Cần Thơ đang là thị trường mới nổi được nhiều doanh nghiệp địa ốc nhắm tới để phát triển dự án

Cần Thơ đang là thị trường mới nổi được nhiều doanh nghiệp địa ốc nhắm tới để phát triển dự án

Đại gia địa ốc “đánh bắt xa bờ“

(ĐTCK) Tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng tại các thị trường tỉnh, nhiều đại gia bất động sản đẩy mạnh việc săn quỹ đất ở các địa phương để phát triển dự án.

Cuộc chơi mới của các đại gia địa ốc

Cuối tháng 12/2018, UBND TP. Cần Thơ đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị mới An Bình 1 - Cần Thơ cho liên danh 3 đơn vị thuộc Tập đoàn Hải Phát.

Nằm ngay khu đất vàng trung tâm quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ với diện tích lên tới 164,3 ha, dự án là tổ hợp bao gồm liền kề, shophouse, biệt thự, chung cư, nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư với quy mô dân số lên tới 19.000 người.

Là một doanh nghiệp bất động sản với hoạt động chủ yếu tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận phía Bắc, động thái mới của Hải Phát cho thấy tham vọng của tập đoàn này trong việc mở rộng thị trường phát triển ra nhiều địa phương.

Không chỉ Cần Thơ, trao đổi với phóng viên Báo Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Hải Phát cũng không giấu giếm kế hoạch triển khai tới 15 dự án, trong đó có cả những dự án nghỉ dưỡng đáng chú ý tại Nha Trang, Hội An, Bình Thuận.

Dự án bất động sản được triển khai ở các tỉnh lẻ chủ yếu là nhà liền thổ 

Ngay tại Cần Thơ, thời gian qua, Vingroup, CEO Group, FLC cũng đang săn lùng quỹ đất để phát triển dự án tại đây. Trước đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư của TP. Cần Thơ vào tháng 8/2018, Tập đoàn Vingroup cho biết, xác định Cần Thơ sẽ là thành phố trung tâm động lực của vùng, nên đã sớm có mặt ở đây với hàng loạt dự án đã và đang triển khai như Vincom Hùng Vương, Vincom Xuân Khánh, Vincom Shophouse, Vinpearl Cần Thơ Hotel, sắp tới là Vinmec và Vinpearl Golf & Resort.

Tương tự, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, trong chiến lược phát triển bất động sản nghỉ dưỡng đa hình thái thời gian tới, FLC xác định Đồng bằng sông Cửu Long là địa hạt đầu tư trọng yếu.

Với vị trí trung tâm phát triển động lực khu vực Tây Nam Bộ, Tập đoàn FLC lựa đã chọn TP. Cần Thơ làm hạt nhân cho chiến lược đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long với 3 dự án hạ tầng du lịch quy mô lớn, bao gồm mô hình tháp biểu tượng dịch vụ 5 sao tại trung tâm Thành phố và hai quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, đầy đủ tiện ích tiêu chuẩn quốc tế, tổng diện tích lên tới 1.600 ha.

Còn tại phía Bắc, Quảng Ninh đang là điểm đến được nhiều doanh nghiệp bất động sản để mắt. Các ông lớn như Vingroup, Sun Group, FLC đều đã có các dự án khủng tại địa phương này.

Mới đây, liên danh giữa Công ty cổ phần Đầu tư phát triển TNR Holdings Việt Nam và Công ty Thương mại - Xây dựng - Quảng cáo - Địa ốc Việt Hân cũng đã được phê duyệt đầu tư xây dựng 582 căn biệt thự thuộc dự án sông Uông ở TP. Uông Bí (Quảng Ninh).

Quảng Ninh là địa bàn chiến lược tiếp theo của TNR Holdings Việt Nam, sau khi mở rộng địa bàn hoạt động từ Hà Nội, TP.HCM ra Hà Nam và Hải Dương. TNR Holdings Việt Nam cũng vừa được UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị Ngã Bảy 2 với diện tích dự kiến 10,6 ha.

Mới đây nhất, sau khi được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, địa phương này tiếp tục nằm trong tầm ngắm của các đại gia địa ốc trong cuộc đua thâu tóm quỹ đất.

