Ngày 19/10/2022 VCC mới tổ chức được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 (ảnh: M.M)

Ngày 19/10/2022 VCC mới tổ chức được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 (ảnh: M.M)

Đại hội đồng cổ đông muộn và chuyện nội bộ "rối ren" tại CTCP Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam (VCC)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần hết tháng 10 mới tổ chức được đại hội cổ đông thường niên, chương trình dự kiến trong buổi sáng nhưng đã kéo dài đến chiều tối vì hồ sơ đại hội và trình tự thủ tục phức tạp, mất quá nhiều thời gian để giải quyết những tranh cãi nội bộ…

Tất cả đã hé lộ thực trạng quản trị doanh nghiệp yếu kém tại Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam (VCC, mã chứng khoán CCV - UPCoM), doanh nghiệp có 51% vốn của Tổng công ty tư vấn Xây dựng Việt Nam – CTCP (VNCC).

Rườm rà thủ tục

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 của VCC diễn ra sáng 19/10/2022, rất nhiều cổ đông có chung thắc mắc không biết đại hội năm nay có kéo dài và mệt mỏi như năm ngoái hay không.

Được biết, Đại hội cổ đông 2021 của Công ty hôm 21/11/2021 đã diễn ra từ 9h đến 22h cùng ngày vì lý do như trên.

Mở đầu đại hội năm nay, ông Trần Nhật Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VCC cho biết sẽ cố gắng gói gọn chương trình trong buổi sáng nhưng thực tế đại hội cổ đông 2022 vẫn tiếp tục bị “lố giờ” và kéo dài đến chiều tối.

Ngay từ màn kiểm tra tư cách cổ đông đã xuất hiện sự lúng túng, xuề xoà. Mặc dù bắt đầu đón tiếp đại biểu, kiểm tra tư cách cổ đông từ 7h30 nhưng đến gần 9h, Ban kiểm tra tư cách cổ đông vẫn chưa có số liệu chính xác về số cổ đông và người được uỷ quyền hợp lệ tham dự đại hội.

Ông Lê Anh Dũng, Trưởng ban Kiểm tra tư cách cổ đông của VCC chỉ tạm công bố số cổ đông và người đại diện uỷ quyền hợp lệ chiếm trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Công ty để đại hội có đủ điều kiện tiến hành, trước khi cung cấp con số chính xác.

Tiếp đó, khi ông Trần Nhật Minh công bố thành phần chủ toạ điều hành đại hội gồm có ông Minh, bà Hoàng Thị Ngọc Loan (Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty), ông Nguyễn Văn Bằng (Ủy viên HĐQT, cổ đông lớn của Công ty) thì diễn ra “sự cố”.

Chủ tịch HĐQT VCC - ông Trần Nhật Minh và Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VCC - bà Hoàng Thị Ngọc Loan điều hành đại hội
Chủ tịch HĐQT VCC - ông Trần Nhật Minh và Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VCC - bà Hoàng Thị Ngọc Loan điều hành đại hội

Cụ thể, ông Bằng nêu ý kiến rằng, đại hội có mặt ông Nguyễn Huy Khanh (Ủy viên Hội đồng quản trị, người đại diện quản lý 51% cổ phần của công ty mẹ tại VCC là Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam – CTCP, gọi tắt là VNCC) thì nên để ông Khanh điều hành. Tuy nhiên, ông Khanh từ chối điều hành vì lý do “mấy phút nữa phải đi có việc quan trọng”.

Ngoài ra, Hội đồng quản trị đương nhiệm của VCC còn một thành viên là bà Phạm Thị Thăng nhưng bà Thăng cũng vắng mặt và lý do không được đề cập.

Ông Bằng nêu vấn đề là các cổ đông khi đến dự họp không được phát ngay các phiếu bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027, dẫn đến việc một số cổ đông không tham gia được hết chương trình, muốn nhờ cổ đông khác biểu quyết hộ thì không được.

Ông Minh trả lời những cổ đông về mà không ủy quyền là tự từ chối quyền lợi. Kết quả, một số cổ đông đã ra về bị gọi quay lại để thực hiện việc ủy quyền. “Sự cố” này khiến đại hội cổ đông của VCC mất không ít thời gian để giải quyết.

Sau đó, đại hội yêu cầu các cổ đông lần lượt biểu quyết thông qua 13 nội dung gồm: danh sách ban kiểm phiếu, chương trình và nội dung đại hội, quy chế hoạt động đại hội, các quy chế bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, lựa chọn công ty kiểm toán, thông qua các báo cáo… Mỗi nội dung đều phải thực hiện bằng bỏ phiếu kín, thu phát và kiểm phiếu, công bố tại chỗ. Kết quả là mất nguyên nửa ngày vẫn chưa hoàn thiện các trình tự thủ tục để đi vào phần chính của đại hội.

Quá bức xúc, ông Trịnh Khắc Nội, một cổ đông nguyên là cán bộ cũ của VCC phải lên tiếng rằng, tại sao một công ty có toàn nhà khoa học mà cung cách tổ chức đại hội cổ đông lại rườm rà, phức tạp đến thế.

"Tại sao một công ty (VCC - PV) có toàn nhà khoa học mà cung cách tổ chức đại hội cổ đông lại rườm rà, phức tạp đến thế?"

Ông Trịnh Khắc Nội, cổ đông VCC

“Có công ty cổ phần nào yêu cầu ký ba cái giấy uỷ quyền tham dự đại hội cổ đông như chúng ta không? Đã ủy quyền thì ủy quyền cả tham dự lẫn biểu quyết, tại sao không tích hợp vào một giấy ủy quyền mà phải tách ra thành ba?

Tại sao lại phải thông qua danh sách ứng cử viên trong khi những người ấy đương nhiên đủ điều kiện?”, ông Nội đặt câu hỏi và đề nghị tự động hoá đại hội, tự động hóa bầu cử để giản tiện những sự rườm rà không đáng có này.

Đồng tình với ông Nội, ông Bằng phát biểu rằng, tại sao một số nội dung đơn giản không sử dụng hình thức biểu quyết trực tiếp là giơ phiếu.

“Mỗi nội dung biểu quyết lại phát phiếu, thu phiếu, kiểm phiếu thế này thì đến ngày mai cũng chưa xong”, cổ đông lớn nắm giữ trên 9% cổ phần của VCC nói.

Từ năm 2017 đến năm 2021, doanh thu của VCC lao dốc từ 185,6 tỷ đồng xuống còn 118,32 tỷ đồng; lợi nhuận giảm từ 9,77 tỷ đồng xuống còn 8,38 tỷ đồng (nguồn: VCC)

Từ năm 2017 đến năm 2021, doanh thu của VCC lao dốc từ 185,6 tỷ đồng xuống còn 118,32 tỷ đồng; lợi nhuận giảm từ 9,77 tỷ đồng xuống còn 8,38 tỷ đồng (nguồn: VCC)

Tranh cãi gay gắt, cổ đông lớn bỏ về

Cũng tại đại hội cổ đông nói trên, một số vấn đề bất cập về quản trị tài chính và nhân sự của VCC được hé lộ.

Sau khi ông Trần Nhật Minh trình bày báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017-2022, phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2022-2027 và bà Hoàng Thị Ngọc Loan đọc báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022; ông Trần Nhật Minh đề nghị thông qua hai báo cáo này luôn “để tiết kiệm thời gian của đại hội”.

Ngay lập tức, một số cổ đông bày tỏ sự phản đối. Ông Bằng cho rằng, đại hội đang làm ngược, chưa thảo luận đã biểu quyết thông qua báo cáo là sai nguyên tắc. Tuy nhiên ông Minh lấy quyền chủ toạ đã bác đề xuất này.

“Trong chương trình mà chúng ta thông qua có mục thảo luận đằng sau, để tiết kiệm thời gian của đại hội, xin phép anh, ta tuân thủ theo chương trình. Đây là đại hội của nhiệm kỳ nên ưu tiên làm công tác nhiệm kỳ”, Chủ tịch VCC nói.

Ông Nguyễn Văn Bằng, Uỷ viên Hội đồng quản trị VCC, cổ đông lớn đang nắm giữ hơn 9% cổ phần.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Uỷ viên Hội đồng quản trị VCC, cổ đông lớn đang nắm giữ hơn 9% cổ phần.

Ông Bằng không đồng tình vì cho rằng các báo cáo “có vấn đề”. Cụ thể, theo cổ đông này, có sự không hợp lý, không minh bạch trong quản lý tài chính và phân phối lợi nhuận của công ty.

Các báo cáo cho thấy, năm 2021 lợi nhuận trước thuế của VCC là 8,4 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Chỉ tiêu kế hoạch 5 năm tới tăng doanh thu và lợi nhuận trung bình 5-6%/năm, như vậy năm 2022 sẽ tăng 26% lợi nhuận, năm 2023 tăng 32% lợi nhuận...

“Nhưng cổ tức vẫn chỉ 20%/năm. Như vậy lợi nhuận đi đâu?”, ông Bằng đặt câu hỏi.

