Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề nghị có chính sách phát triển nhà ở di động.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề nghị có chính sách phát triển nhà ở di động.

Đại biểu Quốc hội đề nghị có chính sách phát triển nhà ở di động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) tại phiên thảo luận Hội trường bàn về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng nay (19/6).

Sáng 19/6, Quốc hội bước vào ngày làm việc đầu tiên của đợt họp thứ hai. Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội tâm huyết với vấn đề mở rộng loại hình nhà ở để phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là người có thu nhập thấp, công nhân lao động...

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) gây chú ý khi đề xuất có chính sách phát triển nhà ở di động, vấn đề mà ông Cảnh cho rằng dự thảo Luật chưa quy định.

Theo vị đại biểu, nhà ở di động là loại nhà được nhiều nước trên thế giới đưa vào sử dụng từ lâu; ví dụ tại Mỹ, nhiều khu phố đã được hình thành nhanh chóng nhờ vào việc sử dụng nhà ở di động đã được lắp đặt sẵn cho những khu dân cư mới hoặc những khu đất được cho thuê, mua.

Tại Việt Nam hiện cũng đã bắt đầu sử dụng loại hình nhà di động nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu du lịch, nhà vườn, cắm trại.

Đại biểu chỉ rõ thực trạng hiện nay, việc tái định cư cho người dân để triển khai các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn là làm sao để người dân nhanh chóng có chỗ ở ổn định. Một vấn đề cấp bách hiện nay nữa là việc chuyển dân cư ở các khu chung cư cũ không đảm bảo an toàn đến sống tạm ở một khu vực khác trong thời gian chung cư cũ được cải tạo hay xây mới.

Do đó, theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, nhà ở di động là một giải pháp khả thi để giúp cho người dân có ngay một chỗ ở mới với thời gian nhanh hơn rất nhiều so với việc xây dựng nhà tạm hay nhà kiên cố.

"Điều kiện ăn ở, sinh hoạt của nhà ở di động cũng được bảo đảm không khác gì với nhà ở thông thường. Nhà ở di động có thể được sử dụng nhiều lần. Nhà nước, nhà đầu tư có thể mua, thuê lại đảm bảo chi phí hợp lý, không bất tiện, lãng phí như việc làm nhà tạm cho người dân sinh sống trong thời gian dài", ông Cảnh nói.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 19/6.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 19/6.

Từ đó, đại biểu đoàn Bình Định đề nghị luật hóa nhà ở di động để giúp người dân có thêm lựa chọn cho nơi sinh sống của mình phù hợp với tài chính, phù hợp với cuộc sống năng động của người trẻ.

Người dân cũng có thêm nhiều lựa chọn cho việc mua đất gắn liền với nhà ở, thuê đất và mua nhà ở di động đặt vào để sinh sống và sau này khi chuyển nơi khác thì cũng có thể chuyển nhà ở di động đến nơi ở mới. Mặt khác, loại nhà này cũng phù hợp với việc phục vụ cho phòng chống thiên tai, thảm họa hay dịch bệnh để các đội ngũ y tế cứu hộ an ninh, tình nguyện viên cũng có thể phục vụ thời gian dài.

Nếu như nhà ở di động được chấp nhận đưa vào Luật, ông Cảnh đề nghị có quy định tiêu chuẩn về nhà ở di động và có khu vực dành cho loại nhà này là khu ngoại ô, đất thương mại được thiết kế cho mục đích ở hoặc đất công ích của địa phương dành cho trường hợp bố trí cư dân ở các khu chung cư ở tạm để xây lại.

Đồng quan điểm về việc mở rộng loại hình nhà ở, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho rằng chính sách nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê. Nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: Chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.

Bên cạnh đó, cần tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đề nghị phát triển nhà ở xã hội để cho thuê

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đề nghị phát triển nhà ở xã hội để cho thuê

Cần tách bạch giữa đầu tư và vận hành nhà ở xã hội, trong đó Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến nhà ở xã hội cho thuê, tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách; cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành nhà ở xã hội.

Cùng với đó, chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đồng thời, nên sửa đổi lại khái niệm về nhà ở xã hội trong dự thảo luật. Theo đó, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua.

"Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội", ông Thành nói.

Từ đó, đại biểu cho rằng nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận, nhà ở xã hội.

Trong khi đó, tranh luận với đại biểu Hiển, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cho rằng giải pháp xây nhà ở xã hội để cho thuê là hợp lý, nhưng để thực hiện được thì Nhà nước phải bỏ ra một nguồn lực rất lớn. Điều này vượt quá khả năng thực tế. Mặt khác, đối với nhà đầu tư thì việc bỏ tiền chẵn ra rồi thu tiền lẻ về thì cũng rất khó thu hút được đầu tư như tình trạng đã xảy ra thời gian qua.

Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk)

Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk)

Đại biểu chỉ rõ, hiện nay đang có một nghịch lý là trong khi nhà ở xã hội có rất nhiều ưu đãi nhưng không phát triển được nhiều thì nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư mặc dù không có bất kỳ sự ưu đãi, hỗ trợ nào nhưng lại phát triển rất nhanh đã và đang bảo đảm cung ứng chỗ ở cho phần lớn người lao động.

Tuy nhiên, do chính sách, quy định của pháp luật hiện hành chưa quan tâm đến lĩnh vực loại hình nhà ở này nên dẫn đến các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê đều là tự phát, không được quản lý, không có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện riêng phù hợp. Dẫn đến người thuê nhà vừa phải chịu những rủi ro về bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, vừa phải chịu những chi phí đắt đỏ hơn bình thường như các chi phí về điện, nước.

Từ đó, đại biểu đề nghị, để tạo điều kiện cho mọi người dân đều có chỗ ở như quy định của Hiến pháp thì bên cạnh chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà lưu trú cho công nhân, việc sửa đổi Luật Nhà ở lần này cần quy định rõ ràng cụ thể chính sách phát triển nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để tương xứng với vai trò đóng góp của loại hình này.

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Văn Hiển, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đồng thuận về việc phát triển nhà cho thuê và cho rằng nếu chỉ tập trung xây dựng nhà ở xã hội thì thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy người lao động không có khả năng tài chính để mua. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Trước ý kiến cho rằng Nhà nước không đủ nguồn lực thực hiện, đại biểu Trần Hoàng Ngân làm rõ, qua rà soát cho thấy hiện có nhiều đất công, tài sản công để hoang phí mà nếu tiến hành rà soát, giám sát thì đây sẽ là nguồn lực tài chính rất lớn để đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng cần bổ sung quy định về quản lý nhà trọ. Theo đại biểu, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động và đặc biệt là tại các đô thị lớn thì những chủ nhà trọ lại giữ vai trò rất là quan trọng hơn là các chủ đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản.

Chủ các nhà trọ đã chia sẻ với người lao động. Do đó, cần có những quy định chuẩn hóa khu nhà trọ này. Trong thời gian khi mà công nhân không thuê nhà trọ thì lại là cơ hội để Nhà nước hỗ trợ cho các chủ nhà trọ nâng cấp.

Ông Ngân nêu rõ, Chính phủ trình với Quốc hội để có một gói hỗ trợ cho các chủ nhà trọ với lãi suất 0 đồng để nâng cấp hệ thống nhà cho thuê, nhà trọ hiện nay và đảm bảo được chuẩn hóa, đảm bảo được những tiêu chuẩn do Luật quy định.

"Có như vậy mới vừa đảm bảo được an sinh xã hội, vừa huy động được toàn bộ nguồn lực xã hội cho công tác chăm lo chỗ ở cho người lao động", vị đại biểu nhấn mạnh.

Tin bài liên quan