Bị cáo Nguyễn Văn Hiến tại tòa.

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến tại tòa.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến và Út trọc hầu tòa phúc thẩm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sáng 10/12, Tòa án quân sự Trung ương mở phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của ông Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) và các đồng phạm.

Phiên tòa được mở do có kháng cáo của 7 bị cáo và 7 người có quyền lợi nghĩa vụ.

Trong đó, ông Nguyễn Văn Hiến xin tòa phúc thẩm cho áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hưởng án treo. Các bị cáo Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo xin được giảm nhẹ hình phạt hoặc xin hưởng án treo.

Các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Trần Trọng Tuấn kháng cáo kêu oan; bị cáo Phạm Văn Diệt kháng cáo xin xem xét lại tội danh và xin giảm nhẹ hình phạt, hủy bỏ hình phạt bổ sung với mình.

Tại tòa, các bị cáo Bùi Như Thiềm và Bùi Văn Nga xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Trong vụ án, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo gồm Công ty BOT Việt Trì, CTCP Yên Khánh Hải Thành; Công ty Xăng dầu Thái Sơn Bộ Q.P, Công ty TNHH BOT và BT quốc lộ 20, Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Công ty Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành, Ngân hàng BIDV.

Trong các bị cáo không có kháng cáo, Vũ Thị Hoan (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Dịch vụ Yên Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành) được Tòa phúc thẩm triệu tập với tư cách người làm chứng.

Tại phiên sơ thẩm diễn ra hồi tháng 5/2020, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân tuyên phạt đô đốc Nguyễn Văn Hiến 4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhóm bị cáo Vi phạm các quy định về quản lý đất đai gồm Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng kinh tế Quân chủng Hải quân): 9 năm tù. Bị cáo Đoàn Mạnh Thảo (cựu Trưởng phòng tài chính Quân chủng Hải quân): 7 năm tù. Bị cáo Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc Công ty Hải Thành): 8 năm tù. Bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu Phó giám đốc Công ty Hải Thành): 4 năm tù.

Nhóm bị cáo Lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) 20 năm tù, tổng các bản án cũ là 30 năm tù. Bị cáo Phạm Văn Duyệt (cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình) 15 năm tù. Bị cáo Vũ Thị Hoan (cựu giám đốc Công ty Yên Khánh).

Bản án sơ thẩm thể hiện, các khu đất số 2, số 7-9, số 9-11 đường Tôn Đức Thắng (TP.HCM) có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân. Khi thực hiện chủ trương hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp trên 3 khu đất trên, các bị can đã không làm đúng quy định về quản lý đất đai.

Quá trình thực hiện các bị cáo đã đã ký các văn bản hoặc tham mưu để Thủ trưởng Bộ Tư lệnh ký các văn bản, làm các thủ tục không đúng quy định của pháp luật, Bộ Quốc phòng về quản lý đất đai trong triển khai thực hiện khai thác 3 khu đất làm kinh tế; xin ghi thu, ghi chi tiền chuyển mục đích sử dụng đất không đúng theo quy định.

Hậu quả làm Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất nói trên trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 939 tỷ đồng.

Tòa sơ thẩm xác định ông Hiến khi đó là Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhưng không làm hết chức trách nhiệm vụ. Bị cáo thiếu kiểm tra, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đất quốc phòng, đã nhất trí với những đề xuất không đúng quy định về quản lý đất đai. Bị cáo thiếu kiểm tra tính hợp pháp nên ký nhiều văn bản báo cáo, đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, đưa 3 lô đất vào hợp tác kinh doanh và ký nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.

Bị cáo có văn bản chỉ đạo, có thành lập đoàn kiểm tra tổng kiểm tra đất nhưng không có biện pháp dừng lại dẫn đến Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất.

Còn nhóm bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Duyệt và Vũ Thị Hoan có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt quyền sử dụng khu đất 7-9. Bị cáo Hệ thành lập và điều hành chỉ đạo mọi hoạt động của Công ty Yên Khánh. Bị cáo chỉ đạo các bị cáo Duyệt, Hoan ký các văn bản tờ trình đề nghị hợp tác kinh doanh khu đất số 7-9 đường Tôn Đức Thắng, nhận và quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau khi có sổ đỏ khu đất số 7-9, Hệ đã chỉ đạo các bị cáo khác sử dụng sổ đỏ làm tài sản đảm bảo, bảo lãnh cho các công ty khác của Hệ được vay vốn ngân hàng đến nay không có khả năng thanh toán.

Tin bài liên quan