Ngoài ra, ông Bằng cũng cho rằng, thu nhập của Tổng giám đốc quá lớn. Cụ thể, năm 2021 doanh thu của VCC đạt 118 tỷ đồng, thu nhập của Tổng giám đốc là hơn 56 triệu đồng/tháng chưa kể thù lao (trong khi Chủ tịch Hội đồng quản trị chỉ hơn 40 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, năm 2015 doanh thu 100 tỷ đồng/năm nhưng ban giám đốc cũ đề xuất lên Hội đồng quản trị xin thu nhập 25 triệu/tháng thì không được chấp nhận.

Ngược lại, thu nhập của người lao động đang quá thấp. Ngày 2/8/2022, Công ty mẹ là VNCC đã có văn bản yêu cầu tổ đại diện quản lý vốn của VNCC tại VCC xuống phối hợp với Hội đồng quản trị và Ban giám đốc VCC nhanh chóng hoàn thiện quy chế tiền lương nhưng cả hai báo cáo tại đại hội không đề cập tới.

Bên cạnh đó, ông Bằng cũng phản ánh, Tổng giám đốc và kế toán trưởng tự mang báo cáo tài chính năm 2019, 2020 của công ty đi kiểm toán và trình thẳng lên công ty mẹ VNCC mà không thông qua đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị không được biết, không có văn bản của Ban kiểm soát VCC gửi Hội đồng quản trị theo quy định tại Điều 170 của Luật Doanh nghiệp. Hội đồng quản trị nhiều lần yêu cầu cấp số liệu báo cáo tài chính để điều chỉnh quỹ lương nhưng Ban điều hành không cấp.

“Về kế hoạch sản xuất kinh doanh 2022, Tổng giám đốc làm tờ trình xin ý kiến Hội đồng quản trị bổ nhiệm hai vị trí Phó tổng giám đốc. Việc này tôi đã có ý kiến là không đúng quy trình thủ tục bổ nhiệm của Luật Doanh nghiệp, chị Loan không nói gì, không hiểu sao vẫn đưa vào báo cáo hôm nay”, ông Bằng thông tin thêm.

Ông Dương Thế Lập, Thành viên Ban kiểm soát VCC

Ông Dương Thế Lập, Thành viên Ban kiểm soát VCC

Đáng lưu ý, ông Dương Thế Lập, Thành viên Ban kiểm soát phản đối kế hoạch phân bổ số tiền hơn 1,459 tỷ đồng (đã chi cho du lịch, tham quan nước ngoài bị “treo” nhiều năm) vào nguồn chi phí sản xuất kinh doanh hợp lệ của Công ty trong ba năm 2022-2024, như đề xuất của Tổng giám đốc Hoàng Thị Ngọc Loan.

“Tôi dứt khoát không đồng ý. Hội đồng quản trị và đại hội cổ đông không có quyết định nào cho phép tổ chức các chuyến tham quan học hỏi đó.

Nếu bây giờ cho phép phân bổ số tiền này vào chi phí hợp lệ của công ty thì có nghĩa là những người không được hưởng thụ các chuyến đi đó cũng phải chịu chi phí một cách vô lý. Xử lý như thế là vi phạm pháp luật”, ông Lập lưu ý.

Những thắc mắc này của ông Bằng, ông Lập không được lãnh đạo VCC giải đáp thoả đáng tại đại hội, sau đó hai cổ đông này bỏ về khi đại hội chưa kết thúc.

Trong khi đó, đại hội cổ đông của VCC có sự tham gia của hai đại diện công ty mẹ VNCC là ông Nguyễn Đình Thi và bà Đào Thị Tuyết Thanh nhưng hai vị này không có ý kiến gì.

Cổ đông của VCC bức xúc vì VNCC sở hữu tới 51% vốn nhưng không có giải pháp nào để giúp Công ty thoát khỏi rối ren, đã có những câu hỏi của cổ đông rằng, VNCC yếu kém về năng lực quản trị vốn tại doanh nghiệp thành viên hay cố tình để VCC “bất ổn” vì mục tiêu nào khác?

Trên UPCoM, cổ phiếu CCV của VCC đang giao dịch ở mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu. Từ tháng 6/2022 đến nay, mã này hầu như không có thanh khoản, chỉ thỉnh thoảng có giao dịch 100 cổ phiếu với giá trị trên dưới 4 triệu đồng.

Trước đó, CCV bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tạm ngừng giao dịch 3 phiên 25, 26, 27/7 do chưa có phương án tổ chức đại hội cổ đông, chưa công bố thông tin về đại hội. Tuy nhiên, đến 27/7 doanh nghiệp chưa khắc phục được nguyên nhân trên nên cổ phiếu CCV đã bị hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần.

Tin bài liên quan