban hành chính sách chủ trương sắp xếp xử lý nhà đất công sản, quản lý đất đai trái pháp luật. Theo đó, cho phép bán không đấu giá, giảm hệ số sinh lời, giảm 10% tiền sử dụng đất, cho phép chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng trái quy định.

Hành vi của bị cáo tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ, nguyên Chủ tịch CTCP Xây dựng 79 được mua, nhận chuyển nhượng 15/18 nhà đất công sản và 6/7 dự án trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng.

Cáo trạng đánh giá, tại cơ quan điều tra, bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn. Nhưng tại phiên toà, bị cáo nhiều lần khẳng định các chủ trương, chính sách được ban hành hoàn toàn đúng, không trái pháp luật.

Vào chiều ngày 3/1, trả lời HĐXX, bị cáo Trần Văn Minh khai rằng, chủ trương chuyển giao này đã có từ thời Bí thư Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch Hoàng Tuấn Anh, đến thời ông chỉ là “kế thừa thực hiện”.

Theo bị cáo Minh, cáo trạng truy tố bị cáo vì việc chuyển nhượng nhà đất công sản không đúng Nghị định 61 về mua bán kinh doanh nhà ở nhưng các nhà đất trong vụ án này, không phải là đối tượng áp dụng Nghị định 61. Bị cáo Minh cho rằng đối tượng Nghị định 61 là nhà ở còn nhà đất công sản trong vụ án không phải là nhà ở mà là các cơ sở kinh doanh. Do đó, không áp dụng Nghị định 61.

Bị cáo Minh nói: “Đà Nẵng áp dụng chính sách giảm 10% tiền sử dụng đất nếu nộp một lần trong vòng 30-60 ngày. Đây là chính sách được tập thể lãnh đạo thành phố bàn bạc kỹ. Nghị định 38/2000 cho phép nộp một lần giảm được giảm 20%, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ và áp dụng giảm 10%. Như vậy vẫn có lợi cho Ngân sách rồi”.

Liên quan đến nội dung này, ngày 4/1, đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục thẩm vấn bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh: 22 nhà đất này có phải đất công sản không? Có phải thực hiện theo Luật Quản lý tài sản Nhà nước không? Nếu làm trái Luật Quản lý tài sản Nhà nước tức là vi phạm đúng không?

Bị cáo Minh thừa nhận 22 nhà đất đúng là tài sản nhà nước. Tuy nhiên, bị cáo viện dẫn Quyết định 140/2008, có cơ chế cho Đà Nẵng và cho rằng đây là sáng tạo của tập thể lãnh đạo TP. Đà Nẵng.

Về việc áp dụng Nghị định 61, đại diện Viện Kiểm sát nhắc bị cáo Điều 5 của Nghị định quy định việc giảm giá chỉ áp dụng với trường hợp đấu giá đất. Ngoài ra, khi hành vi của các bị cáo xảy ra, Luật Đất đai 2003 đã có hiệu lực. Không thể viện dẫn văn bản pháp lý đã cũ.

Về các dự án 29 ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước, bị cáo Minh cho rằng, theo quy định thì đất sạch phải đấu giá. Nhưng khu 29 ha này là đất mặt nước. Việc giao đất đúng quy định vì đây là đất mặt nước, không phải đất sạch.

Đối với dự án 3,77 ha đường Trường Sa, bị cáo Minh nói chỉ tiếp tục thực hiện chủ trương từ thời lãnh đạo trước, xuất phát từ việc chưa được đền bù giải phóng mặt bằng. Việc giảm 10% quyền sử dụng đất với dự án này đúng với chủ trương của thành phố.

Tương tự, Dự án Khu dân cư An Cư 2 và 3 mở rộng, có chủ trương chuyển nhượng không qua hình thức đấu giá là đúng vì đất chưa được đền bù giải phòng mặt bằng. Việc lấy giá 2007 áp cho năm 2009 cũng không sai khi thị trường bất động sản đóng băng.

Đại diện Viện Kiểm sát nhắc bị cáo, khu 29 ha Đa Phước khi giao đất cho Công ty của Phan Văn Anh Vũ là mặt đất chứ không phải mặt nước, bằng chứng là văn bản của UBND TP. Đà Nẵng đã chia lô, có ranh giới.

Bị cáo Văn Hữu Chiến: Công việc rất bận nên sơ sót không kiểm tra kỹ

Chiều ngày 3/1, trong phần thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khai rằng, khi thực hiện các chủ trương, chính sách bị cáo tin là đúng nhưng sau này Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm.

Bị cáo Chiến trình bày, bị cáo giữ chức Phó Chủ tịch từ năm 2006-2011, sau đó làm Chủ tịch từ năm 2011-2014.

Theo bị cáo, cả thời kỳ dài, TP. Đà Nẵng áp dụng chính sách chuyển nhượng nhà đất công sản thấy có hiệu quả, nhưng sau này đã được chỉ ra sai phạm. Bị cáo chỉ là một khâu trong cả quy trình.  

Tại Dự án 29 ha Đa Phước, bị cáo không tham gia từ đầu, không thỏa thuận, đàm phán với doanh nghiệp nhưng căn cứ vào thỏa thuận nguyên tắc giữa Thành phố và Công ty Daewon thì giao đất.

Ban đầu khu đó là hồ nước xả, Thành phố giao là giao mặt nước. Doanh nghiệp đầu tư cải tạo nên mới có mặt đất, đó là phần của doanh nghiệp. Do chỉ là mặt nước nên Thành phố không đấu giá.

HĐXX hỏi lại bị cáo Chiến, khi giao đất cho công ty của Phan Văn Anh Vũ thì đó là đất hay mặt hồ? Bị cáo Chiến không trả lời thẳng mà viện dẫn thỏa thuận nguyên tắc giữa Thành phố và công ty Daewon, cho rằng đã làm đúng thỏa thuận.

Bị cáo Chiến khẳng định thời điểm ký Văn bản 5870 quyết định thu hồi đất và giao cho công ty của Phan Văn Anh Vũ, bị cáo thấy toàn bộ đúng quy trình, thủ tục pháp luật.

Bị cáo cũng nhiều lần nhắc lại do công việc rất bận, không có thời gian kiểm tra toàn bộ hồ sơ nên bị cáo đã tin tưởng các cơ quan tham mưu. Đó là trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn.

Tin bài liên quan