Ngày 9/1/2019 vừa qua, sau hơn 7 tháng bị cấm giao dịch, thị trường bất động sản Vân Đồn đón nhận diễn biến mới đầy hứng khởi khi chính quyền huyện chính thức tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn, cho phép giao dịch mua bán đất đai đối với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

Trong thời gian này, có rất nhiều thông tin nổi bật có tác động tích cực tới thị trường bất động sản Quảng Ninh như chính thức khai trương Sân bay quốc tế Vân Đồn, cảng biển quốc tế, cao tốc Hà Nội - Hạ Long - Vân Đồn...

Với nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được đưa vào sử dụng, giới chuyên gia đánh giá, bất động sản Quảng Ninh sẽ tiếp tục là thỏi nam châm với nhiều đại gia bất động sản.

Định hướng dài hạn cho tương lai

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc phát triển quỹ đất mới tại các địa phương khác ngoài Hà Nội và TP.HCM luôn được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong chiến lược phát triển của mình.

Lý do là quỹ đất tại các thị trường chính như Hà Nội và TP. HCM ngày càng khan hiếm, thủ tục pháp lý khó khăn. Bên cạnh đó, các thị trường này đã phát triển ổn định nên giá đất, suất đầu tư được định giá rất cao, lợi nhuận mang lại không thực sự hấp dẫn các chủ đầu tư. Để có bước phát triển mới, các doanh nghiệp bất động sản phải hướng đến những vùng đất mới tiềm năng hơn. Hơn nữa, kết nối hạ tầng giao thông ở các địa phương trên cả nước đang phát triển rất mạnh cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản tỉnh.

Đồng quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty CBRE Việt Nam dự báo, thị trường 2019 sẽ phát triển dự án ngoài Hà Nội và TP.HCM, chủ yếu là các địa phương đang trên đà phát triển. Khi chuyển hướng về các địa phương này, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn nhờ lợi thế “sinh sau, nở muộn” của cơ sở hạ tầng.

Thực tế, trong thời gian vừa qua, quy hoạch đô thị ở các địa phương liên tục mở rộng, tạo điều kiện tăng trưởng về giá trị cho các sản phẩm mang tính chất đầu tư, nên có thể thu hút đông đảo dòng tiền đổ vào, càng làm gia tăng sức hút trên thị trường.

Nếu như trước đây, người dân các tỉnh chưa quen với đầu tư bất động sản, thì hiện nay, họ đã dần quen với việc coi bất động sản như một kênh đầu tư, tích trữ tài sản và rất ưa chuộng loại hình đầu tư này. Tuy nhiên, để phát triển các dự án từ đầu tư bất động sản cần mất rất nhiều thời gian, thủ tục, chuẩn bị cho đầu tư, đền bù, lập quy hoạch thiết kế, giải phóng mặt bằng.

"Đó là lý do các doanh nghiệp phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để có các quỹ đất sạch triển khai dự án cho nhu cầu phát triển trung, dài hạn, 3 - 5 năm, thậm chí là 10 - 20 năm tới", bà Dung nói.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc LDG Group dự đoán, năm 2019 sẽ là năm bùng nổ phát triển bất động sản ở các thị trường tỉnh, không chỉ là các khu vực quen thuộc, mà ở cả những thị trường chưa được khai phá trước đó.

Ông Khang cho biết, hiện nay, việc tìm kiếm quỹ đất vùng ven cũng không còn là chuyện dễ dàng, các doanh nghiệp đang phải “dẫm chân nhau” đi săn quỹ đất đẹp. Yếu tố quỹ đất đang tác động trực tiếp đến việc tìm kiếm nguồn vốn phát triển của doanh nghiệp.

Xu hướng huy động vốn được xem là chủ chốt và ổn định nhất hiện nay, có thể thay thế cho vốn ngân hàng là huy động qua sàn chứng khoán. Tuy nhiên, muốn huy động qua kênh này thì doanh nghiệp cũng phải chứng thực năng lực thông qua hoạt động của các dự án, lượng quỹ đất.

Ngoài ra, quỹ đất cũng tác động mạnh đến xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) bất động sản của các doanh nghiệp trong nước với khối ngoại. Lợi thế hiện nay là Việt Nam đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư quốc tế, khối ngoại không tiếc tiền đổ vào các thị trường tiềm năng và doanh nghiệp uy tín.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan