Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thuế xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho rằng thuế đánh lên xăng dầu của Việt Nam thấp hơn thế giới và việc giảm thuế liên quan đến chính sách tài khoá đã duyệt, song Bộ trưởng Tài chính vẫn ghi nhận đề xuất và cho biết sẽ cân nhắc để trình lên Chính phủ, Quốc hội duyệt đề xuất này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Thế giới đánh thuế xăng dầu 45-60%, Việt Nam chỉ 29-30%

Tiếp chương trình kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XV, sáng 2/6, trong phần thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội băn khoăn trong lĩnh vực do Bộ này phụ trách.

Nói về vấn đề đang "nóng" hiện nay là giá xăng dầu, ông Phớc ghi nhận các ý kiến của đại biểu về đề xuất giảm thuế đối với xăng dầu để "hạ nhiệt" giá mặt hàng này, góp phần kiềm chế lạm phát.

Bộ trưởng Tài chính cho rằng, mức thuế với xăng ở Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới. "Hiện nay giá xăng nhập đầu vào là 22.000 đồng/lít, cộng thuế nhập khẩu 7,7%..., trong cấu thành giá hiện tại có khoảng 8.000 đồng/lít là tiền thuế, chiếm 28% giá bán. Hiện thuế đánh lên xăng dầu ở nước ngoài chiếm khoảng 45 - 60% cơ cấu giá, ở Việt Nam khoảng 29-30%", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.

Hiện thuế đánh lên xăng dầu ở nước ngoài chiếm khoảng 45 - 60% cơ cấu giá, ở Việt Nam khoảng 29-30%.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Cho rằng giảm thuế chỉ là một trong những giải pháp để kiềm chế giá xăng dầu, chính sách thuế có liên quan đến toàn bộ chính sách tài khoá đã được duyệt, muốn giảm thuế phải nghĩ đến giảm chi và tăng thu khoản khác, song Bộ trưởng vẫn khẳng định sẽ xem xét đề xuất này để thời gian tới trình lên Chính phủ, Quốc hội phê duyệt.

"Vừa qua chúng ta đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, tương đương giảm được 2.000 đồng/lít xăng rồi, còn 2.000 đồng nữa thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội. Còn lại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế khác cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội", Tư lệnh ngành Tài chính nói.

Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh đến giải pháp nâng cao năng lực của nguồn lực trong nước để tự chủ nguồn cung, cụ thể là tập trung nâng công suất hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.

Trước đó, tại các phiên thảo luận hội trường, thảo luận tổ, một số đại biểu đề nghị sử dụng công cụ thuế để điều hành giá xăng dầu. Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) khẳng định, chúng ta còn dư địa để giảm thuế đối với mặt hàng này, tất nhiên giảm thuế sẽ tác động đến nguồn thu song ông Cường cho rằng lợi ích của việc kiềm chế lạm phát do chi phí đẩy vẫn lớn hơn.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh phải giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng và xem xét bỏ hẳn thuế tiêu thụ đặc biệt vì xăng dầu là hàng hoá thiết yếu, không có lý do gì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Có trường hợp bán đất 10 tỷ đồng, nhưng kê khai thuế 500 triệu đồng

Vấn đề thứ hai mà Bộ trưởng Tài chính giải trình trước Quốc hội là vấn đề vì sao phải siết thu thuế trong giao dịch bất động sản. Ông Phớc nói rằng, do nhiều người kê khai giá tính thuế thấp hơn rất nhiều so với thực tế.

Theo quy định, người nộp thuế phải kê khai thuế trên hợp đồng đúng với giá hai bên đã thoả thuận với nhau, nếu thấp hơn thì tính theo bảng giá đất tại thời điểm nộp thuế. Song thời gian qua, có hiện tượng trốn thuế, trục lợi về thuế trong lĩnh vực bất động sản.

"Vì vậy, chúng tôi đã có hai văn bản chỉ đạo cơ quan thuế siết chặt thu thuế đúng giá trị mua bán, điều này cũng tác động tới đầu cơ kinh doanh bất động sản", ông Phớc nói.

Thông tin thêm, Bộ trưởng nói rằng, có trường hợp hợp đồng chỉ kê khai giá bán 500 triệu đồng, sau khi được giải thích thì kê khai lại 10 tỷ đồng, gấp đến 20 lần. Thậm chí, có trường hợp gấp 40 lần, bình quân cũng gấp 6 lần trở lên.

Nhờ siết hoạt động này mà trong 5 tháng đầu năm nay tổng thu thuế từ giao dịch bất động sản là 16.200 tỷ đồng, vượt thu cùng kỳ năm ngoái 6.600 tỷ đồng, theo Bộ trưởng.

Trước đó, tại phiên thảo luận hôm qua (1/6), đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) dẫn ý kiến của cử tri, cho biết một số cơ quan thuế ở cấp huyện có biểu hiện tuỳ tiện trong việc áp dụng giá bất động sản tính thuế.

Khi cơ quan các cấp, các ngành giám sát, nếu có tình trạng cơ quan thuế có lót tay, trục lợi, hối lộ thì sẽ xử lý nghiêm

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc

“Nhiều nơi yêu cầu người dân phải chấp nhận giá tính thuế cao hơn 1,2 - 1,5 lần, thậm chí có nơi đến 2 lần giá đất Nhà nước quy định thì mới được giải quyết hồ sơ. Trường hợp giá trong hợp đồng thấp hơn mức trên thì cơ quan thuế ngâm hồ sơ, mời lên làm việc nhiều lần hoặc trả hồ sơ vì cho rằng giá trong hợp đồng chưa sát với giá thị trường bất động sản theo khảo sát. Tuy nhiên, căn cứ nào xác định giá hợp đồng sát với giá thị trường và áp dụng giá tính thuế cao hơn giá nhà Nước quy định thì cơ quan thuế không chỉ ra”, ông Bình nêu vấn đề.

Về phản ánh này, Bộ trưởng cho biết, đã có chỉ đạo cấm cơ quan thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân bằng các biện pháp “tiền phòng hậu kiểm”, tránh để các vụ án hình sự xảy ra.

Ngoài ra, Bộ trưởng Phớc cho biết, sắp tới sẽ đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh, dữ liệu bất động sản để minh bạch, đảm bảo vấn đề thu thuế chuyển nhượng bất động sản.

"Thu từ đất và dầu thô chỉ chiếm gần 14% ngân sách, đại biểu Quốc hội hãy yên tâm"

Đối với các ý kiến cho rằng thu ngân sách hiện đang thiếu bền vững do phụ thuộc vào nguồn thu từ đất và dầu thô, Bộ trưởng Tài chính giải trình như sau:

Năm 2021, thu ngân sách đạt 1.568 ngàn tỷ đồng, vượt 16,8%% so với kế hoạch đề ra và vượt gần 3,9% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó thu từ đất là 185 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô 44 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% và 2,9% tổng thu ngân sách.

"Như vậy đất và dầu thô chỉ chiếm gần 14% tổng thu ngân sách. Có nghĩa là năng lực sản xuất kinh doanh của ta vẫn tốt. Trong tổng số vượt thu năm qua là 225 nghìn tỷ đồng thì có 74 nghìn tỷ là vượt thu từ đất, 21 nghìn tỷ là vượt thu từ dầu thô. Như vậy có 45% tổng số vượt thu đến từ đất và dầu, 55% còn lại từ hoạt động sản xuất kinh doanh nên các đại biểu hãy yên tâm", ông Phớc nhấn mạnh.

Cuối phần giải trình, người đứng đầu ngành Tài chính nhận định, nhiệm vụ cấp bách của chúng ta là phải chống lạm phát. Ngoài tập trung điều hành các chính sách tiền tệ, tài khoá, quản lý giá thì còn vấn đề quan trọng là phải tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, phải tái cơ cấu năng lực sản xuất kinh doanh trong nước.

"Như vậy mới tạo ra sản phẩm và nâng cao nội lực của doanh nghiệp, nâng mức thu nhập của người dân, có sức mạnh chống lại lạm phát", Bộ trưởng kết luận.

Tin bài liên quan