Đà Nẵng: 225 dự án vốn đầu tư công chậm triển khai, chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
Trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng có nhiều dự án chậm triển khai, hạ tầng thi công dở dang, kéo dài dự án, chậm trễ tiến độ, chậm bàn giao gây bức xúc trong nhân dân.

Tại Kỳ họp thứ 15 Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND Thành phố Đà Nẵng vừa tiến hành xem xét, thảo luận các kết quả chuyên đề giám sát của HĐND thành phố về tình hình thực hiện các dự án chậm triển khai, dự án chậm bàn giao, dự án chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn thành phố, và việc thực hiện các quy định pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố.

Theo đó, hiện nay, trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng có nhiều dự án chậm triển khai, hạ tầng thi công dở dang, kéo dài dự án, chậm trễ tiến độ, chậm bàn giao gây bức xúc trong nhân dân; những dự án, khu đất chậm đưa đất vào sử dụng gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, đặc biệt là các dự án nằm trên các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố gây bức xúc trong nhân dân và được nhiều cử tri rất quan tâm.

Theo chuyên đề giám sát của HĐND Thành phố Đà Nẵng về tình hình thực hiện các dự án chậm triển khai, dự án chậm bàn giao, dự án chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn thành phố có phạm vi rất rộng, bao gồm dự án chậm triển khai, dự án chậm bàn giao và dự án, khu đất chậm đưa đất vào sử dụng trải dài qua 2 nhiệm kỳ, từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2022, và có những dự án đã kéo dài hơn 10 năm, thậm chí có những dự án đã triển khai từ trước năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành; đồng thời, chuyên đề có tính tổng hòa, giám sát toàn diện các dự án có nguồn vốn đầu tư công và vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Theo đó, thành phố này hiện có 225 dự án có nguồn vốn đầu tư công chậm triển khai, chậm tiến độ; 1.036 dự án, khu đất thuộc đối tượng kiểm tra tiến độ sử dụng đất; 131 dự án thuộc diện đã thi công hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ công trình, đủ điều kiện bàn giao từng phần hoặc toàn bộ nhưng chậm bàn giao.

Đối với dự án có nguồn vốn ngoài ngân sách, hiện có 19 dự án chưa triển khai; 11 dự án đang triển khai nhưng bị chậm tiến độ; 4 dự án nhà đầu tư chấm dứt hoạt động dự án theo quy định; 47 dự án đã đưa vào hoạt động một phần hoặc cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào hoạt động hoặc đang triển khai trong thời gian tiến độ cho phép; ngoài ra, có 8 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư trước năm 2016 nhưng chậm triển khai.

Kết quả giám sát đánh giá, thời gian qua, UBND thành phố đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo khá quyết liệt trong công tác tổ chức triển khai các dự án, thực hiện rà soát khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố và có các buổi làm việc trao đổi để tìm giải pháp tháo gỡ cho các nhà đầu tư.

Qua đó, năm 2022 - 2023, UBND Thành phố Đà Nẵng đã tháo gỡ các dự án có vướng mắc kéo dài nhiều năm, cấp, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho nhiều dự án tồn tại kéo dài nhiều năm; đồng thời, đã rà soát, báo cáo các khó khăn vướng mắc các dự án liên quan đến pháp lý về đầu tư, đất đai tại các buổi làm việc với Đoàn công tác tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng.

Thông qua giám sát cũng cho thấy nhiều tồn tại, hạn chế, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có những hạn chế trong một thời gian dài không được xem xét, tìm giải pháp xử lý cụ thể, như: một số chủ đầu tư có năng lực quản lý, điều hành dự án còn hạn chế; công tác lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu chưa đáp ứng và phù hợp với thực tiễn, dẫn đến việc chậm hoàn thành hồ sơ, thủ tục, kéo dài tiến độ triển khai thực hiện dự án; có tình trạng nhà thầu chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong việc lưu trữ hồ sơ công trình, không phối hợp khắc phục, sửa chữa các hư hỏng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện bàn giao công trình theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan trong việc rà soát xử lý các dự án chậm triển khai, chậm bàn giao, chậm đưa đất vào sử dụng còn chưa chặt chẽ, chưa quy định trách nhiệm cụ thể trong việc phối hợp theo dõi, đôn đốc, chia sẻ thông tin liên quan; tiến độ triển khai các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch tái thiết đô thị một số khu vực chậm cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc triển khai quy hoạch chi tiết các dự án để hoàn thiện các thủ tục triển khai thực hiện.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Đinh Vui đề nghị UBND thành phố tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan nâng cao chất lượng và trách nhiệm trong công tác thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm trong lựa chọn nhà đầu tư; việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án; chuyển đổi mục đích sử dụng đất... đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Đinh Vui cho rằng, Đà Nẵng cần phải nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền và năng lực thực sự của chủ đầu tư trong việc tổ chức thực hiện triển khai dự án; nghiên cứu, đề xuất quy định mới, tiêu chí cụ thể để rà soát, thẩm tra năng lực thực chất của nhà đầu tư, đồng thời có giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch, công khai cho các tổ chức, cá nhân và người dân được rõ; tái kiểm tra các dự án đã được kiểm tra, cho phép gia hạn tiến độ nhưng chưa hoàn thành.

Các ý kiến thảo luận cũng cho rằng, UBND thành phố cần chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên, liên tục rà soát, cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phối hợp xử lý công vụ liên quan đến việc lập các thủ tục về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, đất đai, môi trường; thường xuyên theo dõi, tích cực phối hợp tham gia ý kiến khi có yêu cầu trong việc xử lý các kiến nghị của thành phố liên quan đến việc chồng chéo, vướng mắc, chưa rõ ràng của quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng nói chung và về xử lý các dự án chậm tiến độ nói riêng.

Theo đại biểu Lê Văn Dũng, UBND thành phố cần tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra công tác bàn giao toàn bộ số lô đất, quỹ đất công từ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư, tái định cư từ nguồn vốn ngân sách, đảm bảo toàn bộ quỹ đất được bàn giao cho đơn vị quản lý theo quy định, tránh thất thoát, bỏ sót; đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Nghị định liên quan đến công tác bàn giao dứt điểm các dự án.

Tin bài liên quan