
Công cụ chuyển đổi tự động giữa địa chỉ cũ - mới https://diachi.vnpost.vn, cho phép người dùng sử dụng cả hai dạng địa chỉ.
Với gần 13.000 điểm phục vụ trên toàn quốc, Bưu điện Việt Nam đã chuẩn bị từ sớm theo nguyên tắc “không để gián đoạn dịch vụ - không để người dân bị ảnh hưởng”. Hệ thống phần mềm, dữ liệu địa chỉ và lộ trình phát đều được cập nhật đồng bộ, không để xảy ra tình trạng thất lạc bưu gửi hay nhầm lẫn địa chỉ.
Bưu điện Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đầu tiên chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó toàn diện, triển khai đồng bộ nhóm giải pháp trọng tâm từ cấp Tổng công ty đến từng điểm phục vụ cấp cơ sở, hỗ trợ người dân tối đa trong mọi hoạt động.
Khách hàng không cần lo lắng nếu chưa nắm rõ địa chỉ mới - vì cả địa chỉ cũ và mới đều được hệ thống chấp nhận và xử lý chính xác. Người dân không phải khai báo lại, không phải cập nhật gì thêm, và đặc biệt, không mất thêm chi phí.
Các hoạt động chi trả bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội, hành chính công… cũng vẫn được đảm bảo thông suốt như bình thường.
Để tránh gián đoạn và sai lệch trong quá trình xử lý bưu gửi, Bưu điện Việt Nam đã phát triển công cụ chuyển đổi tự động giữa địa chỉ cũ - mới https://diachi.vnpost.vn, cho phép người dùng sử dụng cả hai dạng địa chỉ.
Theo đó, hệ thống sẽ ánh xạ tự động giữa địa chỉ cũ - mới, giúp người dùng dễ dàng thao tác. Đây là một trong những công cụ rất tiện lợi cho phép xử lý đơn hàng linh hoạt, kể cả với file Excel hay kết nối API. Hiện, công cụ đã được tích hợp trực tiếp trên ứng dụng My Vietnam Post.
Ông Nguyễn Hồng Long, Giám đốc Trung tâm điều hành mạng lưới cho biết, Bưu điện Việt Nam hiện đang sở hữu cơ sở dữ liệu địa chỉ số đồ sộ với hơn 23 triệu địa chỉ được xây dựng, thu thập và chuẩn hóa trong nhiều năm qua. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp Tổng công ty triển khai hiệu quả các giải pháp thích ứng với thay đổi địa giới hành chính từ ngày 1/7/2025.
“Khi địa chỉ hành chính mới bao hàm phạm vi rộng hơn sau sáp nhập tỉnh, thành phố, hệ thống địa chỉ số của Bưu điện Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, giúp tra cứu thuận tiện, hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất kinh doanh, vận hành dịch vụ và các hoạt động hành chính công. Việc thay đổi tên địa phương sẽ không còn là nỗi lo của người dân hay doanh nghiệp - dù là ở vùng sâu vùng xa hay giữa thành phố lớn”, ông Long chia sẻ.
Tất cả các phần mềm nghiệp vụ như tiếp nhận, chia chọn, định tuyến và phát bưu gửi được nâng cấp đồng bộ để phù hợp với địa giới mới. Bưu điện Việt Nam đã tổ chức kiểm thử hệ thống quy mô toàn quốc và đào tạo 100% nhân viên, bưu tá tại các điểm phục vụ để nắm vững quy trình xử lý địa chỉ theo danh mục mới. Đồng thời, người dân cũng được hướng dẫn trực tiếp tại các điểm giao dịch hoặc qua ứng dụng, website, mạng xã hội chính thức của Bưu điện.