Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đảm bảo giá thuốc không bị lũng đoạn ở cấp cao hơn

0:00 / 0:00
0:00
Vì thuốc chữa bệnh là hàng hóa đặc biệt, nên việc quản lý giá thuốc cũng được thực hiện một cách “đặc biệt”. Tuy nhiên, cách quản lý giá thuốc hiện nay còn nhiều bất cập.

Tạo khe hở cho sai phạm?

Theo một bác sĩ có thâm niên trong ngành y, giá thuốc là một cái bẫy, một nguyên nhân dẫn đến tham nhũng trong ngành y - điều mà những người lăn lộn trong ngành thấy rõ.

Vị bác sĩ này lý giải, thực tế cho thấy, giá thuốc bệnh viện nhập vào không rẻ hơn giá bán lẻ đến tay người dùng là bao, dù lẽ ra, đây phải là giá bán buôn (vì mua với số lượng lớn). Chẳng hạn, thuốc kháng sinh Medocef, giá bảo hiểm y tế thanh toán trong bệnh viện là 53.500 đồng/hộp, trong khi giá bán ở hiệu thuốc là 50.000 - 56.000 đồng/hộp, tùy số lượng.

Như vậy, có thể nói, giá thuốc mà bệnh viện được bảo hiểm y tế thanh toán chưa phải là giá thấp nhất có thể. Doanh nghiệp dược phẩm và bệnh viện với câu chuyện bắt tay “gửi giá” vẫn diễn ra. Để ngăn chặn các tiêu cực trong giá mua thuốc, ngành y tế có rất nhiều quy định về đấu thầu. Nhưng hiệu quả đến đâu, thì người trong cuộc mới hiểu.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), tổng số lượng mặt hàng thuốc có giá kê khai được công bố trong năm 2022 là 65.452 thuốc (tăng 1.446 thuốc so với năm 2021, tăng 3.359 thuốc so với năm 2020 và tăng 5.980 thuốc so với năm 2019).Số lượng mặt hàng thuốc có giá trúng thầu được công bố là 93.733 thuốc trong năm 2020; 85.486 thuốc trong năm 2021 và 81.063 thuốc trong năm 2022.

Theo vị này, những lỗ hổng định giá thuốc phi kinh tế như thế phải được nhận diện và bịt lại, nếu không sẽ trở thành cái bẫy đưa nhiều cán bộ y tế vướng vòng lao lý. Lỗ hổng này có thể bịt bằng cơ chế đấu thầu thuốc minh bạch, làm sao để bệnh viện mua được thuốc với giá thấp nhất, bằng giá bán buôn thực tế, từ đó giảm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm y tế.

Ở một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng, giá thuốc đầu vào ở các bệnh viện cao là do việc đấu thầu và chậm thanh toán.

Cụ thể, hãng dược bán cho nhà thuốc tư nhân có thể nhận được tiền trong thời gian ngắn, giao dịch dân sự, nên không cần đấu thầu. Trong khi đó, khi đấu thầu ở bệnh viện, chi phí thời gian, công sức bỏ ra rất lớn, tiền thanh toán thì chờ không biết bao lâu, nên giá phải tăng lên là dễ hiểu và hậu quả là, người bệnh chịu thiệt khi phải mua thuốc với giá “trên trời”, dù là ở bệnh viện.

Quản ra sao?

Đấu thầu thuốc tập trung ở cấp địa phương, rồi cấp quốc gia là những hướng đi mà ngành y tế đang hy vọng sẽ chấm dứt tiêu cực trong giá thuốc. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế, giới chuyên gia cho rằng, cần phải có cơ chế để đảm bảo giá thuốc không bị lũng đoạn ở cấp cao hơn.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của một lãnh đạo bệnh viện y tế tư nhân, ngành y tế không thể ngăn chặn tiêu cực trong giá thuốc chỉ bằng các quy định ngày càng chặt chẽ hơn, mà phải hài hòa các lợi ích kinh tế, nếu không, sẽ dẫn đến tình trạng bệnh viện vướng các quy định đấu thầu quá khó khăn, sợ làm sai. Đó là chấp nhận thuốc cũng là hàng hóa, tuân theo các quy luật kinh tế. Bệnh viện được chủ động đàm phán mua thuốc theo giá bán buôn, sau đó được thanh toán với bảo hiểm y tế theo giá bán lẻ hợp lý.

Phần thặng dư sẽ bù đắp cho chi phí hoạt động bệnh viện, trả lương nhân viên, tích lũy phát triển. Điều này là hoàn toàn bình thường theo pháp luật, được theo dõi sổ sách hạch toán minh bạch, tiền không chạy vào túi riêng của ai.

“Thực hiện điều này có thể xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc của các cơ sở y tế. Nhưng mối lo đó đã có từ rất lâu và bảo hiểm y tế cũng đang rất kiên quyết ngăn chặn lạm dụng thuốc và xét nghiệm”, một lãnh đạo bệnh viện tư nhân nêu ý kiến.

Về các biện pháp quản lý giá thuốc thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, trên cơ sở tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo cơ chế thị trường, theo quy định của pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước, Bộ Y tế sẽ triển khai một số nội dung để quản lý giá thuốc.

Theo đó, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý giá thuốc để khắc phục khó khăn, bất cập và để phù hợp với tình hình thực tế.

“Bộ cũng đề xuất Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội sửa đổi quy định tại Luật Dược năm 2016 theo hướng tập trung quản lý giá thuốc (kê khai, kê khai lại giá) đối với các thuốc biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu, các nhóm thuốc, danh mục thuốc có ít cạnh tranh, có nguy cơ độc quyền hoặc có trị giá cao”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu.

Tin bài liên quan